Hội pháo Đồng Kỵ và lễ hội mùa xuân ở Việt Nam

Bảo Hân |25/01/2023 19:27

Sáng 25/1 (mùng 4 Tết Quý Mão), Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) diễn ra sau 2 năm hoãn do Covid-19, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về, rảo bước khí thế theo đoàn rước sôi động. Lễ hội mùa xuân Việt Nam đang như thế nào?

dongki-vnexpress16-1674630202.jpg
Đúng 9h, hai quả pháo được rước quanh làng. Xưa kia, làng Đồng Kỵ có hội thi làm pháo, đốt pháo để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc (vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng).

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ diễn ra ngày mùng 4 Tết âm lịch hàng năm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây cũng là lễ hội mở màn cho chuỗi lễ hội kéo dài qua tháng 2 âm lịch khắp các tỉnh phía Bắc.

Việt Nam là đất nước của lễ hội. Chả thế mà tục ngữ đã có câu: "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Những ngày đầu xuân mới, trong không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời, nhiều lễ hội truyền thống trên khắp đất nước bắt đầu khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Vậy, đất nước vào mùa xuân có bao nhiêu lễ hội? Hãy cùng Vietnam Logistics Review, tham gia Lễ hội quan trọng nhất của mùa xuân.

Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc, trước hết là Lễ hội chùa Hương. Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội của Việt Nam, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khu thắng cảnh Hương Sơn, được xem hành trình về một miền đất Phật - nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Đây là một lễ hội lớn về số lượng các phật tử tham gia hành hương. Lễ hội được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt cho nơi đây núi non sông nước hiền hòa và rồi con người đã thổi hồn vào những điều kỳ diệu đó nó trở lên lung linh, sinh động và nhiều màu sắc. Chính điều đó đã tạo nên một nét văn hóa của dân tộc, đó là nét văn hóa tín ngưỡng đạo phật. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào nơi tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn.

Thứ 2 là Lễ hội gò Đống Đa. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 5 Tết. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

Thứ 3 là Lễ hội Khai ấn đền Trần. Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, thường từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý. Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Thứ 4 là Lễ hội Yên Tử. Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam. Ðường lên đỉnh Yên Tử uốn lượn, gập ghềnh, luồn dưới những bóng cây đại thụ, xuyên qua những vạt rừng thông, trúc…Đường lên đỉnh Yên Tử là một cuộc thử thách đức tin, kiểm chứng lòng thành với Phật. Ðến được chùa Ðồng, những tín đồ của Phật có cảm giác mãn nguyện như đến được cội nguồn cõi Phật. Dường như nơi đây là chốn đào viên để Tiên, Phật đánh cờ, luận đàm kinh kệ, truyền cho các bậc hiền triết của trần gian.

Thứ 5 là Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co …

Ở miền Trung Lễ hội mùa xuân có gì đặc biệt? Trước hết là Lễ hội đền vua Mai. Lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Sau đó là Hội vật làng Sình. Lễ hội diễn ra vào ngày 9 đến 10 tháng Giêng, là hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế. Lễ hội không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.

Kê đến là Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ). Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Vào tháng Giêng hàng năm, lễ hội sẽ được ngư dân tổ chức với mong muốn cầu cho một vùng trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Nam thì sao? Trước hết là, Lễ hội núi Bà Đen. Đây là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam diễn ra từ mùng 4 Tết. Hàng năm từ chiều 30 Tết Nguyên đán đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng du khách đổ về hành hương, lễ bái và tham quan rất đông tại đây. Trên đường leo núi, du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần. Du khách trẩy hội Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.

le-hoi-nui-ba-den.jpg
Lễ hội núi Bà Đen

Kế đó là Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu. Hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến rằm tháng giêng ở Bình Dương và là lễ hội dân gian mang nét văn hóa độc đáo đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ. Ở hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà), nhân dân thường bày bàn ra trước cửa nhà để cúng tế vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị cho lễ rước Bà vào ngày hôm sau. Sáng 14 tháng giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu được tổ chức theo nghi thức truyền thống, kiệu Bà được rước khắp phố phường cùng đội múa sư tử, múa lân, rồng, cờ xí ... Đến ngày cuối cùng của hội, ngày rằm tháng giêng, dân chúng về chùa Bà thắp hương cầu cúng, mong phúc lộc.

Tiếp đến là Lễ hội đền Đức Thánh Trần. Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở TP.Hồ Chí Minh cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ. Đi du lịch Sài Gòn vào dịp du lịch lễ hội tham gia lễ hội Đức thánh Trần ở Sài Gòn, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa đặc biệt ở nơi đây.Rất nhiều lễ hôi, nhưng phát huy các giá trị lễ hội vẫn đang là vấn đề lớn, không chỉ của các đơn vị quản lý văn hóa, mà của cả đất nước.

Xin nói rằng, ngoài các lễ hội nói trên, Việt Nam thực sự là đất nước của lễ hội. Hiện nay cả nước ta có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm hơn 80%, lễ hội lịch sử chiếm hơn 4%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 6%. Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ... là địa phương có nhiều lễ hội nhất. 

Như đã thành truyền thống đẹp của dân tộc ta, sau Tết cổ truyền, là mùa lễ hội, lôi cuốn hàng triệu lượt người trảy hội với ý thức hướng về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, tỏ lòng tri ân những anh hùng, tướng lĩnh đã có công cứu nước, cứu dân; những người hảo tâm đã bỏ tiền của, công sức tôn tạo, xây dựng các đình chùa, tượng đài cùng nhiều công trình văn hóa khác. Thông qua lễ hội, mọi người cảm thấy tâm hồn thanh thản, thêm yêu quê hương, đất nước, mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình no đủ, hạnh phúc...

Lễ hội còn là dịp mở rộng vòng tay kết nối cộng đồng, khơi dậy ý thức tôn tạo các công trình văn hóa, giáo dục con cháu tình yêu các môn nghệ thuật cổ truyền - một di sản có giá trị văn hóa lâu đời, như hát ca trù, quan họ, ví dặm, hát xoan; các màn biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử... Chính những biểu hiện phong phú ấy đã làm nên sự đa dạng, giàu bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam; mà trong số đó, hàng chục di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO trong những năm qua công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Chúng ta càng tự hào khi biết rằng, thông qua những hoạt động văn hóa, trong đó có các lễ hội, như lễ hội Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội thờ Thánh Mẫu, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội xuống đồng, lễ hội ra khơi đầu xuân, v.v., các nhà văn hóa thế giới càng tỏ lòng khâm phục lòng yêu nước, tinh thần nhân văn, khát vọng hòa bình của người Việt; và càng trân trọng hơn khi biết đó là một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi...

ebe6485fe89471e5ac9b2c213083cbcb.jpg
Lễ hội kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Ảnh tư liệu. Mùa xuân Quý Mão này là lễ hội kỷ niệm 234 năm).

Tuy nhiên, đã từ nhiều năm, các cơ quan chức năng từng cảnh báo những hiện tượng không lành mạnh trong hoạt động lễ hội - mà biểu hiện nổi bật nhất là sự phát triển mê tín dị doan, tệ nạn đốt vàng mã gây nhiều tốn kém, làm ô nhiễm môi trường; những hành vi trục lợi trong các dịch vụ lễ hội, nạn “chặt chém”, ép khách mua hàng... Đặc biệt, có không ít nơi lễ hội bị biến tướng, núp dưới cái gọi là “cung tiến lòng thành”, vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây thêm chùa chiền, miếu mạo, tổ chức các cuộc rước xách, cầu cúng mang tính duy tâm, thần bí. Lễ hội đã và đang biến thành nơi kinh doanh thần thánh và biết bao điều phải suy nghĩ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Hội pháo Đồng Kỵ và lễ hội mùa xuân ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO