Mở rộng không gian đô thị nhìn từ khu Tây - Bắc Đà Nẵng

26/09/2016 08:05

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cùng với việc phát triển mở rộng không gian đô thị theo hướng văn minh hiện đại, phương án xây dựng cảng biển quốc tế liên chiểu, di dời nhà ga đường sắt từ trung tâm thành phố ra phường Hòa Minh và xây dựng các dự án vệ tinh khác sẽ tạo cho khu vực Tây – Bắc Đà Nẵng trở thành một khu đô thị mới đầy sức hấp dẫn.

(Vietnam Logistics Review)Cùng với việc phát triển mở rộng không gian đô thị theo hướng văn minh hiện đại, phương án xây dựng cảng biển quốc tế liên chiểu, di dời nhà ga đường sắt từ trung tâm thành phố ra phường Hòa Minh và xây dựng các dự án vệ tinh khác sẽ tạo cho khu vực Tây – Bắc Đà Nẵng trở thành một khu đô thị mới đầy sức hấp dẫn.

Một thời xa cách

Hàng chục năm qua, Đà Nẵng đã xây dựng thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn và các trục đường kết nối đồng bộ, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ khu vực phía Đông - Nam thành phố. Nhưng khu vực phía Tây - Bắc, thuộc quận Liên Chiểu, mặc dù chỉ cách trung tâm hơn 5km và cũng là nơi đông dân cư nhất nhì Đà Nẵng vẫn nằm trong tình trạng dậm chân, cổ cựu.

Đường Nguyễn Tất Thành, ven biển thuộc khu Tây – Bắc Đà Nẵng

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do bất cập trong giao thông. Trục đường huyết mạch từ trung tâm thành phố đến khu vực Tây - Bắc là đường Điện Biên Phủ - Tôn Đức Thắng “bị” nút giao thông ngã ba Huế “án ngự”. Đây là điểm cực nóng mất an toàn và ách tắc giao thông kéo dài mấy chục năm ròng. Nút giao thông này là nơi giao cắt giữa tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường bộ ngay chính giữa ngã ba Điện Biên Phủ - Trường Chinh - Tôn Đức Thắng. Theo con số thống kê của ngành GTVT Đà Nẵng, mỗi ngày có đến gần 20.000 lượt ô tô, xe máy và gần 30 chuyến tàu khách, tàu hàng Bắc - Nam chạy qua phải đóng chắn. Tình trạng giao thông luôn bị dồn ứ, ùn tắc và tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra do va quệt giữa các phương tiện đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua đây. Vì vậy, “bên này bên kia” chỉ cách nhau một con đường ray tàu hỏa mà một thời khu vực Tây - Bắc Đà Nẵng như cách xa vời vợi với trung tâm thành phố cả về kinh tế, văn hóa, văn minh đô thị…

Chuyển biến từ cầu vượt ba tầng ngã ba Huế

Vào cuối tháng 3.2015, sau khi công trình cầu vượt ba tầng ngã ba Huế được hoàn thành đưa vào khai thác, và nhất là gần đây, cầu vượt này đã hoàn thiện việc kết nối với trục 1 Tây - Bắc, thì khu vực Tây - Bắc Đà Nẵng mới bắt đầu chuyển biến, thay da đổi thịt nhanh chóng.

Cầu vượt ngã ba Huế

Không gian đô thị được nới rộng nhờ xóa bỏ cách trở “bên này bên kia”; trung tâm thành phố cũng được “lan tỏa” ra cả một vùng đô thị mới. Ông Trần Thục Mai, một người dân từng sống ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng vào làm ăn tại TP.HCM từ năm 2014, nay có dịp về thăm thốt lên rằng, mình không nhận ra đây là khu vực ngã ba Huế - Hòa Minh của ngày trước nữa vì nó “thay đổi quá, hoành tráng quá”. Còn ông Nguyễn Văn Lành, người mấy chục năm sống trên đường Điện Biên Phủ, đoạn dưới chân cầu vượt ba tầng ngã ba Huế nói: khi có dự án xây dựng cầu vượt hầu hết các hộ dân ở đây đều không đồng tình vì lo nhà cửa, nơi kinh doanh buôn bán của họ bị “đẩy” xuống gầm cầu. Nay thì khác rồi, khu vực dưới cầu vượt giờ nhìn đẹp như một quần thể công viên. Những hộ còn sinh sống quanh đó vẫn kinh doanh buôn bán bình thường với nhiều mặt hàng như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, ăn uống, cà phê giải khát… “Ban đêm quán tui khách đến rất đông, vừa uống cà phê vừa ngắm cảnh cầu vượt về đêm rất thích”, chị Liên, một chủ quán cà phê “vọng cảnh” phía Bắc cầu vượt nói.

Hướng mở cho một khu đô thị văn minh, hiện đại

Từ cầu vượt ngã ba Huế xe chúng tôi chạy bon bon về hướng trục 1 Tây - Bắc, tuyến đường 4 làn xe có giải phân cách trồng cây xanh thẳng tắp, mát rượi. Hai bên trục 1 là các ô “bàn cờ” cho một trung tâm đô thị mới. Nhiều tòa nhà cao tầng đang “ồ ạt” xây dựng tạo sinh khí bước đầu cho một khu vực vừa được “đánh thức” này. Trục 1 Tây - Bắc cùng với đường Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Sinh Sắc, Lý Thái Tông, Kinh Dương Vương… kết nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông ven vịnh Đà Nẵng và toàn khu vực Tây - Bắc. Ông Phan Văn Phương, một người nhận đất tái định cư ở khu đô thị mới này nói lúc trước ở đây đất cát heo hút, đầm lầy hoang hóa ai cũng ái ngại, ông nói: “Giờ bộ mặt cảnh quan thay đổi, tạo một không gian thật đáng sống nên tui quyết định xây dựng cơ ngơi sinh sống, làm ăn ở đây”.

Đường Kinh Dương Vương, Khu đô thị mới Tây – Bắc Đà Nẵng

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng thì, ngoài việc mở rộng không gian đô thị, hiện nay thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng biển quốc tế Liên Chiểu, nằm ven vịnh Đà Nẵng thuộc khu Tây - Bắc thành phố, cùng nhiều dự án vệ tinh khác Đặc biệt phương án di dời ga đường sắt Đà Nẵng từ trung tâm thành phố ra phường Hòa Minh dự kiến cũng được thực thi trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2023. Ga đường sắt mới sẽ kết nối với Cảng biển quốc tế Liên Chiểu, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác.. “Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai phương án biến khu vực nhà ga trở thành một khu đô thị phức hợp. Nơi đây sẽ được mở rộng để thu hút các nguồn lực vào xây dựng kho tàng, logistics, trung tâm thương mại… mang đến cho khu vực Tây - Bắc bộ mặt văn minh, hiện đại, đúng theo chủ trương của lãnh đạo thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng không gian đô thị nhìn từ khu Tây - Bắc Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO