Mô hình “Hub and Spoke” trong thương mại điện tử xuyên biên giới (Phần 1)

20/06/2018 08:23

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

(Vietnam Logistics Review) Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thương mại thế giới. Từ xuất phát điểm gần như bằng 0 ở hai thập kỷ trước, đến cuối năm 2016, TMĐT xuyên biên giới ước tính đạt 1.920 tỷ USD trên toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khối lượng giao dịch lớn nhất thế giới, theo sau là khu vực Tây Âu và Bắc Mỹ.

Thách thức giao hàng trong TMĐT xuyên biên giới

Logistics cho các sản phẩm được cung cấp từ các cửa hàng trực tuyến là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng về việc mua hàng tại đó. Giao hàng và trả lại sản phẩm là một trong những vấn đề quan trọng nhất cho cả người mua và các cửa hàng trực tuyến. Với những DN nhỏ và vừa sẽ đặc biệt khó khăn khi vận chuyển các gói hàng qua biên giới và tới những vùng dân cư kém phát triển có mức độ tiếp cận thấp. Vì vậy, cần rất nhiều nỗ lực để tăng tính sẵn có của TMĐT cho tất cả khách hàng và DN, bất kể quy mô mua và vị trí của họ

Một vấn đề nữa là việc thiếu tiếp cận thông tin thị trường về các DN PEP (Bưu kiện, bưu điện và chuyển phát nhanh) đối với các dịch vụ sẵn có, nhà khai thác và giá cả. Nhiều DN chỉ biết một số nhà khai thác nhất định có dịch vụ mà họ có thể sử dụng. Điều này gây khó khăn với DN mới tham gia thị trường và giảm áp lực cạnh tranh trên các nhà khai thác, từ đó cũng làm hạn chế việc cải tiến chất lượng dịch vụ và giảm giá của các DN PEP.

Hiện tại, các DN trực tuyến bán sản phẩm ra nước ngoài phải chịu chi phí vận chuyển rất cao. Tùy thuộc vào quốc gia nhưng thường cao gấp 5 lần so với chi phí của một lô hàng thực hiện trong nước. Giá thấp hơn của sản phẩm không bù đắp đủ cho chi phí giao hàng làm nản lòng người mua từ nước ngoài. Đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại xuyên biên giới thông qua internet. Người tiêu dùng và DN nhỏ cho rằng vấn đề giao hàng giá cao ngăn cản họ tăng doanh thu hoặc mua hàng tại các quốc gia thành viên khác. Trao đổi ngoại tệ trong TMĐT có thể hoàn toàn khác nếu những chi phí này giảm đáng kể.

Ngoài chi phí giao hàng, một rào cản khác cho sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới là thời gian giao hàng. Đây là do khoảng cách giữa nhà cung cấp và khách hàng trong hầu hết các trường hợp là lớn hơn nhiều so với các chuyến hàng nội địa. Trong TMĐT xuyên biến giới, lô hàng thường phải trải qua các hoạt động bổ sung, đi qua một số lượng lớn các trung tâm và chi nhánh, kéo dài thời gian giao hàng.

Mô hình Hub and Spoke trong thương mại nội địa và xuyên quốc gia

Hoạt động phân phối hàng hóa của các công ty PEP dựa trên mô hình Hub and Spoke (H&S). Đây là một hệ thống được sử dụng cho việc phân phối hàng hóa có kích thước hoặc tải trọng nhỏ. Ngược lại với giao hàng trực tiếp, trung tâm được sử dụng để kết nối các địa điểm cá nhân nơi lô hàng đặt và nhận. Mô hình H&S cho phép giảm thiểu chi phí lưu trữ và chi phí vận chuyển cho các khách hàng cá nhân, mặc dù một lô hàng duy nhất có tổng khoảng cách vận chuyển dài hơn trong trường hợp giao hàng trực tiếp. Giải pháp này rất hữu hiệu cho một số lượng lớn các món hàng được đặt và nhận ở nhiều địa điểm khi phân phối trong cùng một quốc gia. (Hình 1)

Hình 1: Hệ thống phân phối sử dụng mô hình H&S trong cùng quốc gia

Hình 1 minh họa hệ thống phân phối sử dụng mô hình H&S trong một nước. Khi khách hàng A đặt một đơn hàng cho các sản phẩm được lựa chọn tại cửa hàng S. S sẽ chọn hàng, đóng gói và đặt hàng một dịch vụ chuyển phát nhanh từ công ty C. Công ty này sẽ thu thập vận chuyển và đưa nó đến đầu mối vận tải địa phương C1x. Tiếp đó, lô hàng cùng với các món hàng từ các thành phố lân cận và các chi nhánh trên cả nước được vận chuyển đến trung tâm Cx. Sau đó chúng được phân loại, sắp xếp và được vận chuyển bằng đường bộ (thường vào ban đêm) đến các chi nhánh địa phương. Trong trường hợp này, lô hàng của khách hàng A sẽ đến đầu mối địa phương C2x. Buổi sáng, lô hàng được chuyển phát nhanh từ chi nhánh địa phương tới giao cho khách hàng A. Như trong hình 1, khoảng cách di chuyển hàng trong mô hình này dài hơn nhiều so với kết nối trực tiếp từ điểm S đến điểm A. Điều này kéo dài thời gian giao hàng, nhưng giảm đáng kể chi phí đơn vị nhờ hợp nhất với các lô hàng đơn vị khác. Khách hàng phải đợi và nhận hàng ở ngày làm việc tiếp theo, nhưng bù lại, chi phí giao hàng thấp hơn hàng chục đến vài trăm lần so với trường hợp giao hàng trực tiếp.

Một vấn đề phát sinh với mô hình H&S đó là khi các tuyến đường có ít lô hàng được vận chuyển. Dung tích của phương tiện vận tải sử dụng ít làm chi phí vận chuyển đơn vị tăng đáng kể. Hơn nữa, trong trường hợp gói hàng nhỏ (điều này lại chiếm ưu thế trong TMĐT) tổng chi phí giao hàng tăng đáng kể khi lô hàng di chuyển qua nhiều đầu mối địa phương và các trung tâm. Sự phức tạp và tốn kém như vậy cũng xảy ra trong trường hợp vận chuyển qua biên giới.

Hình 2 mô tả lộ trình phân phối hàng hóa cho đơn hàng đặt của khách hàng A từ cửa hàng S trong trường hợp thương mại xuyên quốc gia với mô hình H&S.

Hình 2: Hệ thống phân phối sử dụng mô hình H&S giữa hai quốc gia

Ở đây trung tâm Cy được thêm vào để hỗ trợ cho thị trường ở hai quốc gia khác nhau. Mặc dù điểm A và S gần với nhau, khi sử dụng mô hình H&S thì các sản phẩm vẫn đi qua các điểm trong mô hình này và làm tăng tổng chi phí giao hàng. Do trong TMĐT xuyên biên giới (giữa hai quốc gia) có rất ít luồng hàng hóa giữa trung tâm Cx và trung tâm Cy, nên dung tích các phương tiện vận chuyển không được tận dụng hết. Ngoài ra, cước phí vận tải quốc tế cao hơn trong vận tải nội địa và sự cạnh tranh tương đối thấp trong giao hàng qua biên giới giúp các DN PEP có quyền thương lượng lớn. Tất cả đều làm cho chi phí giao hàng qua biên giới nhiều lần cao hơn phân phối trong nội địa. Điều này không khuyến khích khách hàng đặt hàng từ các cửa hàng trực tuyến nước ngoài và làm khó khăn thêm vấn đề về không gian vận chuyển hàng hóa. Do đó, giải pháp để vượt qua là phải giảm số lượng các hoạt động phân loại, xử lý và giảm chi phí giao hàng qua biên giới.

(còn tiếp...)


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mô hình “Hub and Spoke” trong thương mại điện tử xuyên biên giới (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO