Ổn định vĩ mô, đẩy nhanh phục hồi kinh tế

Kinh tế Thủ đô|23/04/2021 09:53

(VLR) GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt tới 6,76% giai đoạn 2021 - 2023 nếu các biện pháp hỗ trợ kinh tế đúng trọng tâm, đi kèm với đột phá trong chất lượng cải cách thể chế. Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 22/4.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng (Ảnh: Trần Việt)

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng (Ảnh: Trần Việt)

3 kịch bản tăng trưởng

Viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Thị Hồng Minh đánh giá, năm 2020 và quý I/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế duy trì đánh giá tích cực. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vẫn giữ được ổn định vĩ mô, các mô hình kinh tế mới và tạo điều kiện cho DN thích ứng. CIEM dự báo 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2023.

Ở kịch bản 1 (bình thường): Tăng trưởng xuất khẩu 5,08%; tốc độ tăng năng suất lao động 5,44%; đầu tư/GDP là 34,79% và tốc độ tăng GDP 6,35%; lạm phát 3,30%. Kịch bản 2 (trong điều kiện nới lỏng tài khoá và tiền tệ): Xuất khẩu tăng 5,76%; tốc độ tăng năng suất 5,73%; đầu tư/GDP 35,46% và tốc độ tăng GDP là 6,69%; lạm phát 4,04%. Kịch bản 3 (trong điều kiện nới lỏng tài khoá và tiền tệ đi kèm với cải cách thể chế): Xuất khẩu tăng 6,15%; năng suất lao động tăng 5,85%; đầu tư tăng 35,14% và lúc này tăng trưởng GDP sẽ lên tới 6,76%; lạm phát 3,63%.

CIEM cho hay, nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Còn nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, song hành với đột phá trong chất lượng cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Tận dụng tối đa các nguồn lực

Mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn.

Để tránh rủi ro “cạn kiệt”, không gian chính sách, tránh cú sốc rủi ro tài chính, sự thoát dần khỏi các chính sách hỗ trợ cho đại dịch sẽ là chìa khóa để bảo đảm sự ổn định kinh tế. Cụ thể, yêu cầu về phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau Covid-19, theo CIEM là: Năm 2021, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế. Năm 2022, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế.

“Việc rút dần có 2 tác dụng, thứ nhất, giữ được dư địa chính sách trong tương lai, thứ hai, tạo minh bạch thúc đẩy hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả, không thể kéo dài (hiện nay các chính sách hỗ trợ vẫn chậm đi vào cuộc sống)” - Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương chia sẻ.

Ông Dương phân tích, các nước trong khu vực phải chi nhiều tiền để giữ ổn định kinh tế, nhưng sau này sẽ phải cắt dần các chính sách này. Trong tương lai, khuyến nghị cụ thể đưa ra là chính phủ rút hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn và hỗ trợ phi tài chính cho cá nhân để duy trì sự bền vững của ngân sách. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng như Việt Nam nên chấm dứt bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính để tránh sự phát triển của bong bóng tài sản và áp lực lạm phát trong khi bảo vệ chống lại sự thắt chặt quá mức của tín dụng…

Về trung và dài hạn, Việt Nam cần nhiều hơn các đột phá nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, gia tăng các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường. Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần tiếp tục khai thác các thuận lợi cơ bản, như có uy tín và vị thế quốc tế, khu vực thuận lợi. Đa dạng hóa quan hệ hợp tác, bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế lớn. Tiềm năng kinh tế mới cũng nằm ở những lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh và hạ tầng logistics…

Đồng thời, cần củng cố nhận thức mới về bối cảnh bình thường hóa mới (mục tiêu kép), phát triển của khu vực tư nhân; phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích, cơ hội từ hội nhập quốc tế và và tiến bộ CMCN 4.0. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần tuân thủ nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN. Xây dựng cơ sở pháp lý cho huy động các nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ổn định vĩ mô, đẩy nhanh phục hồi kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO