Kinh tế Việt Nam trước biến động thương mại toàn cầu

Lãm Trình|16/12/2019 16:30

(VLR) Năm 2019, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu suy yếu, tuy nhiên theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam cơ bản ổn định, GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, lạm phát 11 tháng được kiểm soát ở mức thấp 1,94%.

Ảnh hưởng mức tăng trưởng sản xuất

Theo Bộ Công Thương, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) của khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch XK so với 29,16% của cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, các chỉ tiêu có mức tăng giảm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2018 gồm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giá trị sản xuất công nghiệp nói chung và ngành chế biến chế tạo nói riêng, kim ngạch XK.

Mặc dù, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng qua từng quý, tuy nhiên đang đứng trước những thách thức mới. Đặc biệt là từ những biến động trên thị trường thế giới tác động đến hoạt động sản xuất, thương mại của Việt Nam. Nếu so sánh với hai năm gần đây thì 11 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng lần lượt đạt 9,3% và 10,6% đều thấp hơn so với

cùng kỳ các năm 2017 - 2018. Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, năm 2019 gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu và dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn cả về cung lẫn cầu. Ngành thủy sản dù đạt mức tăng trưởng cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đều tăng khá, tuy nhiên vẫn chưa tháo gỡ được thách thức từ thẻ vàng của EU.

Làm chủ cán cân thương mại

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam năm 2019 chịu tác động xấu bởi những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Trung Quốc; xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch tại các đối tác thương mại chủ chốt và tình trạng cung vượt cầu đối với một số mặt hàng nông sản đã kéo theo xu hướng giảm sâu về giá.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố thì, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 473,73 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa XK đạt 241,42 tỷ USD, nhập khẩu đạt 232,31% tỷ USD, cùng tăng 7,8% và 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng đạt mức tăng trưởng lớn nhất về trị giá so với năm 2018 chủ yếu thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,4%; giày dép các loại tăng 12,5%; hàng dệt may tăng 7,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 9,8%; điện thoại các loại tăng 12,3%.

Riêng đối với nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, năm 2019 kim ngạch XK hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng này giảm so với cùng kỳ năm trước, do tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc - thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch XK nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau, quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) đạt 23,134 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch XK; tiếp đến là Hoa Kỳ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%.

Hàng thủy sản trong 11 tháng đầu năm 2019, XK đạt 7,93 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2018; Có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm nông - lâm - thủy sản có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thủy sản giảm 2,3%, rau quả giảm 2,4%, cà phê giảm 22,2%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 5,3%. Một số mặt hàng tăng về lượng nhưng giảm về kim ngạch do giá giảm như: Hạt điều, hạt tiêu, gạo. Riêng hai mặt hàng cao su và chè tăng cả về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA... các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng về cơ bản sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2019.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam trước biến động thương mại toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO