Tỷ trọng 5 nhóm hàng chục tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước hết tháng 9 - Biểu đồ: T.Bình
Nông sản giảm tốc
Theo thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 1,07 tỷ USD.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu mặt hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá kim ngạch đạt 4,25 tỷ USD.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường bị sụt giảm mạnh nhất lên đến 10,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng nằm trong bức tranh ảm đạm chung, các thị trường lớn khác như EU, Hoa Kỳ, khối ASEAN… cũng trên đà giảm tốc.
Cụ thể, thị trường EU đạt 1,9 tỷ USD, giảm 8,1%; thị trường ASEAN đạt 1,65 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường Hoa Kỳ đạt 1,23 tỷ USD, giảm 18,2%...
Lliên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó trong những tháng đầu năm nay.
Hết tháng 9, tổng kim ngạch của nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất này trong lĩnh vực nông nghiệp mới đạt 6,22 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng thời gian năm 2018.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ đạt 1,08 tỷ USD, giảm 5,3%; Nhật Bản đạt 1,07 tỷ USD, tăng 7,8%; EU đạt 982 triệu USD, giảm 11,7%; Trung Quốc đạt 832 triệu USD, tăng 14,2%…
Ngoài ra, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng trong tình trạng tăng trưởng âm là máy ảnh, máy quay phim, linh kiện.
Hết tháng 9, trị giá xuất khẩu của máy ảnh, máy quay phim, linh kiện đạt 2,96 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng thời gian năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc với 1,29 tỷ USD, giảm 28,4%; Ấn Độ với 458 triệu USD, tăng 125,7%; Hồng Kông với 380 triệu USD, giảm 55,5%...
Trong khi đó, nhóm hàng sắt thép lại có diễn biến lượng tăng, giá giảm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu 4,86 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 6% về lượng nhưng giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sắt thép với 1,3 triệu tấn, tăng 33,5%. Ngoài ra, có thể kể đến các thị trường quan trọng khác như Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ…
Xuất khẩu điện thoại, máy vi tính tăng mạnh ở Hoa Kỳ
Ngoài sự sụt giảm đáng chú ý liên quan đến một số mặt hàng chủ lực nêu trên, dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy các nhóm hàng xuất khẩu trong nhóm dẫn đầu đều có mức tăng trưởng khá để tiếp tục kéo kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng 8,4%, tương đương hơn 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá đạt 38,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm đạt trị giá 7,01 tỷ USD, tăng 68,9%; trong khi thị trường Hàn Quốc đạt 3,99 tỷ USD, tăng 18,7%...
Bên cạnh đó, đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang 2 thị trường quan trọng khác là EU và Trung Quốc lại bị sụt giảm. Trong đó, EU bị giảm 6,6%, chỉ đạt đạt 9,46 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt 4,67 tỷ USD, giảm 19,2%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt dệt may để ổn định ở vị trí thứ 2 về kim ngạch. Hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,61 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU… Trong đó, Hoa Kỳ cũng là thị trưởng tăng mạnh nhất tới 94,1%, đạt 4,02 tỷ USD.
Hàng dệt may đạt 24,61 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3. Trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng dệt may với trị giá đạt 11,21 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước
Hết tháng 9 còn 2 nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ USD” là giày dép và máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng.
Trong đó, giày dép các loại đạt 13,25 tỷ USD, tăng 12,9%. EU và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 3,64 tỷ USD (tăng 7,8%) và 4,87 tỷ USD (tăng 14,1%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường này chiếm tới 64,2% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 13,01 tỷ USD, tăng 8,4% với các thị trường đáng chú ý như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…