"Kinh tế vỉa hè" và "cuộc chiến" giành vỉa hè cho người đi bộ

Ngô Đức Thành Nam |10/03/2023 14:26

"Kinh tế vỉa hè" mặc nhiên tồn tại và phát triển, tuy nhiên, không thể để đô thị nhếch nhác, mất mỹ quan, ô nhiễm... và không còn chỗ cho người đi bộ.

Nhận diện nền "kinh tế" và chuỗi cung ứng "vỉa hè"

Trong khái niệm của xã hội học, “kinh tế vỉa hè” thường dùng để chỉ những người phụ thuộc vào vỉa hè, thậm chí lòng đường cho việc buôn bán. Dù là xã hội hiện đại cũng vẫn luôn tồn tại một sự bền vững trong kinh tế đô thị, nguồn lợi kinh tế thu được từ vỉa hè là có thật.

01-768x576.jpeg
"Kinh tế vỉa hè" ngày càng phát triển phức tạp

Khi những người dân mang những sản vật lên thành phố, lẽ dĩ nhiên, họ sẽ đi khắp các phố phường, ngõ hẻm để rao bán. Dần dà, họ “đậu” tại một nơi cố định để nhiều người biết hơn, thuận tiện hơn và dễ liên lạc hơn. Lịch sử hình thành Hà Nội và các đô thị Việt Nam, bắt đầu từ "kẻ chợ". 

Vỉa hè phố chính là nơi đầu tiên khơi nguồn bày bán những sản vật này. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần văn hóa không thể thiếu trong đô thị Việt Nam. Biết bao tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật...khai thác "đề tài" vỉa hè, và đã ít nhiều thành công.

Hiện nay, kinh tế thị trường, dù "định hướng" nhưng buôn bán ở các nhà mặt phố, vỉa hè...là "quy luật" muôn đời. Nhất là khi, người dân ở nông thôn nhường đất cho "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", dòng người "tràn" vào đô thị, làm đủ các nghề kiếm sống, ngày càng đông.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra ít nhất 20% GDP và số lao động phi chính thức đã tham gia tích cực trong nền kinh tế quốc gia. Trong đó, kinh tế vỉa hè với số lao động phi chính thức ở khu vực thương mại chiếm 31% và dịch vụ chiếm 26%. Kinh tế phi chính thức chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh tế, việc làm.

Những năm qua, nền kinh tế vỉa hè đã đóng góp gần 11 triệu trong tổng số 22 triệu lao động phi chính thức. Vỉa hè trở thành nơi tạo ra việc làm và thu nhập của số lớn cư dân nghèo đô thị.

Theo Tổng cục Thống kê, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra 11 - 13% GDP của cả TP.HCM (còn thực tế có thể còn nhiều hơn). Cùng với con số đó là hàng vạn người có việc làm và thu nhập ổn định bởi những gánh hàng rong, quán hàng rong trên vỉa hè đường phố.

Hãy thử làm một phép tính đơn giản với người bán hàng rong. Chỉ cần 500 nghìn đồng đầu tư, một ngày kiếm lời được khoảng 200 nghìn đồng tiền lãi. Một năm chỉ cần 300 ngày quay vòng vốn như thế, nhân lên thu nhập của hàng triệu người thì con số rất lớn. Đồng thời, nó cũng góp phần đưa hàng hóa tiêu dùng đến mọi ngóc ngách một cách nhanh chóng. Đúng thế, chuỗi cung ứng "vỉa hè" trên thực tế đã hình thành từ lâu.

111120221155-z3871877227568_6de41af87017ee41a3b875028d1dda6c.jpg
Toàn cảnh Hội thảo "Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”

Năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. Nói đến "kinh tế đêm", không thể không nói đến "kinh tế vỉa hè". 

"Giành lại vỉa hè" bằng cách nào?

"Kinh tế vỉa hè" mặc nhiên tồn tại và phát triển; tuy nhiên, không thể để đô thị nhếch nhác, mất mỹ quan, ô nhiễm... và không còn chỗ cho người đi bộ. Vấn đề quản lý vỉa hè, không còn là việc của đô thị nào mà đã từng vang lên ở diễn đàn Quốc hội. Năm 2022, khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với thành phố, đại biểu Trương Quang Nghĩa phát biểu: "Vỉa hè nhiều nơi ở trung tâm TPHCM không chấp nhận được". 

Với Hà Nội, đây là lần mới nhất, UBND thành phố "quyết tâm", "ra quân" giành lại vỉa hè (Ban Chỉ đạo 197 về lập lại trật tự vỉa hè hiện đang chỉ đạo "chiến dịch" được thành lập hơn 10 năm nay)

02-768x511.jpeg
Nhóm lưu động của "người quê ra tỉnh"  có thể coi là nhóm yếu thế trong nền kinh tế vỉa hè.

Cũng cần nhắc lại, trật tự đô thị là lĩnh vực đã “tốn” nhiều văn bản QPPL nhất. Năm 1982 đã có Nghị quyết 203-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Sau năm 1986, nhờ thay đổi cơ chế, kinh doanh, buôn bán bắt đầu “bung ra” lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ dọc các tuyến quốc lộ, các tuyến đường đô thị...và năm 1988 đã có Nghị quyết 36/HĐBT về lập lại trật tự.

Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) lúc đó đã có Nghị quyết 36/HĐBT. Năm 1995, Chính phủ có Nghị quyết 36/CP, ban hành kèm theo "Điều lệ an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị"; đến năm 2021, được thay thế bằng Nghị định 36/2001/NĐ-CP....Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản QPPL khác nhau, khó liệt kê, đã được ban hành, nhằm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, dường như đó là cuộc chiến chống lại “cối xay gió”.

Nguyên nhân thì ai cũng biết, như đã nói ở trên, kinh kế thị trường kéo theo sự phát triển của “kinh tế vỉa hè”. “Nhà mặt phố, bố làm to” là thành ngữ Việt xuất hiện thời thị trường. Đời này qua đời khác, các thế hệ người Việt Nam sống bám lề đường, sống bám vỉa hè đô thị rất lớn. Thứ hai, sự gia tăng dân số đô thị; tâm lý “giàu có ở quê không bằng ngồi lê kẻ chợ” kéo theo rất nhiều người ở nông thôn ra đô thị buôn bắn, hành nghề tự do. Thứ ba, sự phát triển của phương tiện giao thông cá nhân ở Việt Nam ngoài tầm kiểm soát của quản lý; vỉa hè trở thành bãi để xe, thậm chí là nơi cho phương tiện cá nhân leo lên, mỗi khi ùn ứ, tắc đường. Thứ tư, ý tưởng kéo giãn dân cư nội đô đang gặp nhiều thách thức. Bằng chứng là, sau 15 năm nhập Hà Tây vào Hà Nội, mục đích này vẫn nằm trên lý thuyết. Thứ năm, dân cư đô thị chưa có văn hóa chấp hành luật pháp.

Hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải (Q1, TP.HCM), từng là "cảm hứng" một thời, nhưng rốt cuộc, ông phải chấp nhận thất bại. Trên thực tế, việc lấn chiếm vỉa hè đô thị làm nơi kinh doanh, buôn bán... cũng đã sinh ra “lợi ích nhóm”, có “cai vỉa hè”, thế lực “chống lưng”... chứ không hề giản đơn, chỉ là dân nghèo mưu sinh. Các hình thức "bảo kê" vỉa hè diễn ra rất đa dạng dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau, "chia đều" lợi ích. Một số nơi, do đặc thù kinh doanh chính quyền một số quận buộc phải “thương lượng” để các cơ sở kinh doanh được sử dụng tạm thời vỉa hè, với điều kiện phải đóng phí.

ha-noi-gianh-lai-via-he-10-15071485-14260633.jpg
Lực lượng chức năng Hà Nội hiện đang "quyết liệt" dẹp vỉa hè đang bị chiếm dụng kinh doanh trên phố.

Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp hạ tầng giao thông đô thị, tắc hệ thống thoát nước thải sinh hoạt; sụp, lún vỉa hè… Báo chí từng đưa tin, phản ánh về gạch vỉa hè “tuổi thọ 70 năm” ở Hà Nội vỡ nát, có nguyên nhân thi công ẩu, có nguyên nhân xe máy leo lên vỉa hè, và do kinh doanh buôn bán.

Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (Khoản 1, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ 2008), vẫn chỉ là mơ ước, nằm trên văn bản Luật. Phải lập lại trật tự, không có cách nào khác.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ “thất bại” trong quá khứ, chính quyền các thành phố (trong đó có Hà Nội đang triển khai rầm rộ) cần đổi mới cách làm. Thực tế, vẫn rất cũ, nơi quyết liệt, nơi “đánh trống bỏ dùi”, “đá ném ao bèo”.

Vấn đề mấu chốt, cần tìm ra một mô hình cho phép những "thử nghiệm" trên đường phố có thể diễn ra, và cũng để, kinh tế vỉa hè của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, thì chưa ai nghĩ ra?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Kinh tế vỉa hè" và "cuộc chiến" giành vỉa hè cho người đi bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO