Theo thống kê của Chi cục Quản lý đường bộ 2.2, hiện nay trên tuyến Quốc lộ 7 có rất nhiều điểm sạt lở, trong đó, 12 điểm sạt lở taluy âm nặng và 20 điểm sạt lở taluy dương nặng gây tắc đường.
Đặc biệt, tại Km 219, đoạn qua bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) bị sạt lở ta luy âm ăn sâu vào lòng đường từ 1-2m. Hay như điểm dốc Chó (huyện Con Cuông) xảy ra sạt tới 19 lần, khối lượng sạt lên đến hàng chục nghìn khối.
Những ngày qua, Chi cục quản lý đường bộ 2.2 đã yêu cầu đơn vị quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo, phân luồng lưu thông 1 vệt ở các khu vực xảy ra sạt taluy âm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lên phương án khắc phục để trình lên Cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.2 cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, Chi cục Quản lý đường bộ 2.2 đã yêu cầu Công ty CP 495 (đơn vị quản lý tuyến) huy động hàng chục máy múc, máy đào... và tối đa nhân lực lên khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông đi lại.
Ước tính tổng thiệt hại về giao thông trên Quốc lộ 7 trong những ngày mưa lũ vừa qua là khoảng 35 tỷ đồng.