Tiềm năng, dư địa Logistics Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy nội địa nhờ hệ thống sông dài 28.000 km; trong đó, 23.000 km có khả năng khai thác vận tải thủy, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP. Hồ Chí Minh đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố (tỉnh Trà Vinh) cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu; có 5 tuyến hành lang đường bộ nối ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ và cả nước cùng hệ thống cảng trải dài dọc trên sông Hậu, sông Tiền.
Nguồn hàng nông lâm thủy sản của khu vực rất dồi dào. ĐBSCL là vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước, chiếm 90% sản lượng gạo, 54% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng và dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, khiến việc vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL về các cảng tại Đông Nam Bộ để xuất khẩu tốn kém, mất thời gian và phức tạp; hệ thống kho lạnh, kho mát phục vụ nông, thủy sản còn thiếu và dự báo sẽ càng thiếu hụt hơn khi sản lượng hàng gia tăng trong thời gian tới.
Nếu hình thành được hệ thống đường cao tốc thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh tới Cần Thơ, Cà Mau, Châu Đốc (An Giang); luồng Định An được nạo vét; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL (tại thành phố Cần Thơ) đi vào hoạt động thì sẽ tạo ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ĐBSCL, đặc biệt là cho ngành logistics và cảng biển bứt phá.
Ngoài ra, việc nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối khu vực ĐBSCL với Campuchia và khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của khu vực đến thẳng châu Âu và Hoa Kỳ như thủy hải sản, nông sản,… giảm tải cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của hệ thống cảng nước sâu.
Để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, tập trung vào quy hoạch logistics toàn vùng, hoàn thiện thể chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư các dự án, tạo cơ chế cho nhà đầu tư thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải vùng ĐBSCL.
Song song đó, cần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics như đẩy mạnh đầu tư, tận dụng lợi thế sẵn có của phương thức vận tải đường thủy, cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng.
Đặc điểm, thực trạng và triển vọng Logistics Cần Thơ và Hậu Giang
Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng ĐBSCL với nhiều tiềm năng, có lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, tiềm năng phát triển du lịch,...
Tuy nhiên, nếu so sánh với yêu cầu về một trung tâm logistics của khu vực ĐBSCL thì hiện nay, Cần Thơ còn thiếu các điều kiện về cơ sở hạ tầng logistics, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, ổn định cũng như cơ chế liên kết vùng thiết thực với các trung tâm kinh tế như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngay các kết nối về vận tải, lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL khác cũng còn rất hạn chế, do đường bộ đang trở nên quá tải trong khi thiếu vắng đường sắt và đường thủy nội địa chưa khai thác được tiềm năng. Hệ thống kho bãi manh mún, mức độ áp dụng công nghệ thấp, chưa được liên thông, liên kết với nhau khiến tình trạng thừa/thiếu cục bộ liên tục diễn ra và tổng thể hiệu quả logistics thấp. Nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn việc đưa hàng trực tiếp về khu vực Đông Nam Bộ để xuất khẩu hoặc chế biến, thay vì lựa chọn Cần Thơ như một trung tâm logistics tại ĐBSCL.
Trong chương trình làm việc tại Cần Thơ, chiều 10/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, nghe báo cáo tình hình hoạt động và những khó khăn vướng mắc tại cảng Cái Cui và Tân cảng Cái Cui để nghiên cứu việc phát triển nơi đây thành trung tâm logistics của vùng ĐBSCL. Hiện nay, gần 20 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu của vùng phần lớn đi qua các cảng ở Đông Nam Bộ, gây tốn kém về chi phí, thời gian.
Một số khuyến nghị với Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ cần tận dụng triệt để những cơ chế, chính sách đặc thù đã được phê duyệt. Phát triển Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”; thu hút đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm nông thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đồng thời, hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Cần Thơ, bao gồm hệ thống kho lạnh, kho ngoại quan, ICD, hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu qua đường hàng không và đường biển; Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; dự án đầu tư, xây dựng tuyến đường kết nối Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và dự án cầu Ô Môn; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh.
Hậu Giang có những lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ vận tải, logitics như: Có vị trí chiến lược nằm trên tuyến lưu thông của Tiểu vùng tây sông Hậu, cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác. Hậu Giang còn là đầu mối kết nối giao thông quan trọng cả về đường bộ và đường thủy của vùng Nam Sông Hậu thông qua 6 tuyến Quốc lộ huyết mạch và 2 trục giao thông thủy quốc gia; đặc biệt là nằm liền kề với TP. Cần Thơ, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông lớn trong Vùng (như: Sân bay quốc tế Cần Thơ Bến cảng quốc tế Cái Cui, cảng nước sâu Trần Đề,...). Đồng thời, Hậu Giang được thừa hưởng nhiều thế mạnh về logistics, cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học - công nghệ,... từ thành phố kinh tế trọng điểm của khu vực Tây Nam Bộ là Cần Thơ.
Về nguồn hàng, Hậu Giang có vùng nguyên liệu dồi dào thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản. Nắm bắt, khai thác khá tốt tiềm năng, lợi thế này nên kinh tế của Hậu Giang đang chuyển mình từ vùng “dự trữ chiến lược” sang thành vùng “động lực mới” trong chuỗi sản xuất công nghiệp của vùng.
Tuy nhiên, phát triển logistics Hậu Giang còn một số hạn chế như quy hoạch chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng tầm, thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế để huy động vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển. Kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhất là hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu, chưa có nhiều quỹ đất sạch để tạo được lợi thế trong thu hút đầu tư, (tỷ xuất đầu tư cao). Quy mô hoạt động thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu còn nhỏ, xếp thứ 12/13 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Một số khuyến nghị với Hậu Giang
Hậu Giang cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch logistics để phát huy được lợi thế từ vị trí, điều kiện thuận lợi cả giao thông đường thủy, đường bộ và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Tập trung thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng về thương mại, hạ tầng logistics, hạ tầng công nghiệp. Đối với Hậu Giang, để thu hút được công nghiệp cần bám sát các trục giao thông mới, nhất là những tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh; chuẩn bị sẵn các phương án thu hút nguồn nhân lực ổn định cho hoạt động logistics.
Đặc biệt, cần tranh thủ các chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics với Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL khác và Đông Nam Bộ.
Nguồn: Báo cáo Bộ Công Thương