Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Thị Minh Hải (Minh Hải) vừa bay từ Namibia về đến Việt Nam. Chị bảo: “Chị vừa đến nhà”. Như vậy hành tình “Vác máy ảnh lên mà đi”, từ ngày 2/3 đến ngày 11/3 của chị Minh Hải đã kết thúc. Nhiều cảm xúc chưa thể nói hết.
Những vũ khúc từ một triển lãm
Năm 2021, tôi có hạnh phúc được tham dự Triển lãm ảnh "Di sản quanh ta", một trong các hoạt động nhân “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” (ngày 23/11 hằng năm). Và gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Minh Hải (nghệ danh Minh Hải). Chị là thành viên của Câu lạc bộ phụ nữ Di sản Hà Nội nên được mời tham gia.
“Đây là lần đầu chị tham gia triển lãm ảnh cá nhân”, Minh Hải cho biết. Vậy là hai chị em “lần đầu tiên”. Chị mang đến Triển lãm 50 tác phẩm cỡ 60x90cm; gồm 30 tác phẩm về di sản, di tích, làng nghề Việt Nam với chủ đề “Di sản ký ức” và 20 tác phẩm phong cảnh, động vật hoang dã thuộc lớp chim (bộ Cò, Bói cá). Ôi chao, tôi khó hình dung ra “thân gái dặm trường”, say mê với Lớp chim, ở tận những nơi “thâm sơn cùng cốc” đến như vậy. Có thể nói, chị “trình làng” công chúng những vũ khúc hết sức nghệ thuật. Tôi kinh ngạc hơn, khi biết chị Minh Hải đến với nhiếp ảnh chưa lâu, mới từ năm 2015. Gần như có “duyên trời định”.
“Thế giới” của loài chim, cò, bói cá và nhiều loại động vật hoang dã khác qua những tác phẩm của Minh Hải, ám ảnh tôi. Vì thế, dẫu chỉ 20/50 tác phẩm tham gia Triển lãm về thế giới động vật, nhưng khi đó, tôi đã trao đổi "chớp nhoáng" về đề tài này. “Căn cớ gì chị chọn động vật hoang dã đối tượng chủ yếu của sáng tác?”, tôi hỏi.
Và Minh Hải trả lời: “Từ bé đã yêu chim muông, không ăn thịt động vật hoang dã. Tôi chọn động vật hoang dã vì muốn đi vào xem chúng sống ra sao, môi trường sống thế nào... Thật sự mà nói, những năm tháng lặn lội, sáng tác mới phát hiện ra rằng chúng có nhiều biểu cảm, tất cả các loài đều như vậy, từ các loài linh trưởng, nhất là chim. Nhất là chim Bói cá, chúng có nhiều trạng thái biểu cảm tuyệt vời làm cho mình hứng thú say mê. Mỗi loài có những mỗi biểu cảm khác nhau, tạo cho mình cảm xúc. Gần gũi chúng, tôi mới nhận ra, chính động vật hoang dã có thể tham gia vào việc bồi đắp cho con người tình yêu với thiên nhiên, với đồng loại”.
Chị cho biết, để có những tấm ảnh ưng ý, rất khó khăn. Phải lên rừng, xuống biển, lặn lội đêm ngày, đi xa vài nghìn km, từ phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, phía Nam. Nhiều khi một mình chị phải vào rừng sâu săn chim từ sáng đến tối, trời nắng thì 40 độ, trời mưa thì nẫu đất... Phải rình rất nhiều ngày, nhiều lúc về tay không...Việc phát hiện và chụp được những bức ảnh đẹp, sinh động về các loài chim rừng rất khó khăn, đòi hỏi người chụp phải đầu tư về máy móc, thiết bị hỗ trợ, thời gian và sự kiên nhẫn. Có những loài chim, chị phải đi nhiều lần, theo dõi nhiều giờ mới được tấm hình ưng ý.
“Với loại chim bói cá, vừa đẹp về màu sắc, tình cảm, dũng mãnh trong bắt mồi không phải đi xa nhưng cũng phải rình xem chúng nó có về không, khoảnh khắc bắt mồi thế nào? Còn chụp cò thì chụp từ chiều đến tối, chụp nhiều thời điềm khác nhau may ra mới có khoảnh khắc đẹp. Anh biết rồi đấy, lúc hoàng hôn xuống, chân trời đỏ ối, đàn cò về tổ, lúc ấy mới đẹp”, chị chia sẻ.
“Để có những chuyến đi “săn” an toàn, vừa thỏa đam mê cá nhân, tôi vừa muốn góp phần bé nhỏ tình yêu của mình vào nhiệm vụ truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã. Tôi biết, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, đa dạng sinh học nói chung đã trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của một quốc gia nào. Tôi nghĩ đại dịch Covid-19 hai năm 2020-2021 đã đủ thức tỉnh loài người về bảo vệ môi trường sống”, chị trải lòng, thánh thiện.
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Hải là “con gái rượu” của thiếu tướng Nguyễn Như Thiết, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 - Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân, nguyên Phó giám đốc Học viện Cao cấp của Quân đội (nay là Học viện Quốc phòng ).
Trong Bách khoa Toàn thư Quân đội, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết xếp thứ 30 trong danh sách các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Thời chống Pháp, thiếu tướng Nguyễn Như Thiết được gọi là “Hùm xám đường 5”, lập nhiều chiến công hiển hách.
Bà Nguyễn Thị Trinh, thân mẫu Minh Hải chính là nữ Đội phó Đội Du kích Hoàng Ngân nổi tiếng trong lịch sử, đã được đặt tên đường ở Hà Nội. Tình yêu của hai ông bà là nguyên mẫu trong tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa” một thời đắm say.
Tạp chí Nhiếp ảnh, từng lý giải: “Không phải ngẫu nhiên Minh Hải bước chân vào làng nhiếp ảnh chuyên nghiệp với những thăng tiến vượt bậc chỉ trong vòng 5 năm qua”.
Tuổi bé thơ đã được tiếp xúc với ảnh, dần dần khiến chị yêu thích. Thế nhưng cuộc sống cuốn chị vào những việc khác và lo toan gia đình. Từ một cô giáo, Minh Hải sớm bước ra xã hội với nhiều cương vị công tác rồi trở thành chủ doanh nghiệp. Tình yêu nhiếp ảnh dần trở thành niềm đam mê nhưng điều kiện chưa cho phép, chỉ đến khi có điện thoại smatphone, chị mới có cơ hội để thỏa mãn sở thích của mình bằng việc sưu tầm ảnh đẹp trên mạng và chụp ảnh. Tình yêu nhiếp ảnh lớn dần lên, như thế và Minh Hải bị “nghệ thuật của ánh sáng” thôi miên, lúc nào không biết.
Trong hơn một tuần, đầu tháng 3 vừa qua, ở Namibia (châu Phi) xa xôi, chị bảo: “Ngày nào cũng đi từ 05h sáng đến tận 12 giờ khuya mới về đến nơi nghỉ ngơi. Ngày nào đi ít là 400 km, nhiều là 800 km lặn lội hết khu rừng nguyên sinh này đến trung tâm bảo tồn động vật hoang dã khác”. Chị đã đặt chân đến nhiều nơi trên đất nước Namibia ngắm Voi rừng, Ngựa vằn, Hổ, Báo, Trâu rừng...., chim Hồng hạc, Ô tác....trong các công viên hoang dã; nô đùa cùng Hải cẩu ở biển khơi lộng gió, thả giấc mơ cùng bao cánh chim Hải âu...Minh Hải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Đó là một hành trình trải nghiệm. Điều chị thu nhận được không chỉ là hàng ngàn file ảnh, mà là sự thấu cảm, sẻ chia, giao lưu văn hóa giữa các màu da, sắc tộc. “Có những sự trải nghiệm không thể hình dung ra được vì quãng đường di chuyển quá dài tới 10 tiếng, rất xấu, dưới cái nắng 45 độ C... Nhưng phải quyết tâm thôi, đến đây mới thấy bộ tộc Himba này có hơn 10 gia đình sống quây quần và còn rất lạc hậu với thời @”, chị chia sẻ.
Bộ lạc Himba ở Namibia nổi tiếng là những người chăn gia súc duyên dáng, rất chú trọng làm đẹp bằng đất đỏ, cùng bí quyết của những phụ nữ chỉ tắm nước một lần trong đời trước khi kết hôn.
Cứ thế, đam mê và ham học hỏi, đầu tư phương tiện tác nghiệp hiện đại và đi nhiều nơi. Hiện nay, trong “gia tài” ảnh, Minh Hải đã có hàng vạn file ảnh trong và ngoài nước. Không chỉ những bức ảnh về chim, những hình ảnh thiên nhiên của chị cũng mang nhiều cảm xúc đến với người xem.
Những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi trời Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức và nhiều nước khác đã có trong bộ lưu trữ của chị. Chỉn chu, kỹ tính vốn là bản tính của Minh Hải từ thời nhỏ nên những tác phẩm của chị thường chuẩn về bố cục và ánh sáng ngay từ khi chụp. Thiên nhiên, quê hương đất nước và con người những nơi chị từng đến, được cất giữ, hiện lên chân thật và sinh động.