Khai thông “điểm nghẽn” chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

01/10/2016 09:23

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Thực phẩm an toàn đang là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

(Vietnam Logistics Review) Thực phẩm an toàn đang là một trong các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

Tình hình mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong nông nghiệp, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong rau, quả, thủy sản đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là xu hướng tiêu dùng hiện tại và là công việc cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chuỗi thực phẩm an toàn là tập hợp các tác nhân có mối liên kết chặt chẽ, ổn định và bền vững về kinh tế và thương mại, cùng tuân thủ quy định về ATTP, áp dụng các thực hành sản xuất tốt để tạo ra một sản phẩm an toàn, có khả năng truy xuất được nguồn gốc. Như vậy, chuỗi sản phẩm cần phải được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu là vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng.

Trong một hội thảo tổ chức vào tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, đã công bố số liệu tổng hợp từ các địa phương, cho thấy 35 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng được 280 chuỗi thực phẩm an toàn với các sản phẩm rau, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản. Số lượng các điểm bán thực phẩm được xác nhận an toàn còn rất hạn chế, mới đạt đến con số 69, trong đó tại Hà Nội mới chỉ có 7 điểm, TP.HCM có 11 điểm. Ngoài ra, còn có vài trăm chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như TH True Milk, VinGroup…

Có thể thấy rằng, những con số nói trên quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế, trong khi người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn thực phẩm bẩn. Thực tế, việc xây dựng những chuỗi cung ứng như thế không dễ. Khó khăn chủ yếu xuất phát từ sự kết hợp các tác nhân liên quan trong chuỗi, việc triển khai công tác kiểm tra qua nhiều khâu, cho đến việc tiêu thụ những sản phẩm đầu ra của chuỗi.

Về nhóm yếu tố đầu tiên, phần lớn chuỗi có quy mô sản xuất nhỏ, khối lượng và chủng loại sản phẩm không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ, chưa thành sản xuất hàng hóa lớn. Số cơ sở được xác nhận an toàn quá ít do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ý thức trách nhiệm của một số cơ sở kinh doanh nông sản an toàn chưa cao. Việc liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng thực hiện quy trình sản xuất nông sảnan toàn khá phức tạp. Mặt khác, có những chuỗi, DN chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị đứng ra bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

Về nhóm yếu tố thứ hai, khó khăn phát sinh từ cơ chế, con người và năng lực kiểm nghiệm, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Vấn đề tiếp theo là cách thức điều tra xác định nguyên nhân và áp dụng biện pháp xử lý khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi không tuân thủ quy định hoặc mẫu kiểm nghiệm không đạt yêu cầu về ATTP. Việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi cần phải dựa trên các tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, quy trình xác nhận, cũng như hệ thống nhãn mác, tem nhận diện sản phẩm… Những nội dung đó cần được thiết kế và quy định rõ ràng trên văn bản, cùng với việc nâng cao tính hiệu quả và trách nhiệm giải trình của đội ngũ kiểm tra, giám sát.

Về nhóm yếu tố thứ ba, các DN sản xuất kinh doanh nông sản an toàn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Người tiêu dùng thường khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi, trong khi các điểm phân phối thực phẩm an toàn còn ít và không được quảng bá nhận diện thương hiệu đúng mức. Mặt khác, do chi phí cho các khâu kiểm nghiệm, bao bì, tem nhãn…, nông sản an toàn thường có giá bán cao hơn bình thường, trong điều kiện phải cạnh tranh gay gắt về giá cả với hàng nông sản Trung Quốc. Trong thực tế, những khó khăn về đầu ra như vậy đã buộc một số hộ dân hay tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP phải quay về với phương thức sản xuất trước đây.

Giải pháp khai thông

Để nhân rộng các mô hình “thực phẩm sạch”, cần các giải pháp khai thông những điểm nghẽn nói trên. Về quản lý vĩ mô, việc bảo đảm ATTP đã được phân công cho các Bộ, ngành quản lý. Bộ NN&PTNT coi năm 2016 là năm về ATTP, trong đó tập trung vào ba nhóm giải pháp là thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm đối với chất cấm, vật tư đầu vào trái với quy định, kể cả nhập lậu; tăng cường công tác truyền thông, nêu gương các tổ chức cá nhân sản xuất thực phẩm an toàn, cũng như lên án các cơ sở sản xuất không an toàn; kết nối chuỗi sản phẩm an toàn đã được ngành nông nghiệp, cơ quan chức năng công nhận. Bộ này cần sớm tiến hành ban hành quy định xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đặc biệt là.quy trình kiểm tra, chứng nhận.

Tuy nhiên, những định hướng nói trên được triển khai như thế nào trong thực tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý của các địa phương. Trước hết, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất đủ điều kiện sản xuất thực phẩm an toàn, cũng như vận động thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất an toàn. Các cơ quan quản lý nhà nước cần trở thành cầu nối giúp tăng cường mối liên kết giữa DN kinh doanh nông sản an toàn với các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các tổ chức nước ngoài... để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cũng là đầu mối tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát việc thực hành về quy trình an toàn. Đó là chưa nói đến việc hỗ trợ chứng nhận VietGAP, in tem nhãn nhận diện sản phẩm, quảng bá tiếp thị sản phẩm an toàn cho các chuỗi, cho đến việc xác nhận các điểm phân phối thực phẩm an toàn.

Trong một số trường hợp, các ý tưởng đột phá để khai thông các điểm nghẽn trong các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn rất quan trọng. Chẳng hạn, dự án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo an toàn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) của người tiêu dùng vừa được chính quyền TP.HCM công bố mới đây. Theo kế hoạch, tháng 11.2016, Sở Công Thương TP.HCM sẽ triển khai thí điểm dự án trên tại hai chợ sỉ là chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, năm chợ lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông, cùng các chuỗi siêu thị Co.opmart, Satra Foods, Vissan và Sagrifoods. Đầu năm 2017, mô hình này sẽ được nhân rộng ở tất cả các điểm bán và mở rộng sang các sản phẩm khác như thịt bò, gà, vịt, rau củ quả... Việc xác định hiệu quả, xử lý các sai sót vẫn cần được tiếp tục trong quá trình triển khai thực tế. Dù sao, những thông tin bước đầu vẫn cho thấy đây là một “điểm sáng” cần được phát huy, khuyến khích và ủng hộ.

Khi đã có sự quyết tâm và quan tâm đặc biệt, sự thấu đáo và tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền các địa phương, các DN tâm huyết có lẽ sẽ bớt ngần ngại đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng và thể hiện trách nhiệm xã hội này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khai thông “điểm nghẽn” chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO