Nỗ lực kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa

Báo Hải quan|28/10/2019 08:20

(VLR) Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới năm 2019 của Việt Nam lên từ 3-5 bậc. Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp.

Giám sát phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu

Giám sát phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu

“Chỉ số khó nhằn”

Báo cáo Môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thường niên từ năm 2001 đến nay trên toàn thế giới. Trong đó “Giao dịch thương mại qua biên giới” là một trong 11 chỉ số đánh giá. Theo Tổng cục Hải quan, chỉ số này đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Năm 2018, chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam xếp hạng 100.

Theo phân tích chi tiết về thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới của đại diện WB tại Hội nghị “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” (tháng 7/2018), thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan Hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập khẩu, 4% đối với hàng xuất khẩu trong tổng thời gian thực hiện các thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới. Mặt khác, chi phí liên quan đến kiểm tra hải quan và chi phí thuê môi giới hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập và 10% đối với hàng xuất trong tổng chi phí thực hiện các thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới.

Trong khi đó, phần thời gian và chi phí còn lại thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và cơ quan hữu quan khác như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp vận tải, Logistics… Riêng chi phí xếp dỡ, lưu kho tại cảng và chi phí Logistics chiếm đến 64% đối với hàng nhập, 63% đối với hàng xuất.

Như vậy, có thể thấy “Giao dịch thương mại qua biên giới” là một trong những chỉ số khó và phức tạp nhất, liên quan đến nhiều bộ, ngành và nhiều đơn vị liên quan.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Thời gian qua, triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ Tài chính đã nghiêm túc đề xuất và chủ động triển khai hàng loạt giải pháp.

Cụ thể, ban hành Quyết định số 90/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP. Trong đó, nêu rõ các nhiệm vụ, các hoạt động cần phải thực hiện; phân công chi tiết cho từng đơn vị; thời gian hoàn thành cho từng hoạt động và yêu cầu báo cáo tiến độ theo từng quý…

Bộ Tài chính cũng đã chủ động nghiên cứu, công bố tài liệu về phương pháp đánh giá chỉ số của WB; tạo lập kênh thông tin để cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu về chỉ số cho các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan.

Bộ Tài chính nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện “Kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021”; trong đó nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện; các giải pháp, nhiệm vụ do Bộ Tài chính kiến nghị và phối hợp các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện.

Kế hoạch tập trung triển khai 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí bốc xếp, lưu thông hàng hóa tại kho, bãi, cảng; nâng cao chất lượng, giảm thời gian và chi phí vận tải; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu.

Có thể nói, với vai trò Cơ quan Thường trực, thời gian qua, cơ quan Hải quan (Bộ Tài chính) đã rất nỗ lực trong triển khai các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa và đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, như đề cập ở trên, “Giao dịch thương mại qua biên giới” là chỉ số rất phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, vì vậy để đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ là năm 2019 tăng từ 3-5 bậc, cần có sự tham gia tích cực, nỗ lực, cố gắng của tất các các cơ quan, đơn vị liên quan, bao gồm: Cơ quan quản lý chuyên ngành; UBND các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng; các doanh nghiệp Logistics; doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Đơn cử như việc thực hiện NSW, ASW và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Đây là những giải pháp có ý nghĩa quan trọng để giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa và cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai của các bộ, ngành liên quan vẫn còn khá ì ạch.

Năm 2019, mục tiêu của Ủy ban 1899 đặt ra là nối 61 thủ tục hành chính mới vào NSW. Nhưng tại cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban diễn ra mới đây cho thấy, hết tháng 7, các bộ, ngành mới kết nối được 16 thủ tục. Như vậy, 5 tháng cuối năm còn tới 45 thủ tục phải kết nối. Trong đó, riêng 3 bộ: Bộ Y tế còn 14 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 thủ tục và Bộ Quốc phòng 8 thủ tục, chỉ riêng 3 bộ nêu trên chiếm đến 75% số thủ tục phải kết nối.

Đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể từ cơ quan chuyên môn nhưng theo quan sát của phóng viên, số lượng kết nối từ tháng 7 đến nay cũng chưa đáng kể, không ít thủ tục vẫn đang ở giai đoạn kết nối thử nghiệm.

Hay lĩnh vực KTCN, năm 2015, có 13 bộ, ngành ban hành danh mục 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý, KTCN. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số lượng nhiều nhất với 65.185 mặt hàng, chiếm gần 79% tổng số lượng của cả nước. 5 bộ khác có số lượng mặt hàng quản lý, KTCN từ một nghìn trở lên vào thời điểm đó là: Bộ Y tế (5.730); Bộ Công Thương (5.096); Bộ Khoa học và Công nghệ (3.434); Bộ Giao thông vận tải (1.433); Bộ Thông tin và Truyền thông (1.034).

Tuy nhiên, đến giữa năm 2019, tổng số lượng mặt hàng quản lý, KTCN còn 70.087, giảm 12.600. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị có số lượng giảm nhiều nhất với 7.623 mặt hàng…

Qua những minh chứng nêu trên có thể thấy rõ hơn rằng, để giảm thời gian thông quan hàng hóa, cải thiện chỉ số Giao dịch hàng hóa qua biên giới, nỗ lực của cơ quan Hải quan là chưa đủ. Ngoài triển khai các nhiệm vụ, giải phạm cụ thể để cải thiện chỉ số Giao dịch hàng hóa qua biên giới, với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) còn tích cực phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Hải quan quý IV đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chỉ đạo Tổng cục Hải quan tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện ASW, NSW cải cách công tác KTCN so với mục tiêu cả năm do Chính phủ và Ủy ban 1899 đặt ra. Đặc biệt phải chỉ rõ được những bộ, ngành nào còn chậm, muộn so với mục tiêu và tham mưu để lãnh đạo Bộ Tài chính có công văn trao đổi với lãnh đạo các bộ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO