"Đàn bà thơ" - vườn thơ nữ tính. nẩy nở sự tử tế

Ngô Đức Hành |04/04/2023 19:30

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong phát biểu, ông cho rằng bản thân phụ nữ là vẻ đẹp, thi ca là cái đẹp. Những cái đẹp ấy đã và đang, và ngày càng cần phải phát huy để cứu rỗi con người, cứu rỗi nhân loại.

Nhớ lại những ngày Họa mi Hà Nội 2022. Ngày đó, tôi bất ngờ nhận được lời mời đến Trụ sở Hội Nhà văn dự lễ ra mắt “Đàn bà thơ 2” – tuyển tập thơ. Ngày ấy, gió mùa đông bắc về, Hà Nội chìm trong mưa bụi và giá lạnh. Thế nhưng, lòng thấy ấm áp.

dbt-34-of-50-.jpg
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có mặt từ rất sớm

Tôi đến, trước hết vì nghĩa cử, bạn tôi, PGS.TS.Nguyễn Đức Hạnh từ Thái Nguyên đã “lặn lội” xuống từ hai ngày trước đó. Ông lo lắng cho bữa “tiệc thơ” đàn bà. Đến mới hay, ông là “bà đỡ” cho “Đàn bà thơ 2”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đến thật sớm. Tôi vốn trưởng thành trong lực lượng vũ trang, chuẩn chỉ về giờ giấc, nhưng đúng giờ bước lên cầu thang đã thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang “to, nhỏ” ở hành lang phòng họp. Cuối năm, ở vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có bao nhiêu việc để lo, nhưng cái cách, thời điểm ông xuất hiện đã cho thấy, ông trọng thị, tôn thờ vẻ đẹp của thơ ca, vẻ đẹp phụ nữ.

Các nhà thơ nữ, tham gia Group “Đàn bà và thơ” lần lượt đến. Nhìn các khuôn mặt thân quen, tôi nhận ra Lương Mỹ Hạnh từ Sơn La, Phạm Hồng Oanh từ Thái Bình, Phạm Kim Khánh từ Thanh Hóa, Trần Nguyệt Ánh từ Đắc Lắc...xa nhất có lẽ là các nhà thơ đến từ TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Thế mới biết cái tình chị em của văn chương nữ, cái gặp gỡ hay và đẹp nhờ thi ca.

Khách mời, tôi nhận ra “cây cao bóng cả” có nhà thơ nổi tiếng Bằng Việt, PGS.TS. Vũ Nho, TS. Đỗ Anh Vũ, nhà thơ Bùi Kim Anh - “ngọn cờ” của Group “Đàn bà và thơ”. Một chương trình văn nghệ “tự biên, tự diễn” và trình diễn thơ gọn ghẽ, nhưng cảm xúc, báo hiệu buổi ra mắt “Đàn bà thơ 2” ngọt ngào.

dbt-11-of-117-.jpg
Nhà thơ Bùi Kim Anh (tóc trắng, ngồi giữa) - “ngọn cờ” của Group “Đàn bà và thơ”

Đàn bà thơ 2” – diễn nôm là tập thơ thứ 2 của Group “Đàn bà và thơ” gồm 100 tác giả và gần 300 bài thơ. PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, người mà tôi không biết gọi ông là nhà văn hay nhà LLPB hay nhà thơ thì chuẩn, bởi ông “tung hoành” trên cả ba lĩnh vực, cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi nhận được 500 bài thơ của hơn 100 tác giả. Thật khó khăn khi phải tìm những chiếc lá thơm trong khu rừng với bao cây quế mênh mang xanh lá ngát”. “Bà đỡ” bao giờ chả phân vân, áy náy.

Đàn bà thơ 2” là một tuyển tập thơ dày dặn, bề thế. Tôi ngó qua, tác giả có đủ khắp các vùng miền, học đủ nghề, làm đủ việc, kể cả ở nước ngoài. Có tác giả là hội viên của sáu Hội nghề nghiệp, trong đó có Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều tác giả là hội viên Hội VHNT địa phương nơi mình sinh sống, nhưng chủ yếu đam mê thơ mà sáng tác, chưa hội viên hội nào. Tác giả trong “Đàn bà thơ 2” đa phần là nữ, nhưng cũng có 21 nam nhân, chiếm 21%

Về độ tuổi, với những chị em “công khai” năm sinh trong “trích ngang” thì đủ lứa tuổi, người đã sống nhiều nhất là thế hệ 4X (có thể đã có chắt), người trẻ nhất sinh năm 2002, chuẩn bị sang tuổi 21. Thế mới biết sức quyến rũ của thơ.

Về đề tài, chủ yếu về tình yêu, số ít tác phẩm viết về người thân như mẹ, chị gái. Điều này cho thấy một nghịch lý: Phụ nữ là hiện thân của “phái yếu”, sinh ra họ để nhận sự “che chở”; đàn bà là hiện thân của vẻ đẹp, sinh ra họ để được yêu, được chăm bẵm nhưng họ vẫn đang khát khao tình yêu, thắc mắc, nghi ngờ...và giải mã các cung bậc, mong hiểu được tình yêu.

dbt-29-of-50-.jpg
Tập thơ có rất nhiều thú vị, đơn giản là người đọc tiếp cận được thế giới nội tâm của đàn bà, hiểu được khát khao, hy vọng

Đàn bà thơ 2” là khối lập thể của biểu tượng về thời gian như đơn vị thời gian, ngày, đêm, tháng, năm; thời gian mùa (nhất là mùa xuân, mùa thu); và lớp lớp biểu tượng khác về cỏ, hoa, cánh đồng, mưa, nắng...; mùi vị, âm thanh...Tập thơ có rất nhiều thú vị, đơn giản là người đọc tiếp cận được thế giới nội tâm của đàn bà, hiểu được khát khao, hy vọng – điều mà, đàn ông rất khó thành công, dù có năng khiếu tiếp cận cảm xúc của họ.

Trong “mê lộ” của cảm xúc ấy, tôi thấy có mấy bài thơ, ngay tác phẩm đã mang tên đàn “Đàn bà một mình” (Đặng Quế Anh), “Người đàn bà bán hàng rong” (Nguyễn Cường – tác giả nam), “Người đàn bà vẽ” (Trần Thị Bạch Diệp), “Đàn bà sớm” (Nguyễn Văn Dũng- tác giả nam), “Hãy để em là đàn bà như thế” (Bùi Minh Huế), “Em- Đàn bà” (Hoàng Thị Kim Hương), “Người đàn bà gốm” (Lê Phương Liên), “Người đàn bà” (Vũ Thị Minh Thu), “Người đàn bà lội biển” (Nguyễn Bích Thuần), “Đàn bà” (Võ Thị Cẩm Thúy). Tổng số 10 bài, chiếm 3,3%. Tất nhiên, “nhặt nhạnh” này mang ý nghĩa tương đối, bởi trong 96,7% số bài áp đảo đã nồng thơm nhân vị yêu, nhân tính nữ của đàn bà.
...
Em đàn bà gạn nắng gió tìm xưa
Để được là mình dù một giây phút nhỏ
Trước trùng trùng biển anh ngày bão tố
Có một kẻ điên mộ gió viết tên mình

(Em- Đàn bà của Hoàng Thị Kim Hương)
...
Hãy để em là đàn bà như thế
Bởi tình yêu thì chẳng cũ bao giờ
Có ai không khát thèm màu hạnh phúc
Không biết xốn xang, không biết mộng mơ?

(Hãy để em là đàn bà như thế của Bùi Minh Huế)

Tôi thích cái cách “tuyên ngôn” của Hoàng Thị Kim Hương, ngay từ danh xưng, kiêu hãnh. Tất nhiên, dù ra “Sách trắng” như Hoàng Thị Kim Hương, hay “nhõng nhẽo”, ẩn dụ như Bùi Minh Huế đã cho thấy “thế giới đàn bà”, với tất cả hy vọng, chờ đợi, kiếm tìm, ước mơ và hoài niệm của đàn bà.

Đàn bà buồn, đàn bà một mình uống cạn chén cô đơn/ Trong đêm buồn vẳng nghe tiếng trở mình của lá” và “Cháy cho hết những gì được mất / Tỉnh cơn say rồi. Ôi! Thương nhớ còn không?” (Đàn bà một mình của Đặng Quế Anh). Đầy nhân vị. Bất giác tôi mường tượng đến giọt nước mắt đêm của đàn bà. Mấy ai hiểu và thấu cảm?

dbt-58-of-117-.jpg
Từ trái sang: Nhà văn Trang Thụy, nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, nhà văn Như Bình, nhà thơ Hoa Mai, nhà thơ Phạm Kim Khánh, nhà thơ Vân Ngà

Thơ viết về tình yêu của các tác giả nữ trong “Đàn bà thơ 2” đầy tâm trạng, thân phận. “Họ đã va vào nhau rồi tan ra như sóng / Không phải trường phái trừ tượng ấn tượng hay dã thú / Là sự mở ra và đóng lại của hơi thở hắt / Cho nỗi cô đơn”. Cho dù bàng bạc, mơ hồ như người đàn bà trong “Người đàn bà vẽ” của Trần Thị Bạch Diệp cũng đã gửi đến một thông điệp cho nửa còn lại của thế giới. Chẳng lẽ thân phận của người phụ nữ chỉ “Là sự mở ra và đóng lại của hơi thở hắt/ Cho nỗi cô đơn”?

Trong những bài thơ hay của phái đẹp ấy, có những tứ thơ độc đáo đến sững sờ. Lê Phương Liên với Người đàn bà gốm, Đặng Thị Minh Kính với Nhà hình ống, Hoa Mai với Sông Lam như khăn mẹ đánh rơi, Nguyễn Thị Bích Phương với Uống rượu với người trong ảnh, Thúy Khải với Người núi, Phạm Thị Kim Khánh với Mùa của ta, Đặng Tường Vy với Anh là ngọn gió...”, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, con người của sự chỉnh chu “hạ bút” trong Tựa.

dbt-17-of-50-.jpg
Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh: Có những tứ thơ độc đáo đến sững sờ

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong phát biểu, ông cho rằng bản thân phụ nữ là vẻ đẹp, thi ca là cái đẹp. Những cái đẹp ấy đã và đang, và ngày càng cần phải phát huy để cứu rỗi con người, cứu rỗi nhân loại. Ở đâu có thơ, ở đó có lòng vị tha, ở đó có sự tử tế.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh sau khi về đến Thái Nguyên, ông viết trên trang cá nhân: “Nói một lời cảm ơn là không đủ. Những sự ủng hộ dành cho thơ trong hoàn cảnh mà sự thực dụng lên ngôi - như ai đó từng nói, đã chứng minh cho điều ngược lại ở nơi này: Vẫn có rất nhiều tấm lòng cao quý dành cho thơ. Thơ vẫn như một ngọn lửa rực hồng vẫy gọi và sưởi ấm cho tâm hồn chúng ta, dù cái rét cả nghĩa đen và nghĩa bóng đang bủa vây...”. Thật khó nói hết tấm lòng. Những nhà thơ chăm lo cho sự kết nối, như “gánh hát” gia đình của ba mẹ con nhà thơ Mai Hoa, nhà thư pháp trẻ Duy Phương, MC Ngọc Thanh; vợ chồng nhà thơ Trần Nguyệt Ánh cùng anh chị em thức thâu đêm, lựa chọn, bó cúc Họa mi làm quà tặng. Mệt thế mà vẫn cười giòn tan...Tôi thấy trên khuôn mặt nhà thơ Bùi Kim Anh – “lãnh tụ” tinh thần của Group “Đàn bà và thơ” đôi mắt ngân ngấn, xúc động.

Anh ăn miếng trầu cánh phượng em têm/ Có vị trầu cay, vôi nồng, cau chát / Có hiện hữu tình yêu trong từng câu hát / Như cầu vồng bảy sắc mùa xuân” (Lời hẹn mùa xuân của Trần Thị Hồng Xuân). Bữa tiệc thơ của Group “Đàn bà và thơ” khép lại trước thềm mùa xuân Quý Mão nhưng "mùa xuân" của Thi ca thì không phân biệt bốn mùa trong năm. Nó cứ bất tận, dự cảm, nẩy nở sự tử tế và cái đẹp cho cuộc đời, trong cuộc đời./.

Bài liên quan
  • Vũ điệu Hồng Hạc, những điều chưa biết
    Giống như con người, chim Hồng hạc có tính xã hội cao, cẩn thận chọn bạn chơi và có né tránh một số cá thể nhất định. Hành động này nhằm mục đích ngăn chặn những cuộc "cãi vã", giảm căng thẳng...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Đàn bà thơ" - vườn thơ nữ tính. nẩy nở sự tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO