Mua sắm trực tuyến đắt hàng mùa dịch

Nhân dân|21/02/2020 08:54

(VLR) Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều người dân ngại ra đường hay những nơi tụ tập đông người như quán ăn, chợ, siêu thị,… nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn mua sắm trực tuyến

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lựa chọn mua sắm trực tuyến

Thay vào đó, không ít người đã chọn mua sắm trực tuyến để giải quyết nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của bản thân và gia đình. Có thể thấy, đây không chỉ là biện pháp mua sắm an toàn cho nhiều người mà còn là "lối thoát" cho hàng loạt nhà hàng, siêu thị, quán ăn,… tránh được cảnh ế ẩm do dịch bệnh kéo dài.

Ðơn hàng tăng cao

Ðối với chị Minh (nhân viên giao dịch một ngân hàng, trụ sở tại phố Ðội Cấn, Hà Nội), dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến đã trở thành "cứu tinh" trong suốt ba tuần nay kể từ lúc hai đứa trẻ nhà chị phải nghỉ học ở nhà. Cậu cả nhà chị năm nay học lớp 5, cô út học lớp 3 nên cũng đã đủ lớn để trông nhau, nhưng lại chưa thể tự lo việc cơm nước. Trong khi đó, chị Minh và chồng đều làm xa nhà đến gần chục cây số nên khó có thể trưa nào cũng đảo về nhà chuẩn bị cơm nước cho các con. Vì thế, chị Minh thường sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến để ship (vận chuyển) bữa trưa cho các con ở nhà. "Ðơn giản, chỉ cần hỏi bọn trẻ thích ăn gì, sau đó chọn và trả tiền là đồ ăn được chuyển đến tận nhà. Bọn trẻ con nhà tôi cũng vui lắm vì thường xuyên được ăn những món mình thích.

Không những vậy, hiện giờ cả văn phòng tôi cũng ít ra ngoài ăn trưa vì e ngại lây nhiễm dịch nên toàn rủ nhau gọi đồ ăn về tận nơi, vừa tiện lại an toàn", chị Minh chia sẻ. Anh Nguyễn Văn Tú, một lái xe chạy GrabFood (dịch vụ giao đồ ăn của Grab) tại Hà Nội cho biết: Những ngày qua, trong khi lượng khách đi Grab giảm hẳn vì ít người ra đường thì số đơn giao đồ ăn lại tăng mạnh. Nguyên nhân một phần mưa rét, nhưng chủ yếu do người dân sợ lây nhiễm, ngại ra quán tiếp xúc đông người nên thường gọi đồ ăn về văn phòng hoặc nhà. Trong khi đó, vì sinh viên vẫn đang nghỉ học, chưa lên Hà Nội nên số lượng shipper (người giao hàng) cũng giảm mạnh. Ðiều này đã khiến anh em shipper thường rơi vào tình trạng quá tải vì người ít đơn nhiều, nhất là vào những giờ cao điểm như giờ ăn trưa.

Trước tác động của dịch bệnh khiến người dân ngại đến những nơi đông đúc như quán ăn, nhà hàng, khách sạn,… cộng thêm đặc thù bán hàng trực tiếp nên doanh số của các ngành hàng thực phẩm và đồ uống chắc chắn sẽ khó tránh khỏi hiện tượng lao dốc, giảm mạnh. Theo Hà Trang, chủ cửa hàng trà sữa Bubble Tea trên phố Lò Ðúc (Hà Nội), thay vì cảnh cửa hàng luôn nhộn nhịp trước đây, dạo này lượng khách đến uống trực tiếp tại cửa hàng giảm rất mạnh. Tuy nhiên, bù vào đó là số lượng đơn hàng đặt mua qua mạng, giao tận nơi thông qua shipper lại tăng mạnh khoảng 30 đến 50%. Trong đó, thậm chí có nhiều đơn hàng đặt mua đến vài chục cốc để giao đến các công ty thay vì đến cửa hàng uống như trước đây. Có thể nói, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra lối thoát cho cửa hàng trong bối cảnh ế ẩm vì bệnh dịch hiện nay.

Ðẩy mạnh mảng kinh doanh trực tuyến

Không chỉ cửa hàng kinh doanh ăn uống, cà-phê,… mà các hệ thống siêu thị cũng đang đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến để phục vụ khách hàng trong mùa dịch. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart chỉ đạt khoảng 5 đến 10%, nhưng hiện tại, lượng khách hàng mua trực tuyến đang tăng mạnh. Hiện tại, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được "lên mạng". Ðể kích thích người dân mua sắm trực tuyến, Co.opmart sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá hơn 200 nghìn đồng. Còn theo đại diện hệ thống siêu thị Big C, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, Big C đang tăng cường các hình thức thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu.

Ðược biết, việc thúc đẩy, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến, huy động các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics cùng chung tay vào cuộc chính là một trong những kịch bản được Bộ Công thương đưa ra, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm mà vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh. Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết: Bộ Công thương đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với các cấp độ phát triển của dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng làm việc với các doanh nghiệp logistics, thương mại điện tử,… đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân. Ðây là một cách rất hữu hiệu để hạn chế tập trung đông người. Các trang thương mại điện tử cũng cho biết lượng giao dịch và đơn hàng cho các mặt hàng thiết yếu cũng đang tăng đột biến. Theo Giám đốc điều hành Shoppee Việt Nam Trần Tuấn Anh, một số mặt hàng tiêu dùng về lĩnh vực sức khỏe, sắc đẹp, hàng cho mẹ và bé đang tiêu thụ rất nhanh. Ðơn hàng tăng mạnh đòi hỏi khả năng giao nhận tốt cho nên Shoppee đang cố gắng phối hợp thật tốt với bên vận chuyển để bảo đảm mọi đơn hàng đều được giao đúng hẹn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đang gây ra cho nhiều ngành kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, nếu nhìn vào khía cạnh tích cực khác thì những biến động này đang giúp các dịch vụ trực tuyến thâm nhập nhanh hơn, sâu hơn vào đời sống, làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo ra những thách thức và cơ hội mới đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào thể hiện được sự linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh các mảng kinh doanh trực tuyến, chắc chắn sẽ có đủ sức vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra hiện nay. Riêng người tiêu dùng, cùng với sự nở rộ của những kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng nhanh, chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội mua sắm dễ dàng hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lựa chọn những trang mạng uy tín, có sự tương tác lẫn nhau trong việc mua sắm để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm trực tuyến đắt hàng mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO