(Vietnam Logistics Review) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) được bắt đầu đàm phán từ tháng 10.2008 và được ký kết vào ngày 11.11.2011 tại Hawaii, Hoa Kỳ bên lề hội nghị APEC. Do thủ tục phê chuẩn nội bộ của mỗi nước mất nhiều thời gian nên đến ngày 01.01.2014 Hiệp định mới chính thức có hiệu lực. Với 14 chương bao gồm 104 điều, 8 phụ lục và hầu như chỉ tập trung vào thương mại hàng hóa với các quy định về tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại,… VCFTA hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội để gia tăng hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Chile.
Cơ hội tiếp cận thị trường mới
Một là, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng trong nước, VCFTA hình thành đã tạo điều kiện cho các DN XK hàng hóa ở VN mở rộng hoạt động kinh doanh sang một thị trường tiềm năng mới là Chile. Từ đây, các DN có thể tận dụng được nội dung tự do hóa thương mại của Hiệp định, nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng sản lượng hàng hóa và xúc tiến hoạt động XK dễ dàng hơn, đồng thời có thể đa dạng thêm nhiều mặt hàng khác mà trước kia chịu nhiều ảnh hưởng từ rào cản thương mại ở thị trường Chile.
Hai là, Chile là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh ký kết hiệp định thương mại tự do với VN. Đây được xem là cửa ngõ giúp hàng hóa VN thâm nhập vào các thị trường rộng lớn ở Mỹ Latinh như Brazil, Argentina,… Ngoài ra, nếu VCFTA mang lại hiệu quả cao cho hai quốc gia sẽ là hình mẫu cho việc mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia khác trong khu vực này.
Ba là, khi các DN VN XK được hàng hóa sang thị trường Chile thì cũng có khả năng chinh phục được cả 33 thị trường thuộc khu vực Mỹ Latinh. Hiện Chile cùng với Mexico, Peru, Colombia đã thành lập Liên minh Thái Bình Dương, Chile cũng đã có hiệp định thương mại với các nước trong khu vực. Do vậy, nếu hàng hóa của VN có thể vào được thị trường Chile thì cũng có thể thâm nhập vào các thị trường khác trong Liên minh Thái Bình Dương và thị trường các nước Mỹ Latinh.
Bốn là, Chile đang là nước có mức đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong các nước Mỹ Latinh. Chile chủ yếu đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị để bán hàng. Hệ thống siêu thị của họ có ở hầu hết ở các nước Mỹ Latinh. Do đó, với lợi thế thuế suất 0%, thông qua kênh phân phối của Chile, hàng hóa VN có cơ hội được giới thiệu và hiện diện ở thị trường các nước Mỹ Latinh.
Cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt
Chile là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đứng đầu thế giới về trữ lượng khai thác và chế biến đồng, litio và xếp thứ 2 thế giới về sản xuất i-ốt và molipden. Ngoài ra, Chile còn có các khoáng sản quý hiếm khác như vàng, bạc và nhiều loại đá quý. Ngành công nghiệp khai khoáng rất phát triển và đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Chile.
VN NK từ Chile chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK như đồng để làm dây và cáp điện, gỗ rừng trồng để sản xuất đồ gỗ, bột cá để chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi tôm cá, bột giấy. NK các loại nguyên liệu này từ năm 2011 chiếm khoảng 80% tổng KNNK của VN từ Chile.
Ngoài ra, VN cũng NK một số sản phẩm khác như rượu vang, hoa quả tươi, thịt gia cầm, là những sản phẩm có hàm lượng chế biến cao phụ thuộc vào môi trường, điều kiện tự nhiên của Chile.
Từ năm 2010 đến nay, VN nhập siêu từ Chile. Điều này cho thấy hàng NK từ Chile đóng vai trò quan trọng trong hoạt động XNK của VN.
Vì vậy, VCFTA sẽ là cơ sở tạo điều kiện cho việc NK hàng hóa từ Chile vào VN dễ dàng hơn, từ đó các DN trong nước sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguyên vật liệu chất lượng tốt với giá cả phù hợp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phục vụ XK sang các thị trường tiềm năng. Một ví dụ cụ thể là trường hợp VN NK đồng từ Chile để chế tạo dây điện và dây cáp điện. Sản phẩm dây điện và cáp điện được đánh giá là một trong những nhóm mặt hàng đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của VN. VN có trên 200 DN tham gia sản xuất và XK dây điện và cáp điện, trong đó có nhiều công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư sản xuất, XK mặt hàng này với quy mô lớn và có dây chuyền công nghệ hiện đại.
Cơ hội đẩy mạnh XK các mặt hàng thiết yếu
Hiện nay, các mặt hàng XK chủ yếu từ VN sang Chile gồm có giày dép các loại, hàng may mặc, gạo, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ… Thị trường Chile có nhu cầu cao về các mặt hàng thiết yếu này nhưng nhân lực sản xuất lại rơi vào tình trạng dân số già nên điều kiện phát triển còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân Chile trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể dẫn đến sức mua khá cao. Do vậy, VCFTA có hiệu lực sẽ là cú huých thúc đẩy XK các mặt hàng cơ bản, thiết yếu từ VN sang thị trường này.
Cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Chile năm 2015
Ngoài ra, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước EU và cũng chưa từng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa XK của VN. Đây là một thuận lợi cho XK của VN. Tuy nhiên, các DN VN phải cạnh tranh nhiều với hàng giá rẻ từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh và các nước trong khu vực như Peru, Paraguay, Uruguay, Bolivia và Colombia.
Cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
VCFTA sẽ mở ra cơ hội gia tăng hoạt động đầu tư của Chile vào VN. Hiện đã có một số tập đoàn của Chile đang triển khai các hoạt động đầu tư vào VN ở những ngành họ có thế mạnh.
Hiệp định VCFTA giúp hai nền kinh tế bổ trợ cho nhau. Mặc dù VN nhập siêu từ Chile nhưng chủ yếu là nhập các nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ngoại thương. Bên cạnh đó, VN XK sang Chile chủ yếu các mặt hàng thành phẩm. Như vậy, các mặt hàng hiện nay mà hai quốc gia đang trao đổi có tính chất bổ sung, ít cạnh tranh. Việc thu hút đầu tư của các tập đoàn từ Chile sang VN được đánh giá là tiềm năng lớn về hiệu quả kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, XK dây điện và cáp điện của VN sang các thị trường trong tháng 6.2016 đạt trị giá 68,5 triệu USD, tăng 4,9% so với tháng 5.2016. Tổng KNXK trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 422 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015. |
Thông qua hoạt động đầu tư của các DN Chile, các DN VN có thể học hỏi, tiếp cận với công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị cho sản phẩm và hướng đến sự phát triển bền vững.
Như vậy, các cơ hội do VCFTA mang lại cho DN XK của VN là rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc tận dụng được các cơ hội này đòi hỏi từng bước đi, cách làm phù hợp của các DN cùng sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng.