(Vietnam Logistics Review) Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 26.9.2015 - phiên thứ 3 của chuỗi Tọa đàm chủ đề nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao đã diễn ra sôi nổi với tên gọi “Nghiên cứu phát triển sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ Tự động hóa và Rô-bốt”, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (Hoa Binh Group) tổ chức, dưới sự Bảo trợ Thông tin của Tạp chí Vietnam Logistics Review (VLR) và được thực hiện bởi Công ty Truyền thông Kết Nối Việt.
Trong phần trình bày của PGS.TS. Vũ Hải Quân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AIlab) đề tài “Từ ngôi nhà thông minh đến thành phố thông minh”. Tại Tọa đàm, PGS.TS. Vũ Hải Quân đã thuyết phục mọi người khi cho thấy lợi ích và tính ứng dụng cao khi đưa mô hình thực tế với các công trình dân dụng cho tương lai. Ưu điểm của “những ngôi nhà thông minh” là tất cả các thiết bị về điện, độ an toàn, môi trường sống v.v… sẽ được tự động hóa và điều khiển bằng một máy tính được lập trình sẵn.
Ở phiên Tọa đàm này, PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng – Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Văn Hiến, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cũng đã nêu “Một số vấn đề về nghiên cứu phát triển các sản phẩm Tự động hóa và Rô-bốt”. PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng cũng điểm qua thực trạng nghiên cứu và những khó khăn trong việc đưa các nghiên cứu đến với thực tiễn cuộc sống; một phần cũng do các đề tài chưa được nhà nước quan tâm trong khi nhà khoa học rất cần nguồn kinh phí để nghiên cứu và thực hiện thí nghiệm ứng dụng.
PGS.TS. Vũ Hải Quân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM đang thuyết trình về Trí tuệ nhân tạo
Tiếp theo là phần trình bày của TS. Trương Đình Châu - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, với tên đề tài “Giải pháp về giám sát, kiểm soát và xử lý nước cho các nhà máy cấp nước”, đây là sản phẩm đã nghiên cứu thành công việc tích hợp, xử lý nguồn nước cho các khu công nghiệp từ hệ thống điều khiển và giám sát từ xa (được gọi là SCADA). Những kiến giải của TS. Trương Đình Châu đã tạo được sự quan tâm, thích thú và thảo luận nhiều từ các diễn giả, các chuyên gia và các thành viên trong Ban lãnh đạo Hoa Binh Group.
Các ý kiến được sự quan tâm nhiều nhất là các giải pháp xoay quanh việc áp dụng khoa học tự động hóa vào việc tiết kiệm chi phí quản lý, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị xây dựng cho Hoa Binh Group do PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM đề xuất.
PGS.TS. Nguyễn Mộng Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, Đại học Văn Hiến đang trình bày các vấn đề về thực tiễn nghiên cứu phát triển các sản phẩm Tự động hóa - Rô-bốt ở Việt Nam hiện nay
Ông Nguyễn Văn An – Phó Tổng Giám đốc Hoa Binh Group tâm đắc chia sẻ “Ở phiên họp này, chúng tôi rất tâm đắc với các nghiên cứu của các nhà khoa học, bởi tính ứng dụng thực tế rất cao, tuy nhiên, cần tách ra ở quy mô nhỏ hơn để nghiên cứu sâu một vấn đề nhằm đưa vào thực tiễn phục vụ cho công nghiệp và dân dụng hiệu quả hơn”.
PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn cũng nêu ý kiến muốn biết rõ hơn các yêu cầu về tầm nhìn, mức độ quan tâm và các lĩnh vực mà Hoa Binh Group đang hoạt động, nhằm giúp các nhà khoa học dễ đưa ra các hướng nghiên cứu ứng dụng cụ thể với nhu cầu của doanh nghiệp.
TS. Trương Đình Châu - Phó Chủ tịch hội Tự động hóa TP.HCM, Chủ nhiệm Bộ môn Điều khiển Tự động - Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM
Ông Nguyễn Văn An – Phó Tổng Giám đốc Hoa Binh Group đã cho biết: Tập đoàn Hòa Bình được thành lập ngày 27.9.1987, sau 28 năm hình thành và phát triển, hiện nay với tầm nhìn: “Phát triển Hòa Bình thành một tập đoàn kinh tế có quy mô quốc tế, lấy xây dựng làm trung tâm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa thương hiệu Hòa Bình trở thành niềm tự hào của ngành xây dựng Việt Nam.” Để làm được điều đó Tập đoàn Hòa Bình đã có những chiến lược đúng đắn cho sự phát triển lớn mạnh và bền vững cùng với sự nỗ lực không ngừng và sự đoàn kết của tập thể hơn 1.300 nhân viên để tạo ra giá trị cốt lõi cho thương hiệu Hòa Bình.
PGS.TS. Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM đang trao đổi, đề xuất với Ban Tổng Giám đốc Hòa Bình Group về phương thức, cơ chế hợp tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm Tự động hóa giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu
Mỹ Duyên - Xuân Đại
Ảnh: Phó Bá Cường