Lê Ngọc Dũng, ngắt một chùm sương...

Nhà thơ Ngô Đức Hành |19/08/2022 08:19

Lê Ngọc Dũng là tác giả trẻ, tư duy trẻ. Thơ với anh là sự tìm tòi khám phá, không chỉ trong ngôn ngữ mà cả trong cấu tứ, không chỉ ở hình thức mà cả ở nội dung. Con đường thơ còn dài nhưng bước đầu ghi nhận anh luôn trăn trở tìm giọng điệu - điều rất đáng quý.

Khi mới 25 tuổi, chàng trai sinh ra và lớn lên ở Krông Nô vì mê đắm Nàng Thơ nên lặn lội từ Đắc Nông ra Hà Nội “nhập cuộc” học chuyên ngành Sáng tác văn học. Đó là Lê Ngọc Dũng. Vừa làm kiếm tiền nuôi thân, vừa học nuôi dưỡng mơ ước.

Quý 3/2021, Lê Ngọc Dũng xuất bản tập thơ “Lưng lửng hồn”, NXB Hội Nhà văn.. Trước đó, thơ anh, với bút danh văn học Nguyên Như đã xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí văn học hàng đầu như Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Lưng lửng hồn” gồm 56 bài thơ. “Lưng lửng” có nghĩa là chưa đầy, chưa đủ...còn “thòm thèm”. Điều đấy cho thấy một “tham vọng” mang tên Lê Ngọc Dũng.

nn.jpg
Lê Ngọc Dũng, ký họa chân dung. Nguồn: Trang cá nhân Nguyên Như

Thường các tác giả khi xuất bản thơ đều có một nhà thơ nào đó viết Tựa (thay giới thiệu), dẫn dụ người đọc. Tuy lần đầu “làm chuyện ấy” nhưng Lê Ngọc Dũng tự tin, tập thơ không có ai viết lời giới thiệu. Anh ý tứ mời người đọc, tự nhiên khám phá cái “lưng lửng” của mình.

...

Cứ là trống rỗng

Để cuộn tròn trong chiếc kiềng sạm tro

Cứ ngậm vu vơ

Mà say giữa cuộc đời vô tăm tích

Trăng tròn – khuyết

Ta cũng đâu rũ mềm...!

(Lưng lửng hồn)

Đọc bài thơ ngỡ như tác giả trong cơn đói “cứ là trống rỗng”, vừa “say giữa cuộc đời vô tăm tích”, vừa tỉnh “ta cũng đâu rũ mềm”. Trạng thái cảm xúc đa chiều, nghịch lý. Nhân vật “vô danh” trong bài thơ là đứa trẻ, không phải đang đói, khát bầu vú mẹ mà là bầu vú “vu vơ”. Đó là tình huống giả định. Tuy nhiên, dễ nhận ra, bầu vú cuộc đời này, đói cũng không dễ ăn, khát cũng đâu phải cứ bầm vập vào mà uống? Bài thơ là một sự nhắc nhở, phản tỉnh.

Trong 56 bài thơ, từ “em” xuất hiện trong 4 bài: “Đợi em và dòng sông”, “Đối diện em”, “Em & những ký hiệu”, “Em về neo bóng vọng phu” – nghĩa là “Lưng lửng hồn” có thơ về tình yêu. Mẹ, quê, nắng, mưa, hoa, lá, lửa, khói, địa danh... có mặt đầy đủ. Có nghĩa là vẫn là đề tài muôn thuở, hay nói cách khác, các ẩn dụ muôn thuở có mặt trong tập thơ. Điều đặc biệt là, từ “đêm” xuất hiện trong khá nhiều bài: “Lửa đêm”, “Đêm nhòe”, “Mặt đêm”, “Ngách đêm”, “Thác đêm tôi về”, “Trùng đêm”...

Đêm và ngày trong vũ trụ cứ luân phiên nhau, khi nửa vòng quay trái đất có mặt trời chiếu sáng thì đó là ngày, ngược lại là đêm. Với con người (động vật khác cũng thế), đêm phải ngủ để duy trì các khả năng năng nhận thức, giao tiếp, trí nhớ, tư duy sáng tạo...Với người làm thơ “đêm” được xem là “không gian tâm trạng”, (Hoàng Thụy Anh), Lê Ngọc Dũng không phải là cá biệt, nếu không muốn nói đầy lên tâm trạng.

Ngắt một chùm sương

Thử chườm lên tay chút lạnh thành phố

Mùa đông nhả sợi tơ óng ánh

Bện trang giấy mù mờ

Tôi con nhện lọt thỏm... canh chừng mọi nghi hoặc

(Ngách đêm)

Đêm mênh mông, nhưng nhân vật “tôi” tỏ ra rất sợ hãi, rón rén, chỉ dám len lỏi trong một “ngách” nào đó. Biết đêm có bao nhiêu “ngách”? Để làm gì? Chỉ để “ngắt một chùm sương”...và tại cái “ngách ấy” phát hiện ra “có phải ai đang trồng những hạt chữ bóng đêm”. Bài thơ nhiều ẩn ý, thú vị.

Lê Ngọc Dũng là tác giả trẻ, tư duy trẻ. Thơ với anh là sự tìm tòi khám phá, không chỉ trong ngôn ngữ mà cả trong cấu tứ, không chỉ ở hình thức mà cả ở nội dung. Ngay cả trong những bài thể thơ truyền thống nhất là lục bát, anh cũng tránh lối mòn, có nhiều cố gắng về sáng tạo thi ảnh.

Gió trời vừa đậy môi thu

Tay đông rải lạnh nào ru được mình

Em ung dung muối vại tình

Ta chua mặn mãi cũng thành men cay.

(Em về neo bóng Vọng phu)

Đọc 2 khổ cuối này, người đọc chắc sẽ dừng lại ở “môi thu”, “tay đông”, “vại tình”, “ta chua mặn”... Thu, đông là khách thể, nhưng là nhân vật sống, có tay, có chân, có hồn, có vía, trong đôi mắt của tâm hồn. Nói về sáng tạo thi ảnh, có thể thành công, có thể chưa, có thể hợp người trẻ, không hạp người “truyền thống”, tuy nhiên với thi ca, đó là sự tìm tòi, để tránh “lối mòn”. Trong bất cứ bài thơ nào, ngôn ngữ quen thuộc, nhất là các cặp tính từ trong ngôn ngữ Việt, đã thành “sáo mòn”, khi đọc có thể “nuột” nhưng đó chính là “hạt sạn”. Đọc lên thấy nhàn nhạt. Bất cứ nhà thơ nào có ý thức cũng tránh khi có thể tránh được.

Ngày mai nở khuy mây / về ngôi nhà rong rêu ngói cũ / tháng Chạp rụng ngay đầu ngõ / hây hây trăng thở kẽ mắt người”, (Thác đêm tôi về). Trong nhiều bài thơ, câu thơ trong từng bài ở “Lưng hửng hồn”, Lê Ngọc Dũng đã cố gắng khai thác thế mạnh của động từ, hạn chế dung tính từ, làm cho thi ảnh “động” hơn, có sức sống hơn. Đây cũng là một xu hướng, được các nhà thơ hậu hiện đại – tạm gọi như thế, các nhà thơ trẻ sử dụng trên con đường khẳng định “cá tính thơ”.

8-min-21.jpg
 Trong “Lưng lửng hồn”, Lê Ngọc Dũng cũng dành nhiều cảm xúc cho vùng đất Tây Nguyên (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng Đắk Nông)

Trong “Lưng lửng hồn”, Lê Ngọc Dũng cũng dành nhiều cảm xúc cho vùng đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk và Đắk Nông nói riêng. Đó là “Đắk Lắk bầu trời của em”, “Đắk Pí chiều”, “Con chim Kơ pốk”, “Im chiều Hồ Lắk”... Không ai “bứng” được quê hương ra khỏi tâm hồn mình. Quê hương luôn định vị trong tâm hồn thi sỹ, nên bước từ tâm hồn ra văn bản là nhu cầu tự thân.

Lâng lâng dòng sông Krông Ana / thung lũng vàng nương ngô, cao nguyên xanh đồng cỏ / kìa những hạt phấn hoa đi chơi cùng gió / kìa bầy chim Kơ Tia hóa thạch mặt trời”, (Đăk Lắk bầu trời của em). “Gió rung phía nào / có phải không gió trời / vang vang tiếng hoàng hôn đỏ / hay thình thịch bước chân voi / bụng núi Lăk Liêng bập bùng”, (Im chiều Hồ Lắk). Chỉ mấy câu thơ, Tây Nguyên hiện lên trong thơ Lê Ngọc Dũng vừa hùng vĩ, vừa lộng lẫy cả về văn hóa bản địa. Trong sử thi Tây Nguyên, Lăk Liêng chính là người tìm ra nguồn nước cho buôn làng. Nước là sự sống, mạch nguồn thiêng liêng.

Nay Lê Ngọc Dũng đã bước sang tuổi 27, cuộc đời phía trước còn “mênh mông”, nhưng Lê Ngọc Dũng đã có những “bước thơ” cá tính. Nhà thơ nổi tiếng, đã quá cố Lê Đạt có nói: “Con đường dài nhất là con đường thơ” nên chưa nói trước điều gì. Lê Ngọc Dũng còn phải dấn thân để được khẳng định. Được biết anh là một trong những người được mời làm đại biểu dự Hội nghị những người viết văn trẻ, do Hội Nhà văn Việt Nam dự định tổ chức vào thời gian tới.

Lại nhớ nhà thơ Xuân Diệu (Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đợt 1), trước khi mất còn kịp gửi đến Hội nghị những người viết văn trẻ (tháng 12/1985) bài phát biểu “Sự uyên bác và công việc làm thơ”. Đúng thế, sáng tạo thi ca, đòi hỏi phải uyên bác.

Bài liên quan
  • Thân phận đàn bà trong thơ Hoàng Thụy Anh
    Hoàng Thụy Anh là nhà văn trẻ, thơ chị hiện đại, ẩn dụ, sáng tạo; tuy nhiên vẫn đầy nhạc tính, hàm súc và truyền cảm. Tinh thần sẻ chia, làm cho chị luôn ám ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Lê Ngọc Dũng, ngắt một chùm sương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO