Kinh tế Việt Nam: Thích ứng, tự tin bước tới

Đình Dũng|21/01/2022 08:00

(VLR) Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế - xã hội Việt Nam chưa khi nào lại chịu tác động nặng nề như năm 2021, bởi đợt dịch lần thứ 4 đã không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà cả con người. Thế nhưng trong thách thức, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, thích ứng, kinh tế Việt Nam đã từng bước phục hồi với nhiều điểm sáng, tạo nền tảng cho năm 2022 với nhiều kỳ vọng tươi sáng hơn.

Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, kinh tế Việt Nam đã từng bước khôi phục với nhiều điểm sáng

Bằng nhiều giải pháp linh hoạt, kinh tế Việt Nam đã từng bước khôi phục với nhiều điểm sáng

Từ những thành quả nổi bật

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, đặc biệt là vùng trọng điểm kinh tế phía Nam song tăng trưởng GDP vẫn đạt khoảng 3%. Đặc biệt, có nhiều điểm sáng ở nhiều lĩnh vực.

Điểm sáng đầu tiên phải kể đến xuất nhập khẩu, khi lần đầu tiên chúng ta cán mốc trên 650 tỷ USD, trong đó tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 18%, có thặng dư thương mại; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 20%.

Thứ hai, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được duy trì. Số vốn đầu tư và giải ngân vẫn tương đương năm 2020, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, khoảng hơn 25 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay lại hoạt động vẫn cao hơn con số DN rút lui khỏi thị trường.

Thứ ba, nguồn thu ngân sách Nhà nước tương đối tốt, đến hết tháng 11 đã đạt vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước đưa ra, so với năm ngoái tăng trưởng 8,9%. Bội chi ngân sách nằm trong giới hạn Quốc hội và Chính phủ cho phép. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên khoảng 110 tỷ USD.

Thứ tư, nền kinh tế số tiếp tục được đẩy mạnh và đồng bộ. Nhận thức của cơ quan quản lý, cộng đồng DN được nâng lên. Chưa bao giờ phong trào “chuyển đối số” lại được diễn ra mạnh mẽ đến vậy. Dịch bệnh cũng đã giúp người dân, doanh nghiệp thích ứng với mô hình thương mại điện tử nhanh hơn, giúp nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31%, đạt 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong khó khăn thách thức, tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã được nhân lên. Nhiều quyết định chưa hề có tiền lệ như việc Quốc hội trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách, đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19; trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Cùng với đó là hàng loạt cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho DN người dân.

Đến khuyến nghị tăng trưởng

Đánh giá về sự thích ứng của Việt Nam và triển vọng thương mại, ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc ngừng sản xuất ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Do vậy, các công ty nước ngoài, đánh giá cao quyết định của Chính phủ Việt Nam về chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, từng bước mở cửa kinh tế. Tin rằng, với chính sách ưu tiên phòng chống dịch cùng với sự điều hành, thích ứng linh hoạt, hội nhập kinh tế quốc tế, niềm tin của các nhà đầu tư, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hình V vào năm 2022.

Những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp

Những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 ở mức 6% - 6,5%, Nghị quyết số 32/2021/QH15 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Với việc DN trong nước tiếp tục thành lập mới và khối DN quay trở lại tăng lên. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nếu như vẫn đạt được như năm 2021 và có thể mở rộng hơn và tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất, có thể đạt mức trên 6%.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, chính sách tài khóa phải tập trung vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế... để phòng và điều trị COVID-19. Mặt khác, để giúp DN yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh thì việc ổn định kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Trong đó, phải bảo đảm được tỷ lệ lạm phát trong giới hạn thấp nhất, vay nợ công, thâm hụt ngân sách Nhà nước cũng phải nằm trong giới hạn chấp nhận được.

Còn TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị cần tập trung phát triển kinh tế số bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực cho khu vực doanh nghiệp, trong đó, bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể, tạo thuận lợi cho tiếp cận với công nghệ, cùng với đó hình thành kho dữ liệu phục vụ cho kinh tế số, chuyển đổi số.

Tin rằng, với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng những giải pháp vĩ mô, vi mô hóa giải những nút thắt, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam: Thích ứng, tự tin bước tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO