Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đồng thời, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, tham gia góp ý những nội dung trọng tâm của dự thảo; về việc thực hiện dân chủ của doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân…
Bày tỏ quan điểm về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, các ý kiến cho rằng, đây là nội dung quan trọng, bởi việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp rất cần thiết, hữu ích đối với bản thân doanh nghiệp. Các đại biểu cũng khẳng định doanh nghiệp cũng đã và đang áp dụng, thực hiện các nội dung thực hiện dân chủ trong đơn vị. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ dự luật nhằm tránh chồng chéo, vướng mắc với luật khác, nhất là Luật Hợp tác xã.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp đoàn khảo sát đánh giá khách quan công tác triển khai thực hiện quy định, chính sách pháp luật liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kết quả của buổi khảo sát sẽ được Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật tại kỳ họp tới của Quốc hội.
Theo Dự thảo Luật, thì dự thảo đã tiếp tục kế thừa quy định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, do đó cơ bản tôi cũng đồng tình cao với nội dung dự thảo, ngoài ra, nhiều góp ý tập trung vào các vấn đề:
1. Về khái niệm dân chủ ở cơ sở
Tên gọi của Luật là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để thực hiện được dân chủ ở cơ sở thì cần có điều khoản giải thích và làm rõ dân chủ ở cơ sở là gì? Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa đưa ra khái niệm dân chủ ở cơ sở. Do đó, tại Điều 2 dự thảo cần bổ sung quy định về khái niệm dân chủ ở cơ sở.
2. Về giải thích thuật ngữ “thanh tra nhân dân”
Khoản 5 Điều 2 giải thích thuật ngữ: “Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước” là chưa đầy đủ. Vì theo quy định của dự thảo thì thuật ngữ Nhân dân chỉ áp dụng trong phạm vi xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư. Còn trong phạm vi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp thì sử dụng thuật ngữ: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó đề nghị chỉnh sửa theo hướng: Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước .
3. Giải thích thuật ngữ “Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng
Khoản 4 Điều 2 giải thích thuật ngữ “Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng là quyết định ban hành hoặc phê duyệt chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng”. Tuy nhiên, hình thức ban hành là do cơ quan có thẩm quyền lựa chọn theo quy định nên việc dự thảo quy định các hình thức như quyết định ban hành hoặc phê duyệt chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án là không cần thiết. Do đó, đề nghị chỉnh sửa như sau: Quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng là Văn bản ban hành có nội dung tác động đến môi trường; sức khỏe của cộng đồng; trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.
4. Quy định về xử lý vi phạm
Tại Điều 8 dự thảo về xử lý vi phạm quy định thành hai khoản, một khoản quy định việc xử lý đối với công dân, người lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp và một khoản quy định xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu vi phạm quy định về thực hiện dân chủ cơ sở. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu nếu vi phạm về thực hiện dân chủ cơ sở thì bị xử lý trách nhiệm dân sự, trong khi dự thảo không đặt ra hình thức trách nhiệm này đối với nhóm đối tượng là công dân, người lao động và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật quy định xử lý thì tất cả các đối tượng đều bị xử lý. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định này.
5. Hình thức văn bản của cộng đồng dân cư
Khoản 1 Điều 18 quy định: “Hình thức văn bản của cộng đồng dân cư được ban hành dưới hình thức văn bản là Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư”. Tuy nhiên, quy định trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư là chưa chính xác. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và chỉnh sửa như sau: Hình thức văn bản của cộng đồng dân được ban hành dưới hình thức văn bản là Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về hình thức văn bản thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản nêu trên của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tiễn của cộng đồng dân cư”.
6. Về các nội dung công khai
Điều 9, Điều 35 và Điều 45 có liệt kê các nội dung công khai tại xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị và trong doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, những nội dung thuộc bí mật nhà nước sẽ không được công khai. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa theo hướng loại trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước.
7. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng
Điều 29 dự thảo quy định về một trong các hình thức Nhân dân kiểm tra đó là thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo lại không có các điều khoản quy định về thẩm quyền thành lập, thành phần, cách thức hoạt động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này.
8. Về kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở Cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực của đảng; tổ chức chính trị - xã hội
Nội dung dự thảo quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ở cơ sở ngoài cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp còn có cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc của đảng; tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, tại dự thảo chưa có quy định việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở Cơ quan đảng, đơn vị sự nghiệp trực của đảng; tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, đề nghị bổ sung điều khoản quy định về nội dung này.
9. Về giao nội dung quy định chi tiết
Tại khoản 2 Điều 65 quy định về trách nhiệm của HĐND cấp xã “Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ trong phạm vi địa bàn cấp xã” ; Điều 69 dự thảo quy định thẩm quyền của UBND tỉnh: “Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn”. Tuy nhiên, đây là nội dung giao địa phương quy định chi tiết, nhưng quy định này khó triển khai thực hiện, vì giao chung chung, không chi tiết, cụ thể. Qua tham khảo ý kiến Bộ Tư pháp cho thấy địa phương quy định biện pháp để thực hiện thì cũng phải phù hợp với quy định của Trung ương. Những biện pháp trung ương đã có mà địa phương quy định lại thì không cần thiết và trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (văn bản không được quy định lặp lại văn bản trung ương), còn những biện pháp khác ngoài luật thì trái. Dó đó, nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định này