Hội nghị đã gắn kết các Hội viên – tăng cường đoàn kết, tăng cường đối thoại trao đổi kinh nghiệm thông qua các hoạt động của Hiệp Hội hướng đến mục tiêu chung là nâng tầm và phát triển bền vững hoạt động ngành hàng hải và cảng biển Việt Nam.
Trong những năm qua, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam luôn là trung tâm gắn kết sức mạnh nội sinh – tăng cường đoàn kết, tính minh bạch trong hoạt động của các Cảng thành viên, đóng vai trò tham mưu đắc lực cho Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan về Quy hoạch phát triển Cảng biển Việt nam, chính sách giá, phát triển cảng xanh, chuyển đổi số hướng đến phát triển bền vững.
Theo Báo cáo của VPA tại hội nghị, kinh tế Việt Nam sau giai đoạn dịch bệnh đang cố gắng duy trì tốc độ phát triển cao trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn bất định trên phạm vi toàn cầu. Thương mại hàng hải nói riêng phát triển chưa ổn định do những yếu tố thay đổi về nguồn hàng, giá cả, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Hàng hóa, container thông qua cảng biển trong năm 2021, là năm có cách ly toàn phần để chống dịch, có giảm gần 1% so với năm trước đó nhưng sản lượng container tăng được khoảng 8%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng container thông qua cảng không còn tăng nhanh như trước khi có dịch. Cả năm 2022 dự kiến sản lượng hàng qua cảng tăng khoảng 6-8% so với 2021, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trước đây.
Tỉ lệ sản lượng thông qua các nhóm cảng biển Việt Nam như sau: Nhóm cảng số 4 là 60% (trong đó khu vực Tp. HCM chiếm 37%, khu vực cảng nước sâu Cái Mép Thị Vải 23%), kế đến là nhóm cảng số 1 tại Hải Phòng 27%, nhóm 2 và 3 khu vực miền Trung 12%; nhóm 5 vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ có 1%.
Quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển VN thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định mới của Luật quy hoạch, tăng khung thời gian quy hoạch, tăng tính đồng bộ và vai trò của địa phương trong quy hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong trung hạn đến 2030, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cảng biển được dự kiến vào khoảng 13 tỷ USD để đạt được mục tiêu tăng năng lực thông qua của cảng biển về hàng container lên 30-40 triệu TEU/năm. Có thể nói, quy hoạch này có nhiều đổi mới hướng đến quy mô phát triển hạ tầng cảng biển mang tính đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển của Đại hội XIII. Về kinh phí để thực hiện, hơn 90% phải huy động vốn đầu tư xã hội hoá. Hiệp hội sẽ tiếp tục cùng các Cảng thành viên hiện thực hóa mục tiêu này.
Những khó khăn trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, đã đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Hội nghị thường niên VPA là diễn đàn của cơ hội và thách thức: là dịp để các hội viên lĩnh hội, chia sẻ kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động cảng biển; tăng cường kết nối và hợp tác đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành hàng hải và thị trường khai thác cảng theo hướng bền vững, đoàn kết, minh bạch, và cạnh tranh lành mạnh.
Với chủ đề "Đồng hành để phát triển bền vững, đoàn kết để cùng đạt thành công", Hội nghị thường niên VPA đã đề ra các phương hướng hoạt động quan trọng của các thành viên trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển cảng theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại và xanh hóa, tăng cường hội nhập Quốc tế.
Theo truyền thống, về công tác từ thiện xã hội, Hội nghị đã trao tiền hỗ trợ xây nhà tình thương cho hộ nghèo ở Đà nẵng, hỗ trợ trẻ em làng SOS và mái ấm tình thương thành phố Đà Nẵng với tổng số tiền 170 triệu đồng.
TCT Tân Cảng Sài Gòn với vai trò là đơn vị đồng hành và tổ chức “Hội nghị thường niên VPA 2022” đã chủ trì tổ chức và tham gia tích cực các hoạt động trong suốt kỳ Hội nghị, góp phần vào thành công chung của sự kiện. VPA sẽ phát huy sứ mệnh là diễn đàn tăng cường đoàn kết, giao lưu giữa các hội viên, tham mưu và định hướng phát triển, gắn kết vì mục tiêu phát triển một hệ sinh thái kinh tế biển bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển Việt Nam tới 2030, tầm nhìn 2050.