Khó khăn thanh khoản, cần tháo gỡ pháp lý tận gốc cho doanh nghiệp, cần cơ cấu lại nợ và hỗ trợ tín dụng để khách hàng không bị nợ xấu, cho phép đổi trái phiếu lấy bất động sản...là ý kiến được nhiều đại diện Bộ Xây Dựng, Bộ Tài chính, cùng với nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã kiến nghị nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.
Cần tháo gỡ pháp lý
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, GS. TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, “việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc của thị trường BĐS không chỉ là giải cứu bất động sản mà đó chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, đồng thời là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án BĐS dở dang”.
Thật vậy, cần giải quyết vấn đề pháp lý để các dự án bất động sản có thể tiếp tục triển khai. Chính những vấn đề tồn đọng cần giải quyết của pháp lý khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp bị phát sinh nhiều khoản ngoài kế hoạch. Các vướng mắc pháp lý đã tạo tâm lý bất an cho người dân, môi trường đầu tư, ngân hàng…và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp đầu ngành phát biểu “doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế”. Doanh nghiệp đang rất cần đầu mối tháo gỡ các khó khăn để giúp hoàn thiện các dự án bị “ách tắc pháp lý”, từ đó thực hiện các nghĩa vụ với khách hàng, với các nhà thầu, các chủ nợ nước ngoài và ngân hàng.
Cần có hành động kịp thời từ phía Chính phủ và Quốc hội
Theo ông Hoàng Văn Cường, những vướng mắc về pháp lý chủ yếu là do các quy định của pháp luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng cụ thể, làm cho các cơ quan quản lý e ngại, sợ vi phạm, không dám quyết định. Có những vướng mắc từ các quy định trong các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, song cũng có những vướng mắc do các quy định trong các luật khác nhau, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Nếu rà soát để chỉnh sửa hết các Nghị định hoặc chờ sửa xong các luật có liên quan thì sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí hàng năm sau thì sẽ quá muộn đối với tình huống cần hành động cấp bách hiện nay. Do vậy, để giải quyết kịp thời các vướng mắc pháp lý, cần có hành động kịp thời đồng bộ, kịp thời cả từ phía Chính phủ và cả từ Quốc hội.
Về phía Chính phủ, cần thành lập một Ban giải quyết xử lý các vướng mắc pháp lý từ Trung ương đến từng địa phương, đứng đầu cấp Trung ương là Thủ tướng Chính phủ. Đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND các địa phương, với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành để đưa ra quyết định xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý với 3 yêu cầu.
Một là, lựa chọn vận dụng một trong số các quy định của pháp luật có qui định liên quan đến vấn đề cần giải quyết.
Hai là, trong số các phương án có thể xử lý, thì phương án được lựa chọn quyết định được Ban đánh giá là phù hợp nhất trong bối cảnh tại thời điểm ra quyết định, đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của các bên có liên quan, những lợi ích mang lại được đánh giá là nhiều nhất, những thiệt hại nếu có được đánh giá là thấp nhất.
Ba là, công khai thông tin của quyết định lựa chọn cho mọi người dân được biết.
Về phía Quốc hội, cần thông qua một nghị quyết. Trước tiên là để xử lý ngay những vướng mắc, mâu thuẫn về các quy định pháp luật.
Tiếp đó, cho phép Chính phủ quyết định các biện pháp tức thời trong việc phát hành trái phiếu chính phủ mua lại các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp đối với các dư án quan trọng cần nắm giữ.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu công trình có chuyển đổi thành sản phẩm.
Cho phép Chính phủ quyết định lựa chọn vận dụng các quy định của pháp luật khi có các quy định không thống nhất, chồng chéo hoặc không rõ ràng, cụ thể.
Bên cạnh đó, cần cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng các dự án khi đã có giấy chứng nhận đầu tư (nhưng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản) trên nguyên tắc: Nhà nước sẽ định giá lại giá trị đất của dự án và phần giá trị chênh lệch từ giá trị đất đai tăng lên phải nộp vào ngân sách nhà nước.