Những người yêu là những con đường
Gọi thăm thẳm một đời lãng tử…
Có thể có ai đó cho rằng câu thơ trên có vẻ bốc đồng, và như hơi sến nữa. Tôi thì không nghĩ thế. Thơ tức là người. Cho nên cái thước đo cho thơ một ai đó phải lấy chuẩn mực trước tiên là độ trung thực, nghĩa là thơ đó có phải là người đó không? Phải người đó chứ không phải của người đó. Điều đó có nghĩa là có những thứ thơ của mình và thứ thơ là mình. Dĩ nhiên, không có thứ thơ nào là mình mà không của mình cả. Còn thứ thơ của mình nhưng có là mình không, thì chưa chắc.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh là thơ của riêng anh, là sự bộc lộ đầy đủ nhất con người và tính cách của anh. Đó là sự thống nhất trong mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa tính cách mạnh mẽ, ồn ã, phóng túng, đầy bản năng nghệ sĩ của con người anh với sự đằm sâu, chứa chất những đăm chiêu dồn ứ của tâm trạng, sự nhạy cảm mang tính trực giác, sự chậm rãi trong khám phá và thưởng ngoạn, nhâm nhi những vấn đề mang chiều sâu nhân bản, chủ yếu bằng bản năng vô thức…để kết đọng thành thơ, một thứ thơ thuần tâm trạng và đẫm cảm xúc. Nếu không có thời gian và ít tiếp xúc với Nguyễn Đức Hạnh, thậm chí không phải là những người thân thiết, gắn bó với anh, thì không dễ/không thể nhận ra điều này.
Sinh ra ở một góc phố nghèo bên bờ sông Cầu, nơi có cái tên rất lạ: Bến Tượng. Ám ảnh về nơi chôn nhau cắt rốn đã theo nhà thơ đi suốt cuộc đời, trở thành ám ảnh trong những trang viết:
Mẹ sinh tôi
Cha chôn khúc nhau bên bờ sông Cầu
Người cùng hoàng hôn đổ bóng đầy bến Tượng
Cầu phao quằn quại qua sông…
(Bài hát của khúc nhau thai bên sông Cầu)
Hình như Nguyễn Đức Hạnh không thích ứng với sự bình lặng. Mặc dù tập thơ mới đây nhất của anh có tên là Khoảng Lặng [1]. Viết lời đề tựa cho tập thơ này, nhà thơ Võ Sa Hà- người bạn thâm giao của anh, đã có những nhận định hết sức chí lí: “Khoảng lặng là hành trình chìm sâu và đến gần hơn cái bản thể của chính mình.Đây chính là sự phi lí kì diệu và đầy xúc động của thơ ca. Khi người thơ càng tiến xa hơn trên con đường thơ thì càng quay gần hơn cái bản thể cô độc với những dằn vặt nhân văn của chính anh ta” [2].
Với Nguyễn Đức Hạnh, thơ thì đằm mà đời thì động. Một tuổi thơ sống ở “Ngã ba Đán” nơi có cây đa trăm tuổi với lũ trẻ cùng trang lứa nghịch ngợm, hiếu động và những trò chơi quỷ quái. Một tuổi thơ sống trong ngôi nhà âm u cạnh một bãi tha ma ngút ngàn bia mộ đã vô tình tạo nên ám ảnh về những điều được-mất, về lẽ sống-chết ở đời. Đó có phải là lí do Nguyễn Đức Hạnh hay chiêm nghiệm trong thơ, hay đối thoại với đối tượng trữ tình-thường là những thứ vô tri như dòng sông, cây đa, ngôi chùa, tháp cổ….?
Ta nhận ra trong tâm hồn nhà thơ một sự cô độc được ẩn giấu rất kĩ qua cái vẻ ngoài ồn ã. Ngoài đời, anh là người sôi nổi, dễ gần, một gã nhà quê chính hãng trong bộ dạng áo quần không mấy khi chải chuốt, không thoang thoảng nước hoa hay đỏm dáng, điệu đà như mấy ông trí thức tập tành làm thơ. Phong cách ấy dường như không mấy phù hợp với một phó giáo sư, tiến sĩ, một giám đốc, tổng biên tập của một nhà xuất bản lớn, nơi trung tâm văn hóa giáo dục của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Ấy vậy mà anh lại là người quảng giao. Người ta thích cái vẻ thật thà, dân dã ấy nên anh kết thân được với nhiều người. (Nhà xuất bản của anh xuất bản ngày càng nhiều đầu sách ngoài chất lượng công việc còn là cái tình của bạn bè dành cho anh).
Và hình như càng bận rộn anh lại càng làm được thơ, và làm thơ hay hơn. Thơ Nguyễn Đức Hạnh không phải thơ của ngày của buổi, của những đăm chiêu tư lự, của những trăn trở suy tư đeo đẳng, mà là thứ thơ bột phát hồn nhiên, là thứ thơ gọi mời từ vô thức, thứ thơ chỉ chờ người viết đặt bút là ào ra ngay. Cho nên, không thấy ở thơ anh những cầu kì, rắc rối, cách tân màu mè. Thơ anh là sự chen lấn của cảm xúc, sự đun đẩy xếp hàng của câu chữ mà thành thơ. Chẳng hạn, đây là thơ anh khi một mình đối diện với dòng sông:
Một mình với một dòng sông
Gửi tin nhắn tới cơn giông cuối trời
Chiếc ly rót bóng một người
Sủi tăm lời hứa, bỏng môi lời thề
(Một mình)
Đây là thơ khi anh đối diện với ngôi tháp cổ:
Một chùa, một tháp, một sư nữ
Đứng ngắm nhìn nhau giữa hoàng hôn
Tôi đang trôi hay thành tiếng mõ
Cứ lửng lơ mê giữa vườn thiền
(Cổ tháp)
Và đây là anh một mình trong đêm cuối năm:
Đêm cuối năm thắp nén hương trầm
Ngẫm đời mình cháy lên thành khói
(Khe khẽ đêm cuối năm)
Thơ anh là như thế. Anh cần một cái cớ để làm thơ. Đó là lí do thơ anh không sa vào miêu tả, phân tích, không khám phá sâu hơn bản chất của đối tượng trữ tình. Anh không tâm sự với dòng sông mà chỉ mượn sông để tâm sự với mình. Anh không hóa mình vào tháp cổ để hình dung, chiêm nghiệm về những trầm tích lịch sử mà lại tự cảm nhận mình đang phiêu du. Cũng vậy, thắp nén hương trầm không phải là ý thức hướng về nguồn cội trong đêm cuối năm, mà là ngẫm đời mình (ngẫm đời mình chứ không phải là ngẫm cuộc đời). Thế nên, có cảm giác, mỗi bài thơ của Nguyễn Đức Hạnh là một mảnh vụn của cái bản thể người- bản thể nhà thơ. Cái bản thể bị va đập, bị phá vỡ, đang lang thang trong trầm luân bể khổ, đang trầm mình trong kiếp tha hương và đang khát khao mãnh liệt được trở về, được đoàn tụ với chính những mảnh cái tôi còn lại của mình.
Khao khát ấy và sự không toàn vẹn đã hiện hữu qua động thái vấp, ngã trong thơ Nguyễn Đức Hạnh. Có cảm giác chưa thơ của bất kì ai trong cái gầm trời này nói nhiều đến vấp, đến ngã như thế. Anh vấp như một đứa trẻ tập đi, anh ngã như một con người dò dẫm trong đêm không ánh sáng. Vấp vào nỗi nhớ, ngã vào buồn thương, để lại những vết xước, những nỗi đau không giấu nổi: Sông đuổi theo tôi/Tôi đuổi theo em/Em đuổi theo cơn mơ khác/Đến ngã ba sông ngã vào ghềnh thác/Tôi ngã vào buồn thương (Ngẫu hứng sông Đà). Hay: Qua cầu hay vấp bóng/Ngã lòng vào dòng sông (Hỏi).
Không chỉ nhận ra mình hay vấp, ngã vào mơ hồ của kỉ niệm, của quá khứ chưa bao giờ lãng quên, Nguyễn Đức Hạnh còn cảm nhận được cái vấp, ngã của nhân tình thế thái, của những phận người khổ tủi. Đó là cái vấp ngã của một tiếng rao đêm rất cần một sự nương che, đồng cảm: Tiếng rao vấp ngã trên phố/bánh đau sao chẳng nói gì?/Có ai đỡ tiếng rao dậy/ Hồn tôi vịn mưa mà đi (Tiếng rao đêm). Đó là tiếng vấp ngã của những mùa đông trắng: Mùa đông xanh vấp vào núi đá/Ngã vào ruộng mạ non/Mùa đông tím vấp vào cánh cửa/Mắt góa phụ lướt qua mộ chồng về phía công viên (Mùa đông trắng). Đó là cái vấp ngã của bản năng thi sĩ trước cái đẹp: Người đẹp bay rợp phố/Tóc cuốn vào đa tình/Tôi đuổi theo cơn gió/Bỗng vấp vào bóng mình/Đêm say cùng Mỹ Lâm/ Ngã vào đôi mắt ấy/ Trong mưa gió tôi ôm/Một dòng sông đang cháy (Duyên muộn). Ngay cả trong hình dung về căn nguyên của một lần lỗi hẹn, nhà thơ cũng mường tượng đến vấp, đến ngã: Hay là em vấp phải đêm/Em va phải núi mà quên hẹn hò? (Sang năm đến hội người ơi). Tuy nhiên, phải thấy rằng những vấp, những ngã trong thơ Nguyễn Đức Hạnh không phải là (sự vấp váp đời thường) do nhà thơ là người hậu đậu, mà là hệ lụy tất yếu của sự khao khát, sự truy đuổi miệt mài trong hành trình kiếm tìm, khám phá và chiếm lĩnh cái đẹp. Bởi lẽ, cái đẹp luôn tàng hình trong cuộc sống, cái đẹp ẩn hiện như giọt sương mai, cái đẹp mảnh mai như làn gió chiều thu chỉ vừa đủ để thi sĩ nhận ra cái se sắt muộn màng rồi lại tan biến vào hư không. Với Nguyễn Đức Hạnh: Những tuyệt mĩ bao giờ cũng quá mong manh nên nhà thơ chạy theo là điều dĩ nhiên, vội vàng thì ắt phải vấp ngã. Có lúc nhà thơ đã phải ngừng lại, để tự cảnh tỉnh mình: Tìm một đời sự hoàn mĩ, vẫn tay không/Chợt nhìn lại, bàn tay không hoàn mĩ (Tìm), nhưng rồi anh lại miệt mài, hối hả đi tìm. Vấp ngã là đúng thôi khi mà trái tim hồn nhiên đong đếm và chứng kiến những va đập, khi mà: Lời yêu mới va vào lời yêu cũ/Đắm con đò mơ mộng dưới bến sông (tìm), khi mà: Chạm vào đâu cũng vỡ những muộn màng (Muộn màng)…
Thơ Nguyễn Đức Hạnh thường buồn. Điều này không lạ, bởi lẽ buồn luôn là bạn đồng hành của thi nhân. Song người ta thấy phần nhiều nỗi buồn trong thơ từ cổ chí kim là nỗi buồn cô đơn, cô đơn trước thế sự cuộc đời và cô đơn khi không tìm được những tâm hồn đồng điệu. Mỗi thi nhân là một ốc đảo của sự cô đơn. Hình như thơ Nguyễn Đức Hạnh buồn không phải vì sự cô đơn. Cô đơn là trạng huống của con người hiện tại, còn con người trong thơ Nguyễn Đức Hạnh là con người phiêu du về quá khứ, buồn nỗi buồn của quá khứ. Quá khứ là nỗi đau nhưng quá khứ cũng là liều thuốc đặc trị, là món ăn tinh thần để người thơ sống mà phiêu du, mà lãng tử. Trong hành trình phiêu du ấy Nguyễn Đức Hạnh gặp hai con người, hai người phụ nữ anh yêu nhất, hai người phụ nữ luôn hiện hữu và ám ảnh trong thơ anh đó là mẹ và em: Đi từ mái nhà của mẹ /Đến mái nhà của tôi/Hai người đàn bà tôi yêu thương nhất/Đợi hai đầu cuộc đời/Tôi thành sợi dây dài 1 mét 7/Nối hai ngậm ngùi (Mẹ và em).
Nguyễn Đức Hạnh là người đa tình, thì thi sĩ ai mà chẳng thế. Nhưng dẫu cho anh đã hơn một lần tự bộc lộ mình, rằng Những người yêu là những con đường/Gọi thăm thẳm một đời lãng tử thì cuối con đường ấy chỉ còn lại hai người phụ nữ đứng chờ anh, đó là mẹ và em. Mẹ và cả em nữa đều là những ẩn dụ của quá khứ, cho dù hai người đó vẫn đang sống hiện hữu cùng anh trong thực tại cuộc đời này. Nguyễn Đức Hạnh ngoài đời đôi khi ồn ã đến phóng túng, mạnh mẽ đến quyết liệt, nhưng trong thơ, anh lại rất hay yếu mềm. Đó là lí do anh mượn quá khứ, mượn kỉ niệm để bày tỏ suy nghĩ tâm trạng của mình trước hai người phụ nữ mà anh luôn yêu quý và trân trọng. Nhiều khi, anh phải mượn đêm để trang trải những điều ẩn giấu trong lòng, không dễ và không bao giờ nói ra được:
Tâm tư biển và thương nhớ sóng
Xô ào ạt về bao bờ bến
Đi trăm nơi cũng tìm về một chốn
Mái nhà mẹ ngói lành thương ngói vỡ
Tiếng mèo hoang cong cả dui mè…
(Thảng thốt lúc gần sáng)
Đó là mái nhà tuổi thơ anh, mái nhà đã chở che, nuôi nấng và bao dung tất cả những lỗi lầm của một tuổi thơ vụng dại. Ở đó có người mẹ Tóc trắng hóa sương bay buốt ngõ/ Nước mắt lăn thành sỏi nhỏ/ Đêm đêm đón gồng gánh mẹ về/ Bàn tay răn reo bẻ cọng rau buồn/Gãy thảng thốt từng đoạn đời heo héo. Không hiểu sao, tôi cứ đinh ninh đây là một trong những câu thơ hay nhất viết về mẹ, thực nhất và tài hoa nhất; không chỉ tả mà còn gợi, không chỉ gợi ra nỗi niềm người mẹ mà còn gợi cả những xót xa, sám hối rất mực chân thành của người con. Cảm nhận về sự phung phí của mình bên cạnh sự chắt chiu của mẹ, mới thấy vô nghĩa làm sao những đam mê tuổi trẻ: Mẹ gom lá đốt mỗi chiều/Con châm tuổi trẻ cháy vèo trên tay/Mẹ gom tiền lẻ bao ngày/Con đem mua một cơn say với đời (Mẹ). Một người mẹ chỉ biết: Lấy nỗi buồn làm củi/ Nấu cơm cho con ăn mỗi ngày. Ấy vậy mà phải đến hơn 50 tuổi, nhà thơ mới nhận ra và thấm thía sự hy sinh lặng thầm ấy. Nghĩ mà không dám nói, nghĩ mà phải viện đến thơ, phải Thảng thốt lúc gần sáng mới nói ra được.
Viết về người vợ cũng vậy, Nguyễn Đức Hạnh chưa bao giờ dám thổ lộ điều gì ngoài thơ, rằng anh biết ơn và yêu thương vợ, rằng anh ân hận với những va chạm bát đũa thường ngày, đôi khi vì những điều nhỏ nhặt. Đôi khi sự kiêu hãnh đã làm lòng tự trọng bị tổn thương, nó nới rộng hơn cái khoảng cách vô hình giữa hai trái tim có cả hạnh phúc và đau khổ, cả mật ong và thuốc độc. Nguyễn Đức Hạnh đã dũng cảm đối diện với điều đó, không hoa mĩ khoa trương một cách sáo rỗng, không sám hối ăn năn bằng cách cầu kì câu chữ,. Anh thú nhận: Một hàng rào vô hình sừng sững/ Dù không ai muốn/Có cả mật ong và thuốc độc tẩm lên hàng rào/ Có hai trái tim ngắm nhau qua đó/rồi khóc òa không biết trốn vào đâu/ Hai trái tim đã nâng niu nhiều lắm/ Sao tình yêu như tóc rụng trên đầu (Hàng rào thời gian). Hạnh phúc, đôi khi, đơn giản chỉ là sự thấu hiểu. Có một điều, nhà thơ thường nhạy cảm với cái vô biên của đất trời nhưng nhiều khi lại vô tâm ở chính ngay ngôi nhà của mình. Dẫu sao, nhận ra mình vô tâm cũng là một sự trân trọng người khác, cũng là một nét đáng yêu rồi.
Thơ không ý thức
Thơ Nguyễn Đức Hạnh tài hoa bởi câu chữ nhưng nhiều khi, lại đuối về bố cục. Nói cách khác, anh tài hoa ở câu thơ chứ không phải tài hoa ở bài thơ. Điều này dễ hiểu. Nguyễn Đức Hạnh làm thơ như một kiểu chớp lấy, thơ anh là sản phẩm của một phút thăng hoa tâm hồn khi bắt gặp, nhận ra một sự đồng điệu. Anh không có thời gian, và nhất là, không chú tâm vào gọt rũa bài thơ, để làm sao cho tròn, cho đọng. Đơn giản, anh làm thơ như là một nỗ lực đuổi theo cảm xúc và tâm trạng, đuổi hối hả miệt mài nên mới vấp, mới ngã. Nhưng khi anh bắt được, thì đó là khi những câu thơ tài hoa ra đời. Có rất nhiều câu như vậy. Chẳng hạn, đây là hai câu thơ trong Ngẫu hứng sông Đà: Sông Đà chảy ngược vào tôi/Uống cho chết đuối những lời lặng im.
Tôi cam đoan đây là những câu thơ hoàn toàn bản năng, bởi nó bật ra một cách không tô vẽ, không đẽo gọt, nhưng điều quan trọng là nó hay một cách hoàn toàn tự nhiên, nó thấm một cách hoàn toàn tự nhiên vào tâm hồn và tình cảm của người đọc. Nó đồng nhất với con người anh, con người bản thể. Cũng vậy, nghĩ về những tiếc nuối tình yêu thời tuổi trẻ, nhà thơ nuối tiếc mà không mong ước trở lại, bởi lẽ: Em không đến chắc tôi còn đau khổ/ Nhưng hình em sẽ đẹp đến trọn đời (Âm bản). Ở anh, dấu hiệu tuổi già không phải là những sợi tóc trắng, những hoài niệm triền miên về quá khứ, mà là những hành động, những cảm nhận khác thường rất khó nhận ra. Chẳng hạn, cái cách hành xử khác lạ: Hay ra bờ sông không ngắm bè xuôi/Sợ những lời khen sợ chỗ đông người.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh không có sự ngắt nghỉ rành mạch của cảm xúc, không có dấu hiệu can thiệp của kĩ năng làm thơ, mà đôi khi, nó mặc cho dòng cảm xúc chế ngự, lấn lướt, buông thả, trôi dạt đến tận cùng. Nhà thơ chấp nhận làm một cuộc viễn du: Lấy thơ làm thuyền xuyên qua dâu bể/Đậu bến kinh kì mở quán lieu xiêu/Bán gió cho bão lãi được cơn mưa/Mua giấy mua mực không đủ làm thơ/ Bán đợi cho yêu, ngậm ngùi cho nhớ/ Bán bao dang dở cho người trắng tay…(Hà Nội em). Bài thơ không rõ cấu tứ, ngôn từ trôi đi một mớ hỗn độn, thế mà thành thơ, thành một thứ thơ không thể kiểm soát được bằng lí trí, và trở thành món độc, lạ, món khoái khẩu của người làm thơ và yêu thơ. Tiết chế cảm xúc có thể tạo nên những bài thơ chặt chẽ và tỉnh táo. Nhưng tỉnh táo và chặt chẽ nhiều khi lại không phải là phạm trù của thơ.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh là thứ thơ không ý thức. Cho nên, nếu được chọn một câu để làm đề từ cho bất cứ một tập thơ nào của anh, tôi vẫn cứ chọn câu thơ này: Những người yêu là những con đường/ Gọi thăm thẳm một đời lãng tử…
Chú thích:
[1] Nguyễn Đức Hạnh, Khoảng lặng, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015
[2] Võ Sa Hà, Đọc và ngẫm về Khoảng lặng, Lời tựa tập thơ Khoảng Lặng, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2015