Từ những doanh nghiệp tiên phong kinh tế tuần hoàn
Gần đây, tại một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư ngày càng gia tăng.
Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao đã theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Với Công ty này, trước đây, sản xuất gạch nung sử dụng nguồn nguyên liệu là đất sét, đất ruộng nạc, đốt từ than tự nhiên. Hệ quả là người nông dân mất đất ruộng, ô nhiễm môi trường.
Để thay thế, nhà máy đã tìm kiếm các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản, các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ… và sản xuất với công nghệ tuần hoàn. Thành phẩm có giá thành cạnh tranh, lại đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.
Là doanh nghiệp thủy sản hàng đầu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) cũng đang tận dụng triệt để giá trị từ năng lượng xanh. Hưởng ứng chủ trương “xanh hóa” ngành thủy sản, công ty đã xây dựng được nhiều vùng nuôi cá tra với diện tích gần 1.000ha mặt nước. Xây dựng các vùng nuôi kiểu mẫu sử dụng năng lượng mặt trời, quy trình nước tuần hoàn (hạn chế xả thải ra môi trường), dùng dây chuyền tự động cho ăn...
Sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tiền điện, chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, việc theo đuổi mô hình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Lộc Trời đã trình dự án về xác lập tín chỉ carbon lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được công nhận, đây sẽ là “hồ sơ xanh” cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi luật về thuế carbon có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này.
Xanh hóa sản xuất hay kinh tế tuần hoàn giờ đây có thể thấy ở nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Ngày nay, phần lớn rác thải đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối, giảm nhu cầu về năng lượng hóa thạch.
Chẳng hạn, Nestlé đang sản xuất gạch hay vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa; Heineken Việt Nam tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia; Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa...
Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM cũng đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã vận dụng ngày càng nhiều khái niệm “cộng sinh công nghiệp”, khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác.
Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác...
Đến tiên phong xanh hóa chuỗi cung ứng
Đối với ngành Logistics, logistics xanh được xem là mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Vì vậy, trong bối cảnh người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện môi trường và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, logistics xanh ngày càng được quan tâm và đầu tư một cách chuyên nghiệp.
Nắm bắt xu hướng này, doanh nghiệp logistics đang từng bước tham gia hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất, nhập khẩu với những tiêu chí xanh để hướng tới phát triển bền vững.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã và đang hưởng ứng với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững.
Chẳng hạn như Kho lạnh Nam Hà Nội là một trong những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho lạnh hưởng ứng sớm nhất đã đạt danh hiệu Năng lượng xanh Hà Nội 3 sao do UBND TP. Hà Nội trao tặng.
Từ khi hoạt động đến nay, Kho lạnh Nam Hà Nội luôn giữ vững vai trò trung tâm logistics đông lạnh với hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế. Với dịch vụ đóng gói hàng hóa và sử dụng màng bọc dễ phân hủy được làm từ nguyên liệu bao bì đơn giản nhất, có thể phân hủy trong tự nhiên.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên đánh giá hoạt động gây hư hại hàng hóa và những điểm chưa tốt, chưa đúng trong quá trình vận chuyển có tác động trực tiếp tới ô nhiễm môi trường. Kiểm soát mọi yếu tố gây tăng giảm nhiệt độ, thất thoát hơi lạnh, hư hỏng thực phẩm khi hàng hóa được bảo quản trong kho lạnh.
Tương tự, Tân Cảng-Cát Lái tại Thành phố Hồ Chí Minh là cảng đầu tiên đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng Mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Với kinh nghiệm xanh hóa cảng biển của doanh nghiệp là ứng dụng công nghệ 4.0, thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm khoảng 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm).
Hơn nữa, tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU thay thế được khoảng 2.000 ôtô chở container; áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút...
Hay như mô hình "Bưu cục di động" của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã cắt giảm được các khâu trung gian, giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển.
Đặc biệt, Viettel Post cũng triển khai giải pháp lắp đặt điện mặt trời cho hệ thống kho chia chọn phân phối để cung cấp năng lượng cho thiết bị chiếu sáng, máy điều hòa nhiệt độ...
Phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu, đồng thời là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành logistics.
Tuy nhiên, để xanh hóa ngành logistics, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ ngành logistics nguồn vốn để phát triển công nghệ, chuyển đổi số trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia về logistics.
Bởi, trong bối cảnh mới cần có năng lực quản lý dòng hàng hóa quốc tế và có thể cạnh tranh cần sớm triển khai hệ thống so tính năng kỹ thuật cao nhằm tham gia tốt hơn vào nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu đang vận hành.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thời gian tới cần nâng cao ý thức, chung tay kiến tạo hệ sinh thái logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối hàng hóa.
Cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp.
Mặt khác, doanh nghiệp cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng các bộ chương trình đào tạo chuẩn, chuẩn hóa với vị trí công việc trong ngành logistics; xây dựng khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật kiến thức quản trị nhân lực xanh gắn với logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.