Những con số “biết nói”
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết sự việc xẩy ra vào khoảng 12 giờ 30 ngày 8/1/2019, tại Km 898+200 đèo Hải Vân (thuộc thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), tài xế Trương Anh Minh (48 tuổi, ở P.3 TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) điều khiến xe ô tô BS 51B - 229.30 đi theo hướng Đà Nẵng - Huế.
Xe chở 21 sinh viên lao xuống vực đèo Hải Vân
Tại hiện trường vụ tai nạn, chiếc xe chở 21 người lăn xuống vực cách khoảng 30m so với mặt đường. Tính đến chiều tối cùng ngày, các lực lượng chức năng, cứu hộ đã đưa những người bị nạn ra khỏi khu vực xe bị lật.
Cập nhật đến thời điểm này, tài xế và phụ xe chỉ bị thương nhẹ, 12 người bị xây xát, 1 người bị đứt lìa cánh tay trái, 2 trường hợp phải tiến hành mổ gấp, 2 trường hợp khoa ngoại bỏng, 2 trường hợp ngoại thần kinh, 1 bó bột chấn thương chỉnh hình, 1 số người bị gãy chân, gãy tay. Thông tin từ bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, 1 trường hợp tử vong.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng cho biết, xe khách BKS 51B-229.30 đăng kiểm lần gần nhất tại trung tâm 6501S – TP. Cần Thơ, hạn kiểm định còn đến ngày 8/2/2019. Trong khi đó, tài xế Minh khai nhận xe đang đổ dốc thì bị mất phanh. Tài xế đã cố cho xe tựa vào sườn núi, nhưng không được, sau đó đánh lái tránh xe ngược chiều, nên lao vào taluy và lăn xuống vực.
Không lâu trước vụ tai nạn thương tâm này, chiều 20/12, tai nạn xảy ra tại km 907+ 100 đường đèo Hải Vân (thuộc địa phận quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Xe bồn chở dầu BKS 38C -101.72 do tài xế Nguyễn Khanh (ở Hà Tĩnh) điều khiển theo hướng Bắc - Nam đã va chạm với một xe bồn chở dầu khác đi ngược chiều khiến xe anh Khanh lao xuống vực, bốc cháy. Vụ va chạm làm tài xế Khanh tử vong. Trên xe còn có một người khác là phụ xe đã kịp thời nhảy ra khỏi xe trước khi xe lao xuống vực nên chỉ bị thương.
Theo thống kê của Ban quản lý hầm Hải Vân thì ngoài hai vụ tai nạn gây thiệt hại về người nêu trên, năm 2017 có tới 15 vụ tại nạn, năm 2018 có 7 vụ tai nạn khác nhau trên đèo Hải Vân. Nguyên nhân hầu hết đều do đường đèo hiểm trở, xe mất lái tông vào hộ lan hoặc đâm vào xe đi chiều rồi lao xuống rãnh dọc, thậm chí lao xuống vực.
Hơn 21 triệu lượt qua hầm an toàn
Sau gần 5 năm xây dựng, ngày 5/6/2005 hầm Hải Vân chính thức đi vào hoạt động. Những người lái xe trên lộ trình Bắc - Nam chỉ còn mất 10-15 phút với đoạn đường hầm dài hơn 12 km thay vì mất gần 1 giờ đồng hồ vượt con đường đèo nếu không gặp bất kỳ sự cố nào.
Trong suốt 12 năm vận hành, Công ty CP Quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân đã thực hiện công tác quản lý, vận hành hầm, đảm bảo cho các phương tiện qua hầm Hải Vân được an toàn thông suốt.
Từ những thống kê đó cho thấy việc thông xe công trình hầm đường bộ Hải Vân nói riêng và các công trình hầm đường bộ vượt đèo nói chung đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông qua lại trên đoạn đường đèo hiểm trở, rút ngắn hành trình Bắc - Nam, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu hư hỏng phương tiện, đặc biệt là góp phần hạn chế những thiệt hại không thể lường trước do ách tắc, tai nạn giao thông xảy ra hàng năm so với đường đèo, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn.
Sau khi chấm dứt sứ mệnh thiên lý Bắc - Nam, đèo Hải Vân đã trở thành điểm đến thu hút nhiều tour tham quan. Tuy nhiên, đoạn đường bộ qua đèo Hải Vân vẫn là một trong những ngọn đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, dù được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thì đây vẫn luôn là cung đường nguy hiểm đối với các lái xe. Những cung đường vòng vo, uốn lượn bám theo sườn núi, những khúc cua gấp liên tục nối đuôi nhau có thể quật ngã bất kỳ chiếc xe nào mất cảnh giác.
Và, vụ tai nạn thương tâm trưa ngày 8/1/2019 là bài học không bao giờ cũ đối với lái xe qua đèo Hải Vân.