Một góc KCN VSIP thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An - Ảnh: VSIP Nghệ An
Sau hơn 13 năm thành lập (2007-2020), Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã và đang khẳng định rõ vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, rõ nét nhất là trong giai đoạn 2016-2020. Công tác thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả rất tích cực, bước đầu thu hút một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực phát triển; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp hằng năm đóng góp từ 10 - 12% tổng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động địa phương; thực hiện tốt các vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, một số khu chức năng không còn phù hợp; hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.
Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đến năm 2025 thực hiện điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha mặt đất và 10.000ha mặt nước biển), trong đó diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Nghiên cứu quy hoạch và thành lập Khu kinh tế cửa Khẩu Thanh Thủy với diện tích tự nhiên khoảng 21.500ha; Quy hoạch phát triển 10 đến 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha.
Giai đoạn 2021 – 2025, thu hút đầu tư 100 đến 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký. Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các Khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho người lao động khoảng 80.000 - 100.000 người. Tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 100%; đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất trong khu kinh tế được cấp giấy phép môi trường, các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xử lý chất thải (nước thải, chất thải) đạt tiêu chuẩn trước khi thải...
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 là khoảng 19.912,7 tỷ đồng.
Sau khi nghe Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam trình bày nội dung dự thảo Đề án, các thành viên UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An.