Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh: Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên là sự kiện xúc tiến thương mại của tỉnh, đồng thời là ngày hội của những người trồng nhãn Hưng Yên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhãn lồng Hưng Yên đến các địa phương trong cả nước và quốc tế. Qua đó, tạo thuận lợi để người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm nhãn lồng chất lượng, đồng thời thúc đẩy các hợp tác xã, nhà vườn thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên. Thông qua lễ hội, các chủ vườn, hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn tỉnh có thêm cơ hội ký kết được nhiều hợp đồng, hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Lễ hội nhãn lồng diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 9 -11/8), thu hút 50 gian hàng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương. Nhãn được lựa chọn trưng bày và giới thiệu tại lễ hội là các giống nhãn ngon, đặc sắc, chất lượng tốt nhất trong niên vụ 2022 của các địa phương, các hợp tác xã, trang trại, nhà vườn trong tỉnh. Không chỉ trưng bày, giới thiệu nhãn, Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2022 còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên.
Ngoài ra, còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu, sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên.
Lễ hội dự kiến sẽ thu hút hàng nghìn lượt người là nhân dân trong tỉnh Hưng Yên, du khách, doanh nghiệp, doanh nhân, tiểu thương đến thăm các gian hàng, tìm hiểu về các giống nhãn, đặt mua nhãn và các sản phẩm nông sản của các hợp tác xã, nhà vườn.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 5.000 ha nhãn; trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800 ha. Diện tích nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay là 1.200 ha, của 81 cơ sở, vùng sản xuất nhãn trên toàn tỉnh.
Năm nay, sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên ước đạt 45 nghìn tấn. Trong đó diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 5% diện tích; nhãn chín chính vụ khoảng 85% còn lại là trà nhãn chín muộn.
Ngoài bán quả tươi, nhãn còn được chế biến làm long nhãn (khoảng 35% tổng sản lượng được chế biến làm long nhãn).
Để nâng cao năng suất, giá trị của quả nhãn, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn trong việc đưa quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất, canh tác.
Tỉnh cũng tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ, đồng thời tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản, đưa quả nhãn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số hóa.
Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng bán hàng trực tuyến, kỹ năng marketing; hỗ trợ thực hiện các thủ tục có liên quan để kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh, đặc biệt là với các thị trường có tiềm năng và tương đồng về văn hóa với Việt Nam như: các nước thuộc ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…