Hiệp định EVFTA: “Chiếc vé thông hành” có trả phí

Thụy Hậu|07/07/2020 13:25

(VLR) Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Lợi là thế, nhưng song hành với những cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ có không ít khó khăn, thách thức. Và những thách thức này chính là con đường dù sớm hay luộn thì các doanh nghiệp Việt cũng phải đi qua...

Dự đoán, EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành 'điểm sáng' của kinh tế thế giới

Dự đoán, EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành 'điểm sáng' của kinh tế thế giới

Sáng ngày 08/6, sau 9 năm đàm phán, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua, mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên. Dự kiến đến ngày 01/8 tới, Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Da giày - một trong những ngành hưởng lợi cao nhất

Việc Quốc hội phê chuẩn EVFTA trong bối cảnh nước ta kiểm soát dịch COVID-19 và đang trong giai đoạn tái phát triển được xem là động lực phát triển kinh tế, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thông dòng chảy vốn FDI từ EU vào Việt Nam khi chúng ta có cơ hội tiếp cận thị trường 500 triệu dân của những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt gần 22 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Hiện ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo các chuyên gia, nếu ngành da giày đảm bảo cung ứng nguyên liệu từ các thị trường khó tính như EU, giá trị kim ngạch xuất khẩu có thể lên đến 70 tỷ USD, tăng gấp 3 lần hiện tại. Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Có thể khẳng định da giày sẽ là một trong những ngành hưởng lợi cao nhất từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Da giày - một trong những ngành hưởng lợi cao nhất

Da giày - một trong những ngành hưởng lợi cao nhất

Hiện nay, vấn đề chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đã thuế xuất 0% từ EVFTA không là vấn đề quá khó. Thay vì chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu cơ hội, thách thức từ Hiệp định này, các doanh nghiệp cần thiết lên kế hoạch sẵn sàng phương án điều chỉnh, chủ động về nguồn cung nguyên liệu trong nước hoặc nhập từ các thị trường EVFTA cho phép và thậm chí mở rộng dây chuyền sản xuất.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước. Tham gia tổ chức như xúc tiến thương mại trung gian, hiệp hội để chủ động nắm bắt được thông tin, đào tạo, tập huấn phục vụ cho các nguồn nhân lực để đáp ứng được các nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn với các nguồn cung ứng nguyên liệu trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời khi có biến động.

Dệt may – cần nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Với quy mô nhập khẩu hơn 250 tỷ USD hàng năm, EU chính là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân là 3%/năm.

Dệt may – cần nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Dệt may – cần nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ

Riêng ở Việt Nam, châu Âu là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2. Năm 2019, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD của ngành dệt may, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu mới chỉ đạt 4,4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Con số này cũng chỉ chiếm 2% tổng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Như vậy, dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng.Khi EVFTA có hiệu lực, 77% dòng hàng dệt may ngay lập tức trở về thuế xuất 0%, số còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm.

Theo Bộ Công Thương, điều kiện cơ bản để hưởng thuế xuất của EVFTA nằm ở nguyên liệu vải và công đoạn cắt may phải đạt chuẩn châu Âu (hoặc theo tiêu chuẩn của các thị trường mà châu Âu có hiệp định thương mại tự do). Đây là rào cản không phải doanh nghiệp nào cũng vượt qua, nhất là khi 50% - 60% lượng vải hiện nay của Việt Nam đang được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính vì những yêu cầu vô cùng khắt khe liên quan đến xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là trong lĩnh vực dệt, nhuộm,… đây chính là yếu tố then chốt đảm bảo cho hiệu quả trong khai thác hiệp định thương mại này.

Nông sản - cần chú trọng chất lượng, truy xuất nguồn gốc

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản được hưởng ngay thuế xuất 0% như cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên,… riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 – 7 năm sau đó. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt trên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nông sản - cần chú trọng chất lượng, truy xuất nguồn gốc

Nông sản - cần chú trọng chất lượng, truy xuất nguồn gốc

Với quy mô sản xuất lớn như hiện nay, nếu không nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặt biệt là việc truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp Việt rất khó để tận dụng được các ưu đãi do EVFTA mang lại.

Mặc dù EVFTA có ưu đãi với quy định về những biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật linh hoạt, nhưng đa số ngành hàng nông sản nước ta như thủy sản, hoa quả vẫn vấp phải những hạn chế khi thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế hay vấn đề hóa chất, kháng sinh tồn dư trên sản phẩm – điều mà nhiều mặt hàng nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy sản của Việt Nam thường mắc phải.

Nguồn nguyên liệu sản xuất ra không ít hàng nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, ASEAN và các nước không thuộc khối FTA với EU, đây cũng là một rào cản vô cùng lớn cản trở doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ EVFTA.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định EVFTA: “Chiếc vé thông hành” có trả phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO