Âm nhạc cổ điển – nền tảng khai mở trí tuệ trẻ

Âm nhạc cổ điển khá trừu tượng! Đây là dòng nhạc không lời, vốn được mệnh danh là âm nhạc bác học, và chưa thực sự gần gũi với người dân Việt Nam. Lịch sử âm nhạc đã cho thấy rằng dòng nhạc này là di sản tuyệt diệu mà những nhà soạn nhạc thiên tài đã để lại cho nhân loại qua bao thế kỷ. Ngoài việc không thể phủ nhận những giá trị quý báu của âm nhạc cổ điển, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã rất coi trọng và đưa dòng nhạc này vào chương trình giáo dục chính thống cho học sinh từ lứa tuổi mầm non đến hết phổ thông trung học. Có thể khẳng định rằng âm nhạc cổ điển chính là nền tảng kiến thức và thẩm mỹ âm nhạc, giúp bồi dưỡng tâm hồn và khai triển trí tuệ cho học sinh các cấp.

Thực hành âm nhạc cổ điển đòi hỏi kỹ năng, kiến thức âm nhạc và trình độ biểu diễn cao, với phong cách trang trọng, chuẩn mực và được chăm chút đến từng chi tiết. Nếu chúng ta quan tâm tìm hiểu và tra cứu các tài liệu khoa học, sẽ thấy rõ những tác dụng tuyệt vời của âm nhạc cổ điển đối với con người, đặc biệt là với trẻ em và các bạn trẻ như chúng tôi.

Những năm gần đây, tại các phòng hòa nhạc và nhà hát ở các thành phố lớn trong cả nước, đã có nhiều chương trình âm nhạc cổ điển với giai điệu đẹp, dễ cảm nhận và dễ hiểu nhằm góp phần giáo dục âm nhạc. Đặc biệt, âm nhạc cổ điển dành cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

Việc mang đến các chương trình nghệ thuật chất lượng cùng những nỗ lực của các nghệ sĩ biểu diễn và người tổ chức chương trình, với trọng tâm là âm nhạc cổ điển, là điều rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng.

amcd-27.jpg

Chúng tôi bước vào năm học mới đầy hứng khởi sau một mùa hè với nhiều hoạt động và các chuyến đi nhiều ý nghĩa, đặc biệt là cơ hội thưởng thức các chương trình nghệ thuật cổ điển, bán cổ điển dành cho giới trẻ qua các hình thức biểu diễn như: độc tấu, hòa tấu, hát cổ điển, hợp xướng, và nhạc kịch hiện đại (Broadway)… tại các địa điểm như Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình, Khán phòng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình đầu tiên rất ấn tượng mà chúng tôi được xem là concert The Love within – một chương trình hòa nhạc dành cho thính giả trẻ tại phòng hòa nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi say sưa trong giai điệu của hai bản hòa tấu mở đầu chương trình Sóng sông AmurLe Beau Danube Blue với tiếng đàn mandolin réo rắt, uyển chuyển của dàn nhạc Saigon Mandolin Guitar Orchestra.

Thật không khỏi xúc động mỗi khi nghe bản Nocturne của Chopin hay Waltz No. 2 của Shostakovich. Ngất ngây trong giai điệu thiêng liêng, tha thiết và trong sáng của bản thánh ca Ave Maria của Caccini qua tiếng hát của nghệ sĩ soprano Khánh Trang cùng tiếng đàn piano của nghệ sĩ Cổ Tấn Thu Hương. Hay cảm nhận tiếng kèn bay bổng trong phong cách phóng khoáng, trẻ trung của nghệ sĩ saxophone Quách Tiến Dũng trong tác phẩm Chau Paris.

Từ concert Hạt dẻ đến Shrek the musical, những trải nghiệm âm nhạc đỉnh cao

Với đêm concert Hạt dẻ của Saigon Choir, chúng tôi đã có những trải nghiệm đầy mới lạ và khó quên với thể loại hợp xướng. Đây là một sự phối hợp chắc chắn, nhịp nhàng và bùng nổ giữa âm thanh và những chuyển động trên sân khấu, giữa các bè và giọng hát solo. Chỉ có giọng hát hòa cùng giọng hát, thật tuyệt vời làm sao! Sự hòa quyện hoàn hảo của các giọng hát solo cùng với dàn hợp xướng đầy màu sắc từ các loại giọng cao, trung và trầm, kết hợp với màn biểu diễn cuốn hút và đầy ấn tượng dưới sự dẫn dắt tài tình của chỉ huy hợp xướng Huỳnh Quang Thái.

Có thể nói concert Hạt dẻ đã đưa người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ những tác phẩm quốc tế như: Fajar dan Senja, Hela Rotane, Cikala le Pong Pong của tác giả Ken Steven; Sleep của Eric Whitacre; Remember Me (trích từ phim Coco) của K.A. Lopez & R. Lopez, chuyển soạn bởi Efraime Mallari; Deliver Us, When You Believe của Stephen Schwartz và đặc biệt là Queen of the Night của Whitney Houston & Lani Misalucha, chuyển soạn bởi Ily Matthew Maniano. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc của Việt Nam được chuyển soạn cho hợp xướng, từ những bản dân ca quen thuộc như Bèo dạt mây trôi, đến những ca khúc nghệ thuật đậm bản sắc dân tộc như Đất nước lời ru của Văn Thành Nho và Ru con của Trần Mạnh Hùng. Mỗi tác phẩm như một dòng chảy âm thanh hòa quyện, lúc mềm mại uyển chuyển, lúc rực rỡ bùng cháy, và rồi lắng đọng lại trong tâm hồn người nghe.

Có lẽ chương trình để lại ấn tượng lớn nhất với chúng tôi là Shrek the musical. Đạo diễn: Mr. Jesse Donaldson Jarret; Giám đốc nghệ thuật: Nicolas Gentile; Kịch bản: David Lindsay-Abaire; Nhạc và lời: Jeanine Tesori. Vở nhạc kịch này đã mở ra một thế giới cổ tích đầy mới lạ, độc đáo và thú vị. Câu chuyện tình yêu đẹp đẽ vượt qua ranh giới khác biệt của chằn tinh Shrek và nàng công chúa cá tính, ngỗ nghịch Fiona. Dù tưởng chừng như có quá nhiều điểm khác biệt giữa họ, nhưng cuối cùng họ lại hòa hợp với nhau một cách kỳ diệu, mang đến bài học sâu sắc: tình yêu có thể xóa tan mọi khác biệt và đưa hai con người lại gần nhau hơn.

Có thể nói, Shrek the musical đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn mãn nhãn, đầy cảm xúc và thăng hoa.

Âm nhạc, hành trình khám phá và nuôi dưỡng tâm hồn

Tôi thực sự hạnh phúc mỗi khi ngồi trong khán phòng của nhạc viện, giữa không gian trang trọng của các nhà hát, để thưởng thức và lắng nghe những giai điệu âm nhạc cổ điển tuyệt vời bằng thanh âm sống động. Tôi cảm thấy mình được hòa mình vào âm nhạc, được trải nghiệm và tiếp nhận cảm hứng từ ước mơ, tình yêu thương con người và cuộc sống. May mắn lớn nhất trên con đường học tập âm nhạc của tôi là có cơ hội được học với hai người thầy lớn tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Đó là Tiến sĩ, Giảng viên Thanh nhạc Khánh Trang, người dạy thanh nhạc và kiến thức âm nhạc cho tôi, và nghệ sĩ piano Cổ Tấn Thu Hương, người dạy tôi chơi đàn. Ca hát và chơi đàn piano đã giúp tôi rất nhiều trong việc giải phóng các áp lực trong việc học tập ở trường phổ thông, đồng thời giúp tôi khám phá bản thân và phát triển những kỹ năng cần thiết.

de-cho-ts-khanh-trang-va-co-tan-thu-huong-tieng-viet.jpg

Với những kiến thức âm nhạc mà tôi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ những người thầy tuyệt vời, cùng với năng khiếu âm nhạc mà tôi thừa hưởng từ gia đình – từ bà ngoại, mẹ tôi, và những người thân trong gia đình – tôi luôn ấp ủ giấc mơ được sánh vai cùng bạn bè quốc tế để tiếp tục con đường học tập và rèn luyện âm nhạc tại những quốc gia có nền âm nhạc phát triển, nhằm thực hiện những hoài bảo về âm nhạc của mình.

Cho đến nay, âm nhạc cổ điển vẫn chưa được đưa vào chương trình giáo dục ở các trường công lập, điều này thực sự đáng tiếc. Chúng ta đã bỏ qua hai lĩnh vực quan trọng có thể góp phần định hướng giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, trang bị kiến thức âm nhạc và khơi nguồn sáng tạo cho giới trẻ, đó là âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc.

Và tôi cũng mơ rằng trong tương lai, tôi có thể giúp các em nhỏ làm quen và cảm thụ âm nhạc cổ điển kết hợp với âm nhạc trẻ, âm nhạc truyền thống và âm nhạc dân gian đương đại của dân tộc. Điều này sẽ giúp các em tránh khỏi những dòng nhạc hỗn tạp, nhạc chế và nhạc thị trường rẻ tiền đang tràn lan trên các mạng xã hội, đồng thời mang đến cho các em những giây phút thưởng thức âm nhạc thú vị, giúp tâm hồn tươi sáng và phong phú hơn.

Âm nhạc cổ điển không chỉ là di sản quý báu của nhân loại mà còn là công cụ tốt đẹp để nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ. Dù còn xa lạ với phần lớn công chúng Việt Nam, nhưng những trải nghiệm âm nhạc cổ điển đã và đang mang lại cho thế hệ trẻ những giá trị thẩm mỹ và cảm xúc sâu sắc. Việc đưa âm nhạc cổ điển vào giáo dục chính thống là cần thiết để giúp học sinh phát triển toàn diện và nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật, đồng thời tạo nền tảng cho những ước mơ vươn xa trong tương lai.

Bài liên quan
  • Đỗ Thu Hằng, ru vách đêm trong giấc tự trào
    Vách Đêm mang đến đọc giả một sự dẫn dụ vi tế. Nơi sâu thẳm địa đàng, không cần mỹ từ, lời thơ dịu dàng trong veo, ca từ thuần khiết như con người thật của nhà thơ...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Âm nhạc cổ điển cho giới trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO