OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng, giá dầu thô lên cao nhất 4 tháng
Chốt phiên giao dịch đêm qua 18/3, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 38 US cent tương đương 0,6% lên 67,54 USD/thùng, gần mức cao đỉnh điểm năm 2019 (68,14 USD/thùng). Và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 57 US cent tương đương 1% lên 59,09 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 59,23 USD/thùng, cao nhất 4 tháng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh được gọi là OPEC+, họp tại Azerbaijan cuối tuần trước đã quyết định duy trì chính sách cắt giảm sản lượng. Nhóm cũng hủy cuộc họp vào tháng 4/2019, điều đó có nghĩa là nhóm các nhà sản xuất hàng đầu sẽ không gặp lại nhau cho đến tháng 6/2019.
Tại phiên họp trước đó, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương 1,2% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu từ tháng 01/2019 nhằm tái cân bằng thị trường dầu thô thế giới, cũng như giúp tăng giá dầu thô.
Các dấu hiệu dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma của Mỹ suy giảm cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên 18/3. Dự trữ dầu thô tại Cushing, điểm giao dịch dầu WTI trong tuần đến ngày 15/3/2019 giảm 1,08 triệu thùng. Đồng thời, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Hôm 17/3, Saudi Arabia cho biết nỗ lực của OPEC trong việc tái cân bằng thị trường dầu thô thế giới vẫn chưa thể dừng lại, do các nhà sản xuất dầu thô trên toàn cầu tiếp tục tăng sản lượng bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela. Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông, đây có thể là tín hiệu OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến cuối năm 2019.
Trong hội nghị với một số bộ trưởng thuộc OPEC ở Baku, thủ đô Azerbaijan cuối tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al Falih, cho rằng cần duy trì cắt giảm sản lượng dầu thô cho đến tháng 6/2019, cũng như tiếp tục theo dõi nguồn cung-cầu và làm những gì phải làm trong nửa cuối năm 2019. Hội nghị này nằm trong khuôn khổ Ủy ban Giám sát của OPEC và các đồng minh (OPEC+), gồm Nga, về việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô hiện này của OPEC +.