Khi nào vi phạm pháp luật được bảo hiểm bồi thường?

Ngô Khắc Lễ - Trọng tài viên VIAC|10/02/2022 17:30

(VLR) Nguyên đơn và Bị đơn ký hợp đồng bảo hiểm tổn thất vật chất cho một xe ô tô vận tải của Nguyên đơn (Xe vận tải) với số tiền là 850.000.000 đồng (Hợp đồng). Ngày 28/6/2017, Xe vận tải chở vật liệu xây dựng, chạy trên địa phận tỉnh Ninh Bình bất ngờ đâm vào một xe ô tô tải đỗ cùng chiều (do bị nổ lốp). Nguyên đơn cho rằng trường hợp tai nạn này thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm nên Bị đơn phải bồi thường nhưng Bị đơn có quan điểm ngược lại nên hai bên không thể thương lượng dẫn tới khởi kiện tại Trọng tài.

Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng không nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Nguyên đơn chưa nhận được quy tắc bảo hiểm; Bị đơn chưa giải thích điều khoản loại trừ. Theo Nguyên đơn, xe ô tô vận tải chở quá 50% trọng tải mới là nguyên nhân loại trừ. Quy định về số người trên xe là dành cho xe ô tô chở khách. Bộ Tài chính chưa phê duyệt quy tắc bảo hiểm này; một số doanh nghiệp bảo hiểm khác có quy định khác so với quy định của Bị đơn. Nguyên nhân tổn thất trong vụ này không phải là do xe chở quá 50% số người quy định.

Nguyên đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài buộc Bị đơn: (i) Sửa chữa toàn bộ hư hỏng của Xe vận tải và do chậm sửa chữa bảo hiểm tạm tính bằng 150 triệu đồng hoặc bồi thường số tiền tương ứng với chi phí sửa chữa theo thỏa thuận trong quá trình tố tụng trọng tài; (ii) Bồi thường toàn bộ thiệt hại do chậm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm, không sửa chữa xe để kinh doanh thu lợi, dẫn đến khoản nợ quá hạn tại ngân hàng.

Bị đơn cho rằng theo kết luận của cơ quan công an thì khi xảy ra tai nạn trên xe có 05 người trong khi theo kiểm định thì chỉ được có 02 người nên đã vi phạm khoản 22 Điều 14 của Quy tắc, Điều khoản Bảo hiểm xe ô tô. Do đó, Bị đơn từ chối bồi thường với lý do xe chở quá số người quy định. Về yêu cầu (i) và (ii), chứng thư giám định nêu rằng Xe vận tải khi xảy ra tai nạn đang chở 05 người trên cabin; theo Giấy chứng nhận kiểm định số người cho phép chở là 02 người như vậy Xe vận tải đã vi phạm khoản 22 Điều 14 nêu trên: "Xe chở quá 50% tải trọng chở hàng, hay quá 50% số lượng người cho phép theo quy định của Nhà nước”. Bộ Tài chính đã có văn bản chấp nhận Quy tắc bảo hiểm xe ô tô của Bị đơn. Quy tắc này đã có hiệu lực, được ghi rõ trong Điều 1 của Hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm cũng ghi như vậy; quy tắc này đã được phổ biến rộng rãi trên mạng. Bị đơn cho rằng (i) Bị đơn đã cung cấp Quy tắc bảo hiểm cho Nguyên đơn; (ii) Nguyên đơn không có cơ sở khi cho rằng tai nạn xảy ra không phải do lỗi của 05 người trên xe mà là lỗi vô ý của lái xe là thuộc trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ theo điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh Bảo hiểm (KDBH): “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây: a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”, và (iii) Nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại do nợ quá hạn ngân hàng, do chậm sửa chữa là không có cơ sở.

Phán quyết trọng tài

Về quan điểm của Nguyên đơn cho rằng từ chối bồi thường bảo hiểm là không có căn cứ pháp luật, Hội đồng Trọng tài nhận thấy theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì ”Số người cho phép chở: 2 chỗ ngồi, 0 chỗ đứng, 0 chỗ nằm”. Trích bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra cho thấy khi xảy ra tai nạn, lái xe điều khiển xe vận tải chở 01 người ngồi ở ghế phụ trong cabin; 03 người ngồi ở ghế phía sau ghế lái. Theo Chứng thư giám định thì "Nguyên nhân tổn thất này là rủi ro bất ngờ không lường trước được thuộc Điều 13 (Phạm vi bảo hiểm); xe ô tô tải... khi xảy ra tai nạn giao thông đang chở 05 người trên cabin (gồm 01 lái xe, 01 người ngồi ghế bên phải, 03 người ngồi ghế sau lái), theo Giấy chứng nhận kiểm định số người cho phép chở là 02 người như vậy xe ô tô tải biển số... đã vi phạm Khoản 22 “Xe chở quá 50% tải trọng chở hàng, hay quá 50% số lượng người cho phép theo quy định của nhà nước” thuộc Điều 14 “Những trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm” quy định trong “Quy tắc, điều khoản bảo hiểm xe ô tô”. Do đó, Hội đồng Trọng tài có cơ sở để kết luận xe vận tải khi xảy ra tai nạn có 05 người trên cabin trong khi xe chỉ được phép chở tối đa số 02 người với 02 chỗ ngồi. Vì vậy, căn cứ (i) khoản 22 Điều 14 nêu trên; (ii) điểm d, khoản 1 Điều 17 Luật KDBH: “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền: ... d) ... từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm...”, Hội đồng Trọng tài quyết định không chấp nhận yêu cầu này của Nguyên đơn. Về yêu cầu buộc Bị đơn phải sửa chữa Xe vận tải, bồi thường do chậm sửa chữa hoặc bồi thường bằng tiền, Hội đồng Trọng tài nhận thấy tổn thất đối với Xe vận tải không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm như đã phân tích trên đây. Do đó, yêu cầu của Nguyên đơn về bồi thường bằng tiền là không có cơ sở; Hội đồng Trọng tài cũng nhận thấy các Bên không có thỏa thuận về “sửa chữa tài sản bị thiệt hại” được quy định tại khoản 1 Điều 47 và điểm a) khoản 1 Điều 47 của Luật KDBH nên không có căn cứ để xem xét yêu cầu này của Nguyên đơn.

Nguyên đơn cho rằng không nhận được Quy tắc bảo hiểm, không được giải thích điều khoản loại trừ trách nhiệm. Bị đơn khẳng định đã cấp cho ngân hàng - đại lý của Nguyên đơn - mọi tài liệu, hóa đơn để ngân hàng cấp cho khách hàng. Như vậy, ngoài lời nói, các bên đều không có chứng cứ cho điều mình nêu, do đó, Hội đồng Trọng tài không có cơ sở để xem xét yêu cầu này của Nguyên đơn.

Nguyên đơn cho rằng xe ô tô vận tải chở quá 50% trọng tải mới là nguyên nhân loại trừ, quy định về số người trên xe là dành cho xe ô tô chở khách, Bộ Tài chính chưa phê duyệt quy tắc bảo hiểm này; một số doanh nghiệp bảo hiểm khác có quy định khác so với quy định của Bị đơn, tổn thất không phải là do xe chở quá 50% số người quy định. Hội đồng Trọng tài nhận thấy Bị đơn đã trình bản chính, có đóng dấu của Bộ Tài chính, quy tắc bảo hiểm được bộ Tài chính phê duyệt để Nguyên đơn xem; Nguyên đơn đã xem và không có ý kiến gì trước khi trả lại bản gốc này cho Bị đơn. Do đó, Hội đồng Trọng tài cho rằng không có cơ sở để chấp nhận lập luận nêu trên của Nguyên đơn. Đối với ý kiến một số doanh nghiệp bảo hiểm có quy định khác so với quy định của Bị đơn, Hội đồng Trọng tài cho rằng những quy định khác đó không thuộc phạm vi thỏa thuận giữa Nguyên đơn và Bị đơn theo Hợp đồng bảo hiểm nên không có thẩm quyền xem xét.

Xét quy định tại Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Giấy chứng nhận kiểm định), khoản 22 Điều 14 (Những trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm) nêu trên, Hội đồng Trọng tài cho rằng quy định như vậy là đã rõ về nguyên nhân loại trừ, không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bị đơn, vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của Nguyên đơn. Đối với ý kiến cho rằng nguyên nhân tổn thất không phải là do xe chở quá 50% số người quy định, Hội đồng Trọng tài nhận thấy cũng theo Chứng thư giám định, Giấy chứng nhận kiểm định, khoản 22 Điều 14 của Quy tắc đã dẫn, Hội đồng Trọng tài cho rằng ý kiến nêu trên của Nguyên đơn là không có cơ sở.

Về ý kiến của Nguyên đơn cho rằng tai nạn là sự kiện bất khả kháng, không phải do lỗi cố ý của lái xe, Hội đồng Trọng tài nhận thấy tai nạn này nằm ngoài ý muốn của chủ xe và lái xe. Vì vậy tổn thất không phải do lỗi cố ý nên có thể được xem xét bồi thường. Tuy vậy, xét khoản 22 Điều 14 của Quy tắc (những trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm của Bị đơn), Giấy chứng nhận kiểm định (ghi rõ xe chỉ được chở 02 người), Bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra (ghi rõ khi xảy ra tai nạn trong xe có 5 người). Như vậy, lập luận của Nguyên đơn chỉ đúng với tổn thất do không cố ý. Do đó, xét rằng Bị đơn có cơ sở từ chối bồi thường do xe chở quá 2,5 lần (250%) số người được phép, Hội đồng Trọng tài bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Khi nào vi phạm pháp luật được bảo hiểm bồi thường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO