(Vietnam Logistics Review) Việc đệ đơn phá sản của hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) ngày 31.8.2016 có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986. Đối với Hanjin, chưa biết hãng tàu này có phá sản hay không? Nhưng sự kiện này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sắp tới, tòa án Seoul sẽ quyết định liệu hãng này sẽ tồn tại hay phá sản. Quá trình này sẽ được diễn ra trong vòng 1 đến 2 tháng. Hiện tại, Hanjin nộp đơn xin bảo hộ phá sản nhằm cho phép các tàu và container của Hanjin được quyền cập cảng tại 43 quốc gia, tránh tình trạng nhiều tàu đang phải lênh đênh trên biển như hiện nay. Chuyên gia phân tích về thương mại và hàng hải Greg Knowler của HIS Markit tại Hồng Kông cho biết: "Đó là một thảm họa lớn với các công ty vận tải biển và với các công ty là chủ của số hàng trong các container". Vụ phá sản của tập đoàn Hanjin là vụ lớn nhất từ trước tới nay trong ngành công nghiệp vận tải hàng hóa vậy nên hiện chưa rõ mọi việc sẽ được xử lý như thế nào và cũng chưa có tiền lệ để so sánh về quy mô sự việc. "Khoảng 540.000 container hàng hóa bị mắc kẹt ngoài biển", Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Sea Intelligence tại Copenhagen (Đan Mạch) giải thích về tính chất nghiêm trọng của sự việc.
Hanjin là hãng vận tải tàu container lớn thứ 7 thế giới, chiếm 2,9% công suất vận tải container toàn cầu, vận hành khoảng 60 tuyến vận tải thường xuyên trên thế giới, với 140 tàu container, và vận tải hơn 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong nửa đầu năm nay, Hanjin lỗ ròng 437 tỷ Won, tương đương 423 triệu USD. Ngày 30.8, cổ phiếu của Hanjin ngừng giao dịch tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Đến sáng ngày 5.9, giao dịch trở lại nhưng giá cổ phiếu có lúc giảm kịch sàn biên độ 30%, mức thấp nhất kể từ tháng 12.2009.
Tại Việt Nam, Cục Xuất Nhập khẩu cho biết hiện có khoảng 1.500 container hàng nhập khẩu trên tàu của Hanjin đang neo đậu ở các cảng của Việt Nam và hơn 1.300 container hàng xuất khẩu sẽ phải dỡ và chuyển sang các hãng tàu khác. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ GTVT chỉ đạo các cảng vụ có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển.
Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cũng ra thông báo đến khách hàng, các đơn vị vận tải về việc liên quan đến tình hình của hãng tàu Hanjin và khách hàng hiện nay: Về vấn đề giao nhận container của hãng tàu Hanjin tại các cơ sở của TCSG, để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và hãng tàu Hanjin, TCSG đã áp dụng các biện pháp tạm thời như đã nêu trong thông báo số 1511/TB-TCT, ngày 01.09.2016. Đó là không thực hiện giao container rỗng (khô và lạnh) của Hanjin ra khỏi tất cả các cơ sở của TCSG. Đối với container có hàng, sẽ được rút hàng trực tiếp tại các cơ sở của TCSG hoặc khách hàng đem container về rút hàng tại kho riêng phải sư dụng dịch vụ vận chuyển của Trung tâm dịch vụ Logistics Tân cảng (SNPL), đồng thời Hanjin chỉ định trả container rỗng sau khi rút hàng về các cơ sở thuộc TCSG (ngoại trừ Cát Lái). Các biện pháp trên được áp dụng cho đến khi Hanjin khôi phục hoạt động bình thường.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) gửi thông báo đến các DN Hội viên ngày 1.9.2016, đã đưa ra một số định hướng và quan điểm xử lý như sau: Đối với trường hợp hàng đã đặt chỗ với Hanjin nhưng chưa kịp bốc lên tàu, các DN hội viên cần nhanh chóng cho làm thủ tục lấy hàng lại và chuyển sang một hãng vận chuyển khác. Trường hợp hàng đến cảng chuyển tải, DN Hội viên cần cân nhắc nhanh chóng để phối hợp với cảng chuyển tải để làm thủ tục rút hàng và chuyển sang hãng vận chuyển khác. Liên quan đến bảo hiểm, Hội viên thông báo cho chủ hàng (chủ hàng thông báo công ty bảo hiểm của họ). Đồng thời thông báo và tham vấn công ty bảo hiểm trách nhiệm của Hội viên về hướng xử lý theo cách giảm nhẹ tổn thất.
Các luật sư hoạt động trong lĩnh vực hàng hải cho biết liên quan đến vụ việc này, về thủ tục chính thức thì DN phải thuê các công ty luật tại Hàn Quốc liên hệ với Tòa án Thụ lý tài sản Hàn Quốc làm việc này (Courtreceiveship) để hỏi về trình tự, thủ tục giải quyết hàng đã book với Hajin hiện đang ở cảng bốc hàng/cảng chuyển tải/cảng trả hàng. Như vậy sẽ phải tốn phí luật sư, phải chờ vì hiện nay Tòa án Thụ lý tài sản Hàn Quốc chưa tuyên bố Hanjin phá sản. Đối với hàng đang ở cảng Việt Nam, DN phải tập hợp đầy đủ mọi chứng từ về chi phí phát sinh để giao cho bên liên quan hoặc tự lưu giữ để xuất trình cho Tòa án Thụ lý tài sản Hàn Quốc giải quyết theo luật phá sản được áp dụng. Đối với hàng đang ở cảng chuyển tải hay cảng trả hàng, các DN LSP, hoặc đại lý của mình cũng phải làm việc với những tổ chức có thẩm quyền tại nước/cảng sở tại về mọi thủ tục để giảm thiểu rủi ro. Trong thời gian chưa tuyên bố phá sản mà đang thụ lý nhằm phục hồi công ty, thời gian có thể kéo dài, cần tư vấn cho chủ hàng việc gửi 1 lô hàng khác thay thế cho lô hàng bị kẹt do cầm giữ.
Tác động của việc Hanjin phá sản sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Ngay lập tức, năng lực vận tải toàn cầu bị suy giảm đáng kể, khi mà thị trường chuẩn bị bước vào mùa cao điểm. Bấy lâu nay, logistics và chuỗi cung ứng là những vùng đất mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng, vì vậy, khi Hanjin đệ đơn phá sản, nhiều DN bị động và loay hoay, thậm chí bị thiệt hại về tài chính. Đây chính là lúc để đa dạng hóa các nhà cung cấp dịch vụ logistics, là lúc mà DN logistics Việt Nam chú trọng vào logisics. Hãng tàu và các Forwarder đang tích cực tung ra các giải pháp trong thời gian này, hãy nắm bắt cơ hội. Bằng cách đa dạng hóa và tân dụng các giải pháp vận tải từ nhiều bên, đây sẽ là chìa khóa để giúp DN vượt qua thử thách...