IPP Air Cargo và sự xuất hiện của "đối thủ" đáng gờm

Ngô Đức Hành (tổng hợp)|10/09/2022 09:15

Hai hãng hàng không Vietravel Airlines và Asean Cargo Gateway (ACG) vừa công bố hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49% với mục tiêu làm đa dạng hoá hệ sinh thái mà Vietravel Corporation đã đặt ra.

IPP Air Cargo tiếp tục chờ đợi

Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hóa. Hai năm nay, quá trình xin cấp phép bay của IPP Air Cargo (thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn), gặp nhiều trắc trở, bị từ chối vì thị trường hàng không thời điểm ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

ipp.jpeg
Máy bay mang thương hiệu IPP Air Cargo đã xuất xưởng chiếc đầu tiên vào tháng 7/2022. Ảnh: Internet.

Hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa hiện cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng nêu ý kiến và giao lại cho Bộ GTVT và Cục Hàng không xem xét. Nếu được thông qua, sau khi Cục Hàng không cấp phép bay, hãng cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi. Hãng bay có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Châu Âu.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho hay Văn phòng Chính phủ đã đề nghị 6 Bộ cho ý kiến về việc cấp phép bay cho IPP Air Cargo. Ông dự kiến tiến trình cấp phép sẽ có tiến triển rõ nét hơn vào cuối tháng 8, nếu 6 Bộ đồng ý thông qua.

Dù chưa được cấp phép, ông cho biết công ty đã được 2 nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn thế giới có nhà máy sản xuất tại phía bắc ký hợp tác bao tiêu vận chuyển. Trong đó, mỗi hãng đăng ký sử dụng hai máy bay chở hàng của IPP Air Cargo. Nếu được cấp phép bay vào tháng 11, hãng bay này sẽ cất cánh lần đầu tiên tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo. Cơ quan này đề nghị rà soát, kiểm tra về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, cụ thể là tình trạng quốc tịch của các cổ đông. Theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết: "IPP Air Cargo chưa được cấp phép đã có đơn hàng".

Lộ diện “đối thủ” đáng gờm

Hai hãng hàng không Vietravel Airlines và Asean Cargo Gateway (ACG) vừa công bố hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% - 49% với mục tiêu làm đa dạng hoá, hệ sinh thái mà Vietravel Corporation đã đặt ra.

Qua cái “bắt tay” này, hai đơn vị muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hoá, khai thác vận chuyển hàng hoá hàng không, đại lý hàng hoá cho các hãng hàng không trong khu vực.

Tổng giám đốc Vietravel Airlines - ông Vũ Đức Biên nhận định, thị trường hàng hoá hàng không còn khá nhiều tiềm năng. Sự lo ngại về chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngày càng tăng trong khi thị trường hàng hoá tại Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ lại được đánh giá có tăng trưởng hàng năm cao nhất toàn cầu, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Vì vậy, các cơ sở sản xuất sẽ dần dịch chuyển về khu vực này bên cạnh công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

shutterstock-resized-150504668-1680.jpg
Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam được đánh giá "nóng" (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Việt Nam được xem là ứng viên tiềm năng trong công cuộc dịch chuyển sản xuất. Đồng thời, đây là cơ hội cho ngành logistics nói chung và vận tải hàng hoá hàng không nói riêng. “Thời điểm này thích hợp để xây dựng, xúc tiến mảng vận tải hàng hoá đường hàng không đầu tiên tại Việt Nam”, ông Biên nói.

Đại diện ACG đánh giá, đẩy mạnh ngành logistics trong nước và quốc tế, đặc biệt với các thị trường có tiềm năng lớn đồng nghĩa với việc đưa các doanh nghiệp tại Việt Nam đến gần hơn với thị trường nước ngoài. Hợp tác trên sẽ sớm đưa Cargo Airlines tại Việt Nam trở thành hiện thực, nâng cao năng lực cạnh tranh về kết nối quốc tế cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản chủ lực.

Dự kiến, trong năm đầu tiên, hãng sẽ tập trung khai thác vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và các công xưởng lớn tại châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan trên đội tàu bay chuyên dụng B737-800F dành cho cargo, số lượng 2-4 chiếc trong năm đầu tiên và kế hoạch tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.

* Nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam, được đánh giá là đang rất “nóng”. Năm 2021, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng khoảng 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019. Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5-6 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19. Việc xuất hiện hãng hàng không chuyên chở hàng sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
IPP Air Cargo và sự xuất hiện của "đối thủ" đáng gờm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO