Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy về lĩnh vực cơ khí, điện tử ô tô, là thành viên của Hiệp hội Sửa chữa ô tô Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư ô tô TP.HCM, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đã chỉ ra những nhân tố chính gây hư hỏng máy móc thiết bị. Trong đó việc thiếu bảo trì bảo dưỡng thường xuyên là nguyên nhân hàng đầu gây ra hư hỏng. Bên cạnh đó người quản lý thiết bị và người vận hành thiếu kinh nghiệm, thiếu ý thức, chưa được đào tạo đúng cách để nhận biết và kịp thời đưa ra các phương pháp xử lý khi có sự cố dẫn đến hư hỏng nhỏ có thể thành hư hỏng lớn…
Từ những trường hợp cụ thể, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đã hướng dẫn các phương pháp quản lý máy móc thiết bị hiệu quả, hạn chế hư hỏng, giảm chi phí sửa chữa và tối ưu công suất hoạt động của máy. Ông cũng chia sẻ, hiện nay phần lớn các máy móc thiết bị được sản xuất phục vụ cho các nước phát triển, điều kiện về khí hậu, môi trường làm việc khác nhiều so với Việt Nam. Vì thế, khi máy móc thiết bị được nhập về cần xem xét điều kiện vận hành thực tế và điều chỉnh lại thời gian bảo hành, bảo dưỡng cũng như sử dụng loại nhiên liệu phù hợp. Máy móc thiết bị được quản lý tốt, có chế độ, kế hoạch bảo trì bài bản, định kỳ sẽ giúp giảm chi phí sửa chữa, tăng hiệu quả sản xuất, tăng tuổi thọ sử dụng của thiết bị…
“Với tốc độ phát triển của Đèo Cả và xu hướng chung là máy móc thiết bị tiên tiến dần thay thế lao động chân tay của con người. Nếu không có sự quản lý tốt thì chi phí sửa chữa có thể bằng hoặc thậm chí nhiều hơn chi phí đầu tư mới. Vì thế, dù có dùng phương pháp nào đi nữa thì con người vẫn là yếu tố quyết định, nếu có đủ kiến thức, ý thức giữ gìn, bảo quản thì máy móc sẽ ít hư hỏng và nâng cao tuổi thọ, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí sửa chữa rất lớn, máy móc vận hành trơn tru thì hiệu quả, năng suất lao động sẽ tăng”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng lưu ý.
Ông Khương Văn Cương - Tổng Giám đốc Tập đoàn đánh giá cao sự cần thiết của những lớp đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như thế này. “Thông qua đó, nâng cao ý thức, tay nghề của các lái xe, lái máy trực tiếp, tăng cường công tác tuyển dụng, tổ chức đào tạo thường xuyên và định kỳ, có các hình thức khen thưởng nóng cho những nhân sự lái xe lái máy mang lại hiệu quả công việc tốt”, ông Cương nói.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2025, Tập đoàn Đèo Cả thực hiện khối lượng công việc thi công xây lắp rất lớn, để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn này, Đèo Cả đã và đang đầu tư nhiều máy móc thiết bị, cụ thể năm 2022 đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để mua sắm hơn 500 thiết bị và năm 2023 tiếp tục đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để bổ sung thêm 400 đầu máy.
Hiện nay, Đèo Cả có hàng ngàn đầu máy, đòi hỏi công tác quản lý thiết bị cần được nâng cao, cách thức vận hành phải khoa học. Trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục tổ chức đào tạo kiến thức cho các kỹ sư, công nhân lái xe lái máy ở các dự án để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Đây là chương trình trong chiến lược đào tạo phát triển và nâng cao tay nghề cho công nhân, kỹ sư trong hệ thống Đèo Cả.