Khả năng cạnh tranh thủy sản Việt Nam còn thấp!

01/01/1970 08:00

(VLR) Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của VN, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động trong nước. Tuy nhiên khi xâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản, thủy sản VN lại gặp khó khăn về chất lượng, làm cho giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Nhật thiếu ổn định.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của VN, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động trong nước. Tuy nhiên khi xâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản, thủy sản VN lại gặp khó khăn về chất lượng, làm cho giá trị kim ngạch xuất khẩu sang Nhật thiếu ổn định.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG NHẬT THIẾU ỔN ĐỊNH

Trong giai đoạn từ 2005 đến 10 tháng đầu năm 2012, giá trị kim ngạch thủy sản xuất khẩu sang Nhật thiếu ổn định. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thủ sản của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 11,5% so với năm 2006 và đạt 745,9 triệu USD. Nguyên nhân là do Nhật Bản tăng cường các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản nhập khẩu. Cũng trong giai đoạn này khá nhiều lô hàng thủy sản, nhất là tôm đông lạnh và các loại hải sản Việt Nam bị nhiễm dư lượng chloramphenicol, nitrofuran… Năm 2009, nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản một lần nữa sụt giảm 8,5%. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới.

Năm 2010, 2011 nhu cầu nhập khẩu từ hầu hết các thị trường đã khởi sắc. Ngoài ra, Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực kể từ ngày 1.10.2009 đã giúp kích thích một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN vào Nhật, trong đó có thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng tương ứng là 18,34% và 11,9%. 10 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường Nhật Bản đạt 907,8 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN.

Xét trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản là từ 16,43%-29,7% và có xu hướng giảm sút trong giai đoạn từ 2005 đến nay. Năm 2005, 2006 Nhật là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ nhất của VN. Năm 2007, 2008, 2009 Nhật là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của VN. Tuy nhiên, đến năm 2010, 2011, 10 tháng đầu năm 2012 giá trị thủy sản xuất khẩu vào thị trường Nhật giảm sút so với thị trường Hoa Kỳ và đứng ở vị trí thứ ba.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Nhật là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm từ 25%-32% tổng giá trị xuất khẩu tôm của VN. Mực và bạch tuộc, là nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai trong các thủy sản VN xuất khẩu sang Nhật. VN là một trong ba đối tác quan trọng cung cấp mực, bạch tuộc cho thị trường Nhật. Trong đó thế mạnh của VN là sản phẩm mực sống, tươi, đông lạnh và bạch tuộc chế biến. 10 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc VN sang thị trường Nhật là 121,85 triệu USD, chiếm 28,92% tổng giá trị xuất khẩu mực và bạch tuộc của VN.

DN VN GẶP KHÓ VÌ RÀO CẢN KỸ THUẬT

Hiện nay các DN VN chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nhật đang gặp khó do các rào cản kỹ thuật. Giữa tháng 5.2012, cơ quan thẩm quyền Nhật đã quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% số lô tôm nhập khẩu từ VN vào thị trường Nhật về chỉ tiêu Ethoxyquin ở mức 0,01ppm. Do vẫn phát hiện Ethoxyquin trong tôm xuất khẩu của VN, ngày 31.8.2012, các nhà nhập khẩu Nhật đã thông báo sẽ tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ VN về chỉ tiêu Ethoxyquin. Ethoxyquin là chất chống oxy hóa, dùng trong thức ăn nuôi tôm. Nhiều nước trên thế giới và cả Nhật đều sử dụng chất này trong thức ăn thủy sản. Không giống như các chất bị cảnh báo khác, chất Ethoxyquin không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, việc cảnh báo của Nhật đã gây bất ngờ cho cả ngành thủy sản. Ngay sau khi có thông tin này, các doanh nghiệp đã giảm lượng hàng xuất sang thị trường Nhật để tránh gặp rủi ro. Chỉ tính trong nửa đầu tháng 8.2012, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật đã giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết ba tháng trước, tôm Trung Quốc cũng bị Nhật cảnh báo chất Ethoxyquin. Nhật quy định mức Ethoxyquin khác nhau cho tôm xuất xứ các nước khác nhau và tôm VN hiện đang chịu mức ngặt nghèo nhất, chỉ 0,01 ppm. Ủy ban Luật Thực phẩm quốc tế (CODEX) có quy định mức 0,5 ppm.

Khả năng cạnh tranh của thủy sản VN còn thấp. Giá thành sản phẩm cao do áp lực tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, như giá nhiên liệu, điện, nước, nhân công, bao bì, cước phí vận chuyển… Bên cạnh đó, việc tăng các loại phí, thuế, như thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng, trích 2% kinh phí cho công đoàn lấy từ quỹ lương, phí kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu, phí kiểm dịch thú y tăng 300%... cũng góp phần làm gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thủy sản VN. Theo tính toán của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu, so với đầu năm 2011, hiện chi phí đầu vào tăng khoảng 30%. Trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản xuất sang Nhật đều không tăng, thậm chí có lúc giảm.

Cạnh tranh trên thị trường Nhật diễn ra gay gắt. VN phải chịu sự cạnh tranh từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ có xu hướng hạ giá bán sản phẩm tôm. Bangladesh bắt đầu thúc đẩy sản xuất tôm thẻ chân trắng... tạo áp lực lên mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Bên cạnh đó, VN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Canada..

Nhật là nước nhập khẩu thủy sản lớn hàng đầu thế giới, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Đây là một thị trường xuất khẩu lớn đối với hàng thủy sản của VN và luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu tôm sang Nhật. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường khó tính với những yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng. Do đó, để có thể giữ vững và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật, các DN phải đặc biệt chú ý đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.



(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khả năng cạnh tranh thủy sản Việt Nam còn thấp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO