Phát triển chuỗi cung ứng rau quả

11/06/2015 15:38

(VLR) (Vietnam Logistics Review) 2014 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của ngành rau quả VN khi lần đầu tiên lọt vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (cụ thể là 1,47 tỷ USD). Tuy nhiên, chuỗi cung ứng rau quả VN hiện vẫn còn nhiều hạn chế nên giá trị gia tăng thấp và chưa bền vững.

(Vietnam Logistics Review) 2014 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của ngành rau quả VN khi lần đầu tiên lọt vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD (cụ thể là 1,47 tỷ USD). Tuy nhiên, chuỗi cung ứng rau quả VN hiện vẫn còn nhiều hạn chế nên giá trị gia tăng thấp và chưa bền vững.

CHUỖI CUNG ỨNG RAU QUẢ VN

Chuỗi cung ứng rau quả VN có sự tham gia của các thành viên cơ bản như nông dân trồng rau quả, thương lái thu gom, người bán buôn, DN chế biến, người xuất khẩu, người bán lẻ, khách hàng nội địa và quốc tế.

Sản xuất rau quả

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2014, diện tích rau quả cả nước đạt khoảng 1.650 nghìn ha; trong đó diện tích rau khoảng 850.000 ha, sản lượng 14,5 triệu tấn và diện tích cây ăn quả trên 800.000 ha, sản lượng trên 7,5 triệu tấn. Diện tích và sản lượng rau quả phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, Đông Nam bộ và Bắc Trung bộ. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất, còn khu vực ĐBSCL là vùng sản xuất quả chủ yếu của cả nước.

Những sản phẩm rau quả mà thị trường có nhu cầu cao thì VN cũng có ưu thế cạnh tranh trong sản xuất như: mặt hàng rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu, rau gia vị…); rau quả chế biến (dứa, vải, ngô, cà rốt, hành, gấc…); rau quả chiên giòn (mít, khoai, chuối…).

Tuy vậy, sản xuất rau quả của VN chủ yếu do nông dân tiến hành mang tính cá thể, tự phát nên có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa lớn, khó khăn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap,...) hoặc theo hướng an toàn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan luôn là nguyên nhân chính dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả VN trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Chẳng hạn như, năm 2012, các lô hàng rau quả của VN nhập khẩu vào EU đã bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm: rau thơm nhiễm vi sinh vật (Salmonella, Ecoli…); Gia vị có độc tố nấm mốc (Ochratoxin A); rau và quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (Carbendazim), nhiễm vi khuẩn (Campylobacterpp., Clostridium)… Một điểm hạn chế nữa là sự cộng tác giữa người trồng rau quả và các DN chế biến, bán buôn, bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Thu hái, bảo quản và chế biến rau quả

Hoạt động thu hái, phân loại, đóng gói và bảo quản rau quả vẫn chủ yếu được tiến hành theo phương thức thủ công. Thiết bị và công nghệ bảo quản còn thiếu và lạc hậu; cước phí vận chuyển rau quả cao. Những tồn tại đó khiến cho tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 20-25%, chất lượng rau quả thấp, giá thành cao. Thêm vào đó, việc sử dụng các hóa chất bảo quản chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ở khâu chế biến rau quả, cả nước hiện có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 TSP/năm. Ngoài ra còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ như sấy vải, nhãn, muối dưa chuột… Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến rau quả không đủ nguyên liệu sản xuất, công suất thực tế trung bình chỉ đạt khoảng 30%. Rau quả chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 10% và chủ yếu gồm các loại như đóng hộp, đông lạnh, pure, cô đặc, nước quả, chiên sấy, muối… Trong số đó, sản phẩm đóng hộp chiếm đến 50%, tiếp theo là sản phẩm cô đặc và đông lạnh.

Tiêu thụ rau quả

Rau quả VN chủ yếu được tiêu thụ trong nước ở dạng tươi, với tỷ lệ khoảng 90%; số còn lại được dùng để chế biến và xuất khẩu. Ở thị trường trong nước, rau quả được tiêu thụ thông qua hệ thống các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng, bán rong, trong đó chợ là hình thức phổ biến và chủ yếu nhất. Mức tiêu thụ rau quả bình quân trên thị trường nội địa hiện nay là 78kg/người/năm và dự báo con số này sẽ tăng trưởng khoảng 10%/năm.

Về thị trường xuất khẩu, hiện sản phẩm rau quả VN đã có mặt trên 60 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu rau quả VN liên tục tăng, năm 2012 mới chỉ đạt 829 triệu USD nhưng đến năm 2014 đạt 1,47 tỷ USD (trong đó gần 90% là quả).

Thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại rau quả của VN vẫn là Trung Quốc với 29,22% trong tổng kim ngạch, đạt 435,74 triệu USD, tăng 36,19% so với năm 2013. Tiếp sau là thị trường Nhật Bản với 75,03 triệu USD, chiếm 5,03%, tăng 22,55%. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 60,74 triệu USD, chiếm 4,07%, đạt mức tăng 18,05%. Ngoài những thị trường truyền thống trên, rau quả VN cũng có mặt ở nhiều thị trường mới như Hồng Kông, UAE, Hà Lan… Một tín hiệu khả quan từ thị trường hết sức khó tính là Mỹ mới đây đã chấp nhận cho phép nhập khẩu nhãn của VN. Tháng 12.2014, nhãn VN xuất khẩu sang Mỹ thành công cả bằng đường hàng không và đường biển. Sắp tới, Mỹ còn xem xét cho phép nhập khẩu vải, táo và xoài của VN.

Bên cạnh những thành công đó, xuất khẩu rau quả của VN còn bộc lộ nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc chủ yếu lại qua đường tiểu ngạch nên gặp nhiều khó khăn, rủi ro và không ổn định. Cùng với đó, 5 trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực phẩm khi xuất khẩu rau quả sang EU cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu và uy tín của mặt hàng rau quả VN trên thị trường quốc tế.

ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG RAU QUẢ VN

Chúng ta có thể nhận thấy, chuỗi cung ứng rau quả của VN tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập khiến cho giá trị gia tăng thấp và chưa bền vững. Do đó, các cơ quan chức năng cùng với những người sản xuất và kinh doanh rau quả cần tìm ra giải pháp phù hợp để phát triển chuỗi cung ứng rau quả VN.

- Xác định các sản phẩm rau quả mà thị trường có nhu cầu cao và VN có lợi thế cạnh tranh như: rau quả tươi (thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu rau, rau gia vị…); rau quả chế biến (đông lạnh IQF: dứa, vải, ngô, cà rốt, hành...); pure, cô đặc: gấc, lạc tiên, dứa...; chiên giòn: (mít, chuối, khoai tây...) để tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đối với những loại rau quả chủ lực và có lợi thế để đảm bảo cân đối với khả năng tiêu thụ, tránh việc mở rộng tự phát và phát triển nóng vượt tầm kiểm soát. Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa khó tưới sang trồng các loại rau quả chủ lực, có thị trường và phục vụ chế biến.

- Đánh giá giống, chất lượng giống và các cây đầu dòng; quản lý tốt cây giống, nguồn gen quý để chọn lọc, lai tạo giống tốt cung cấp cho sản xuất.

- Tổ chức sản xuất rau quả theo chuỗi với quy mô lớn; sử dụng giống mới, kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn (VietGap, GlobalGap...); gắn kết các DN chế biến, bảo quản, xuất khẩu với vùng nguyên liệu.

- Đầu tư công nghệ, thiết bị bảo quản rau quả tiên tiến (chiếu xạ, xử lý bằng nước nóng, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, điều chỉnh; kho bảo quản lạnh, bảo quản bằng các loại màng an toàn...) để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính (Nhật, Mỹ, EU...).

- Xúc tiến và kêu gọi đầu tư trong nước và liên doanh, liên kết với các DN nước ngoài để xây dựng các khu công nghệ cao cho sản xuất, chế biến và bảo quản rau quả. Nâng cấp, hiện đại hóa các dây chuyền chế biến, ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng rau quả chế biến.

- Áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO 22000,...) để sản phẩm rau quả đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm rau quả chủ lực của VN; thực hiện tốt các cam kết với ASEAN, WTO, các Hiệp định Bảo vệ và kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu nông sản.

- Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là các khu du lịch, các khu đô thị, khu dân cư lớn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống và mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Nga, Ấn Độ…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chuỗi cung ứng rau quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO