Qua hai địa danh nổi tiếng
Ngã 3 Hàm Rồng là một ngã 3 đặc biệt, bởi có đường kết nối các tỉnh Tây Nguyên, có đường đi biên giới và ngọn núi Hàm Rồng với nhiều huyền thoại. Đây là một ngọn núi lửa kỳ vĩ, được xem là một di sản địa chất quý của Tây Nguyên. Núi Hàm Rồng còn có tên là núi Chư Hơ Đông hay núi Hòn Rồng, với độ cao hơn 1.000m. Có thể do miệng núi lửa nằm nổi trên bề mặt đất nên núi Hàm Rồng có những đặc tính như một miệng núi lửa dương, được ví như là nóc nhà của phố núi Pleiku.
Trông từ xa có thể thấy núi có nhiều hình thù khác nhau, lúc là hình thang, có lúc lại thấy một nửa hình tròn, còn nếu nhìn từ trên cao thì núi giống như một cái phễu khổng lồ. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia thả trái bưởi trên cái miệng phễu này thời gian sau đó, trái bưởi đó sẽ nổi trên mặt Biển Hồ.
Hàm Rồng mang đầy đủ những đặc tính của một núi lửa dương, nổi bật trên mặt đất, miệng núi lửa lõm sâu xuống dưới, mặc dù trên núi không hề có ao hồ gì nhưng cây cối ở đây quanh năm vẫn luôn tươi tốt. Cùng với Biển Hồ, núi Hàm Rồng là địa danh được mọi người thường nhắc tới khi đến với Gia Lai.
Từ ngã 3 Hàm Rồng, theo quốc lộ 19B tôi thẳng tiến biên giới. Đi được một đoạn thì gặp một vùng chè xanh mướt điểm xuyến những cây muồng vàng. Đây là vùng chè Bàu Cạn nổi tiếng với thương hiệu chè CATECKA. Địa danh Bàu Cạn xuất phát từ một hồ nước rộng khoảng 3ha nằm trước văn phòng Công ty Chè Bàu Cạn, cách quốc lộ 19B khoảng 100m.
Năm 1923, đây là đồn điền chè của người Pháp hình thành Công ty Nông nghiệp Chè và Cà phê tỉnh Kon Tum - An Nam (Compagnie Agricole Des Thés et cafés de Kon Tum-Annam, viết tắt là CATECKA). Nhân dân trong vùng gọi là đồn điền Ia Puch vì ở bên dòng Ia Puch - theo cách gọi của người Jrai, hay còn gọi là đồn điền Bàu Cạn - theo cách gọi của người Việt ở miền Nam Trung Bộ. Lâu dần, Bàu Cạn trở thành cái tên không chỉ gắn với đồn điền chè, mà còn là địa danh chỉ cả vùng đất quanh đó.
Vùng này rộng khoảng trên chục héc-ta nằm thoai thoải bên phía Tây đường, đối diện với triền dốc đang trải Nhìn ngắm không gian thoáng đãng với đồi chè lá non óng ánh chạy tít tắp ngút tầm mắt, có cảm giác như khung cảnh thiên nhiên của các nước châu Âu, nếu như ở triền thung lũng này có vài ngôi biệt thự nhìn ra phía hồ.
Với hệ sinh thái đa dạng, có bàn tay con người khai phá lâu đời, đặc biệt là hệ thống hồ, bàu vừa tự nhiên vừa nhân tạo đang hiện hữu tạo cho Bàu Cạn một diện mạo độc đáo có thể khai thác thành điểm du lịch hấp dẫn.
Xuân sắc biên cương
Từ Bàu Cạn, đi đến thị trấn Chư Ty - trung tâm huyện biên giới Đức Cơ - khoảng 40km. Từ Chư Ty lên Cửa khẩu
quốc tế Lệ Thanh thêm 20km nữa.
Thời chiến tranh, Đức Cơ là tên gọi một căn cứ biên phòng do quân Mỹ xây dựng năm 1965 với hệ thống lô cốt, hầm ngầm, sân bay khá kiên cố để bảo vệ vòng ngoài ở phía Tây Pleiku. Đến hôm nay, vùng “đất chết” năm xưa đã trở thành miền quê trù phú, dân cư đông đúc được phủ một màu xanh ngút ngàn của cao su và cây trái.
Ghé thăm Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, trao đổi với anh Trần Quang Thái - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu, tôi được biết, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh gồm các xã Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Nơi đây hội đủ các điều kiện hình thành khu phức hợp phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp,... từng bước trở thành đô thị biên giới.
Dự án Quốc môn được khởi công xây dựng tháng 8/2016, khánh thánh 19/4/2019 và một số hạng mục hạ tầng là một trong những dự án quan trọng ưu tiên đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đây là dự án hết sức quan trọng phục vụ hoạt động về ngoại giao, phương tiện qua lại tại khu vực cửa khẩu. Công trình Quốc môn tại khu vực này mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, thể hiện độc lập dân tộc và là biểu tượng tình hữu nghị, đoàn kết với nước bạn Campuchia.
Ngoài các công trình hạ tầng thiết yếu, điểm đặc biệt và được xem là biểu trưng tại khu vực cửa khẩu là công trình Quốc môn được thiết kế cách điệu theo biểu tượng nhà rông Tây Nguyên - nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Quốc môn giờ đây không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa, mà còn là biểu trưng gắn liền với sự phát triển, đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.
Rời Quốc môn trong chiều nắng hanh vàng, tôi nhớ những lời da diết, yêu thương từ những vần thơ trong Chiều biên giới của nhà thơ Lò Ngân Sủn:
“ …Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào đẹp hơn
Khi mùa đào hoa nở
Khi mùa sở ra cây
Lúa lượn bậc thang mây
Mùa tỏa ngát hương bay...”
Ở miền biên giới cao nguyên này, không có hoa đào dù trời đang vào xuân, chỉ toàn một màu vàng tươi của dã quỳ. Hoa nở lan tràn theo những con đường đất đỏ bụi mờ và leo lên những triền dốc, đồi núi.
Nhìn sự sinh sôi phát triển của rừng hoa dã quỳ không ngại nắng, không ngại gió, của vùng cao nguyên này, tôi nghĩ về những con người ở khu kinh tế cửa khẩu này như Trần Quang Thái. Họ không phải là lính, nhưng vẫn chọn biên cương để vun đắp, lan tỏa sự giao thương, gắn kết.