IPP Air Cargo và "mơ ước bầu trời" của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn

Ngô Đức Hành |06/09/2022 11:01

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực hơn 1 năm qua, không chỉ phục vụ việc thành lập IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics..

Kiểm tra quốc tịch cổ đông hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo. Cơ quan này đề nghị rà soát, kiểm tra về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, cụ thể là tình trạng quốc tịch của các cổ đông.

ec.jpeg
Máy bay của IPP Air Cargo chuẩn bị về Việt Nam. Ảnh GT

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch thì việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Nghị định 31 về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Theo quy định, nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp chọn áp dụng với nhà đầu tư trong nước, người mang 2 quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, 100% cổ đông của IPP Air Cargo là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Như vậy, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của hãng là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông William Hiếu Nguyễn là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Dự án hàng không của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó, 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

“Chiếc bánh” thị phần

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký vào ngày 30/6/2019. Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. Điều này đã giúp Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược trên chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Hiện nay Việt Nam có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm Air Cargo, trước tiềm năng của ngành cũng như cơ hội từ thị trường buôn bán điện tử khi tăng trưởng trên 20%/năm. Điều này lý giải vì sao các “ông lớn” gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Mặc dù đang chiếm 88% thị phần logistics Việt Nam, nhưng các tay chơi ngoại trong lĩnh vực chuyển phát nhanh như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo vẫn không ngừng đầu tư thêm. Đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua đã góp phần thay đổi “cấu trúc” logistics toàn cầu.

chuyen-phat-nhanh-fedex.jpg
FedEx Express cũng muốn đầu tư dự án về kho bãi giao nhận hàng hóa trong sân bay Long Thành. Ảnh: Internet.

FedEx Express cũng muốn đầu tư dự án về kho bãi giao nhận hàng hóa trong sân bay Long Thành. DHL Express dự định đầu tư 750 triệu Euro vào châu Á - Thái Bình Dương. DHL Express hiện có 23 máy bay chuyên dụng trong đội bay châu Á - Thái Bình Dương và khai thác khoảng 1.040 chuyến bay mỗi ngày. Trên phạm vi toàn cầu, DHL Express đã tăng đáng kể số lượng các chuyến bay hàng ngày. Trong đó bao gồm 4 máy bay thân rộng Boeing 777F mới được đưa vào phục vụ trong năm nay và 2 chiếc nữa dự kiến được giao vào tháng 12/2021. 6 máy bay bổ sung này sẽ cho phép DHL Express thực hiện thêm hơn 3.000 chuyến bay liên lục địa mỗi năm.

Các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo đang là những tay chơi nặng ký mà doanh nghiệp Việt Nam không thể địch nổi.

Thị trường vận tải hàng hóa hàng không Việt Nam, ngoài 4 hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines & VASCO còn có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không quốc tế đến từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ khác. Điều lưu ý là “thị phần” của hàng không trong nước chỉ chiếm khoảng 12%, còn lại thuộc về hãng hàng không nước ngoài. Việc đầu tư mạnh tay của các “ông lớn” khiến thị phần của những doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng teo tóp. Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp trong nước là làm sao “chia” lại được “miếng bánh” thị phần?

Mơ ước trung tâm Air Cargo vẫn đang là... mơ ước

Giới chuyên môn cho rằng, công nghệ logistics của Việt Nam đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa luôn cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh. Rất dễ nhận diện, kho hàng, bến bãi, giao thông kết nối, thủ tục hành chính, công nghệ thông tin, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí lên cao và giảm chất lượng hàng hóa.

130706795logistic-la-gi-2-1651149124088794339588.jpg
Công nghệ logistics của Việt Nam đi chậm hơn so với thế giới 20 năm

2 năm 2020 - 2021 đại dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ thị trường mua sắm online, nhưng vì không có chuỗi logistics chuyên nghiệp, nên Việt Nam đã đánh mất nhiều cơ hội. Các hãng hàng không cũng tận dụng máy bay thương mại để vận chuyển hàng hóa, nhưng do không có thiết kế phù hợp, không đúng quy định bảo hiểm nên chỉ có thể vận chuyển ở mức rất hạn chế.

Thực trạng này chính là lý do lớn nhất thôi thúc Tập đoàn IPPG ra tay, thông qua đề xuất đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo. Thậm chí, “tân binh” này tự tin rằng, nếu đề án sớm được chấp thuận, IPP Air Cargo sẽ nhanh chóng chiếm tới 38% thị phần.

Với số vốn đầu tư 100 triệu USD, theo tính toán, nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.

Xin nhớ, hiện Việt Nam chưa có hãng hàng không hàng hóa chuyên biệt được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Thực tế, hàng hóa vận chuyển đường hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng trọng lượng hàng vận chuyển quốc tế (chưa đến 0,5%), nhưng lại chiếm khoảng 30% giá trị xuất nhập khẩu cả nước.

Động thái của IPPG cho thấy tham vọng giành lại “sân chơi” Air Cargo. Điều đặc biệt ấn tượng là, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG khẳng định Hãng IPP Air Cargo không cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics Việt Nam, không lấn sân cạnh tranh vận chuyển hành khách với 4 hãng hàng không trong nước hiện nay.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiết lộ, đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ từ nhân lực đến vật lực hơn 1 năm qua, không chỉ phục vụ việc thành lập IPP Air Cargo mà còn xây dựng chuỗi liên hoàn trung tâm logistics bao gồm Công ty Bellazio Logistics - cung cấp giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại nhất để quản lý kho hàng....Đó là chiến lược dài hơi, đúng đắn, rõ ràng thể hiện năng lực và quyết tâm lớn!

Bài liên quan
  • Các "ông lớn" và tính toán trong chuỗi cung ứng
    Họ là Kerry Logistics, AP Moller Maersk, Seko Cares...đã và đang thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh mới nhằm vượt qua khó khăn, đạt được sự tăng trưởng mới bằng những giá trị cốt lõi

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
IPP Air Cargo và "mơ ước bầu trời" của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO