Nỗi lo cơ sở hạ tầng và bến cảng container

01/01/1970 08:00

(VLR) Trong hai ngày 21 và 22.8, khoảng 450 đại biểu của 59 cảng thành viên thuộc Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tổ chức hội nghị thường niên tại TP.Đà Nẵng. Hội nghị nhóm họp để tìm "kế" đưa cảng biển VN trở thành mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia.

Tồn tại nhiều thách thức

Nhận định chung của ông Lê Công Minh – Chủ tịch VPA - cho rằng, khối lượng hàng nhập, xuất qua các cảng VPA trong năm 2011 đạt khoảng 159 triệu tấn, trong đó hàng container đạt khoảng 7,1 triệu TEU. Tại khu vực cụm cảng số 5, do sự hình thành của một số cảng nước sâu tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, sự chuyển dịch hoạt động vận tải biển sử dụng tàu lớn ra khu vực BR-VT tăng chậm lại và dự kiến tổng cộng chưa đạt 1 triệu TEU trong năm 2012.

Tuy nhiên, tình trạng cạnh tranh giảm giá tại các cảng nước sâu dưới sức ép của các hãng tàu đang gây khó khăn về tài chính cho các nhà đầu tư. Tại khu vực khác, tình hình hàng hóa thông qua các cảng có sự khác biệt, theo đó hàng hóa thông qua các cảng miền Bắc và miền Trung còn duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao hơn miền Nam khoảng 10%, trong khi tỉ trọng hàng container giảm tương tự. Cá biệt có một số cảng có hàng container tăng nhanh như PTSC Đình Vũ, Đồng Nai, CMIT, Tân Cảng Sa Đéc.

Các cảng miền Bắc có tốc độ tăng trưởng hàng thông qua đạt 13% trong năm 2011; khu vực miền Trung, tăng khoảng 15%; khu vực kinh tế trọng điểm phía nam mà chủ yếu là khu vực TPHCM giảm 4,5%; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu (16%).

Trong bối cảnh đó, VPA cũng đưa ra phần đánh giá về nhu cầu cấp thiết xây dựng cảng nước sâu cho khu vực miền Bắc – trước áp lực hàng hóa tăng nhanh, dự án cảng trung chuyển Vân Phong hiện còn dang dở và chưa rõ nét về triển vọng thu hút tàu container trung chuyển, nhu cầu vận tải container bằng tàu lớn tại cụm cảng Thị Vải – Cái Mép đang ở giai đoạn thăm dò thị trường để chuẩn bị phát triển lên quy mô và tần suất cao hơn; song, ở khu vực này tồn tại chính là điều kiện hạ tầng kết nối với hậu phương, cơ chế quản lý, thủ tục, dịch vụ hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu của một cảng cửa ngõ quốc tế, trong khi dự án ODA và kết cấu hạ tầng cho các cảng nước sâu tại Thị Vải - Cái Mép đã phát huy tính đòn bẩy cho ngành hàng hải VN, nhưng triển vọng thu hồi vốn vẫn còn xa vời.

Việc di dời các cảng tại TPHCM đối với cảng Sài Gòn vẫn chưa rõ ràng vì chờ quy hoạch và quỹ đất hỗ trợ di dời của thành phố. Các cảng Bến Nghé, Tân Thuận Đông cũng chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính, bên cạnh đó là nhu cầu cấp bách về giao thông kết nối cho khu vực cảng mới vẫn chưa được giải quyết nhanh. Tại ĐBSCL, việc đầu tư phát triển cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui và cải tạo luồng Định An qua kênh Quan Chánh Bố sẽ thu hút tàu hàng nước ngoài trực tiếp đến cảng. Tuy vậy, vài năm qua các cảng ĐBSCL khai thác cũng còn khó khăn do việc cải tạo luồng mới kéo dài và vận tải đường bộ tăng tuyến kết nối với cụm cảng số 5. Theo xu thế chung, VPA cũng khuyến cáo các cảng thành viên phải quan tâm đầu tư cho việc đảm bảo an ninh theo chuẩn ISPS, an toàn lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

Một trong những vấn đề chính của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và điểm nóng là các bến cảng container. Nhiều dự án cảng mới đang được nhà đầu tư xúc tiến nhanh, nhưng kết nối giao thông hậu phương cũng như những tiện ích và hệ thống dịch vụ hỗ trợ đi kèm còn chưa đầy đủ, làm tăng chi phí và rủi ro cho họ, khó khăn cho các đơn vị XNK và tác động tiêu cực đến đời sống của cộng đồng dân cư ở hậu phương cảng.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải với vai trò điều phối của tổ chức chính quyền cảng vẫn chưa được hoàn chỉnh để ban hành. Cơ chế hợp tác công tư (PPP) và chiến lược phát triển vùng miền để thu hút vốn đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quy mô lớn vẫn còn bỏ ngỏ.

Tìm các giải pháp xứng tầm

Ông Hồ Kim Lân – Tổng Thư ký VPA - cho biết cần có sự hợp lực giữa các cảng, VPA, các cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vượt qua rào cản cho các cảng biển hoạt động thuận lợi và phát triển bền vững. Tại hội nghị, VPA sẽ phát động toàn thể hội viên có những đóng góp vật chất, tinh thần cho chương trình cả nước vì Trường Sa.

Cảng biển VN đang cần có một đầu mối chính để quản lý nhu cầu quy hoạch, đầu tư một cách xứng tầm và hiệu quả cùng với hành lang pháp lý phù hợp để tạo thêm động lực và huy động được mọi nguồn lực cần thiết tổ chức thực hiện nhanh và bền vững chiến lược kinh tế biển Việt Nam thời hội nhập.

CÔNG TOẠI


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo cơ sở hạ tầng và bến cảng container
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO