Ngồi lại bên sông

Hồ Sĩ Bình|11/07/2022 09:15

Sau mấy chục năm xa cách, lần đầu tiên tôi ngủ lại tại thị xã Quảng Trị. Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thạch Hãn, lòng không khỏi nhiều rung cảm khi trở về bên sông. Khi bắt đầu vào đại học, tôi vào Huế học, ấy là lần ra đi và không bao giờ trở lại nơi ngôi nhà cũ vì đã bị chôn sâu dưới gạch đá trường thành sau cuộc chiến tranh 81 ngày đêm Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đã bị bom Mỹ biến thành một núi gạch đá chẳng còn dấu tích nào.

Người ta gọi cái thị xã nhỏ như bàn tay con gái này là thành phố tuẫn đạo (ville marytin). Tôi ngỡ như mất hết quá khứ tuổi thơ. Lòng mênh mang bùi ngùi trong tâm cảm như câu thơ của Lý Bạch: Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu (Bóng buồm chìm khuất lẫn trong trời biếc/ Chỉ thấy trường giang vẫn chảy mau). Con thuyền tuổi thơ của tôi đã lênh đênh mù khơi nơi nào, nhìn lại chỉ một trời mây trắng…

song-thach-han-qua-thi-xa-quang-tri-tinh-quang-tri.-anh-nguyen-xuan-tu.jpg
Sông Thạch Hãn qua thị xã Quảng Trị - tỉnh Quảng Trị
Ảnh: Nguyễn Xuân Tư

Trong mấy đêm ở lại khách sạn Thành Cổ, hầu như đêm nào tôi cũng một mình ra bên sông. Con đường dọc sông này ngày ấy thật đẹp, trong tâm thức đấy là con đường thuộc về thế giới thơ mộng của học trò vì một hàng phượng dài từ trên cầu ga kéo đến chùa Tỉnh hội. Mùa hè phượng đổ lửa lên trời xanh một màu nông nổi mà da diết những nỗi niềm sâu kín. Trên con đường ấy, thời mới lớn kịp theo chân một cô bé nhặt hoa phượng để ép vào tập thơ chép tay và không nói được điều gì…

Đứng trước sự hoang tàn đổ nát của phố thị quê hương ngày ấy, vừa tiếc nuối, hụt hẫng vừa hoang mang, tự nhiên trong đầu lại vang lên một câu hỏi: Ta phải xây dựng lại thị xã Quảng Trị từ đâu… Và thực tế trong nhiều năm, Quảng Trị đã bằng mọi nỗ lực phát triển xây dựng một thị xã tâm linh nâng niu quá khứ. Thị xã đã được mở rộng, một chiếc cầu mới đã nối đôi bờ bên ni bên nớ gần gũi, thân thiết.

Thời gian thì cứ trôi, dòng Thạch Hãn cứ chảy chở theo bao dâu bể cuộc đời. Chuyện kể sau chiến tranh, có một người lính tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống trên sông. Hàng năm những ngày lễ trọng đã về lại, mua gom hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi kết bè chuối, thắp nến mang hoa thả trôi trên dòng sông để tưởng nhớ biết bao đồng đội một thời binh lửa nơi miền cát trắng gió Lào đã nằm lại giữa chiến trường. Máu xương họ đã thấm vào hồn thiêng sông núi, mãi mãi tuổi thanh xuân đã gởi lại giữa ngàn lau Thành Cổ. Người lính ấy là tác giả của một bài thơ đã đóng đinh vào trí nhớ và trái tim những ai đã trở về bên sông, cúi xuống thầm lặng để nghe sông kể chuyện nghĩa tình: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm… Hình ảnh ấy lay động tâm hồn của mọi người như một nỗi niềm bi diễm của ngàn hoa trên sông nước. Chính từ sự kiện ấy để sau này cứ đến những ngày lễ trọng, đều tổ chức lễ thả hoa đăng trên sông.

dai-tuong-niem-ben-trong-thanh-co-quang-tri-.-anh-nguyen-xua-tu.jpg
Đài tưởng niệm bên trong Thành Cổ Quảng Trị
Ảnh: Nguyễn Xuân Tư

Ngồi nói chuyện với tôi, một người bạn trẻ đang tham gia công tác quản lý thị xã không giấu được niềm hứng khởi khi nói về thị xã bên sông Thạch Hãn trong một góc nhìn hiện thực có tính chung thẩm rằng, “thực trạng của 50 năm sau chiến tranh, muốn phát triển, Quảng Trị đặt nặng vào hai lĩnh vực, đó là văn hóa lịch sử và giáo dục vì thị xã đang sở hữu rất nhiều di sản, di tích đặc thù chiến tranh, nghĩa là phải chú trọng đến văn hóa của người dân, ấy là cách ứng xử, thái độ và tấm lòng với những giá trị của “tài sản” mà mình đang sở hữu, anh ạ”. Dường như thấy tôi chưa hiểu rõ, người bạn trẻ giải thích: “Đó là xây dựng không gian văn hóa sống, người dân biết nâng cao giá trị của lịch sử, không chỉ trân trọng giữ gìn các di tích mà phải có một thái độ ứng xử đầy tính nhân văn, lòng yêu thương hướng đến khát vọng “tất cả vì một đô thị hòa bình”. Anh kể thêm, ví như việc trùng tu tôn tạo với Nghĩa Trũng đàn Thạch Hãn, một nơi quy táng những nắm xương vô chủ, đặc biệt là hơn 600 liệt sĩ, nghĩa quân Tây Sơn trong chiến thắng quân Thanh - Mùa Xuân Kỷ Dậu 17 đã vị nước vong thân. Đặc biệt năm nay, Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ Kỷ niệm 55 Ngày Giải phóng Quảng Trị và 81 Ngày đêm Thành Cổ… Chính quyền đã quyết định không thể cứ để một dòng họ Hoàng của làng Bích Khê ở Triệu Phong, từ đời này sang đời khác chuyên lo việc cúng tế và giữ gìn tôn tạo mà phải đứng ra cắt cử người trông coi mọi chuyện với lương bổng đàng hoàng, Nghĩa Trũng đàn Quảng Trị được đánh giá là Nghĩa Trũng liệt sĩ đầu tiên của nước ta… sẽ được xuất hiện với mọi người bằng một giá trị mới mang nặng tính nhân văn, nghĩa tình của con người Thành Cổ. Phong trào hoạt động dạy và học tại địa phương trong nhiều năm qua đã có những thành tựu, nhiều trường học được Bộ giáo dục tặng bằng khen đặc biệt là nhiều học sinh đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi của tỉnh, của quốc gia, giải thưởng Đường lên đỉnh Olympia… nhưng quan trọng hơn chính là giáo dục cho con em sống với tinh thần nhân văn, trách nhiệm với quê hương tạo được hình ảnh đẹp trước mắt mọi người.

Tôi tâm lĩnh một điều, lịch sử với những chứng tích của chiến tranh được nhìn lại, sống cùng bằng một tâm thế của một thị xã yêu chuộng hòa bình thể hiện ở cuộc sống yên bình của người dân. Du lịch Quảng Trị cũng sẽ mang một sắc thái, đặc trưng theo chiều hướng đó. Người bạn trẻ tự hào về một nét đẹp mà không phải nơi nào cũng có được: Không kể những ngày lễ trọng mà ngày nay cứ đến ngày 14 Âm lịch hàng tháng, cán bộ người dân đôi bờ đều thả hoa đăng như thắp lửa trên sông Thạch Hãn để tỏ lòng ngưỡng mộ sâu kính bằng một tình yêu vĩnh hằng với dòng sông đã đi vào huyền thoại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ngồi lại bên sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO