Phát triển đại lý hải quan nâng cao năng lực logistics cho xuất khẩu hàng hoá

Hiếu Tú Thành|15/06/2023 15:14

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Với những khó khăn chung của thị trường, liệu các doanh nghiệp Logistics với vai trò là Đại lý hải quan có góp phần nâng cao vị thế của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thông qua khả năng giao hàng đúng hẹn, đảm bảo liên tục chuỗi cung ứng cho người mua hay không?

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 của Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển đại lý làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, toàn diện và đa dạng hơn; hướng tới thực hiện áp dụng công nhận chế độ ưu tiên cho đại lý làm thủ tục hải quan. Theo đó, cơ quan Hải quan có thể đo lường hiệu quả hoạt động và tuân thủ của các đại lý hải quan theo bộ các tiêu chí có liên quan đến hoạt động của đại lý hải quan. Tuy nhiên việc các đại lý thủ tục hải quan có thực hiện được sứ mệnh trên hay không thì còn cần sự hỗ trợ không chỉ ở khâu quản lý của ngành hải quan mà còn ở các cơ quan kiểm tra chuyên ngành đến từ nhiều bộ ngành khác nhau.

foreman-is-teaching-training-workers-how-wear-face-masks-take-care-themselves-while-coronavirus-is-spread-compressed.jpeg

Trái thanh long dần mất vị thế xuất khẩu, nguyên nhân do đâu?

Thực trạng trái thanh long Việt Nam gặp thách thức khi sản lượng xuất khẩu giảm ba năm liền, trong khi các quốc gia khác như Mexico giành thị phần tại Mỹ, Canada còn Ấn Độ thì đang làm chủ nguồn cung cho thị trường Trung Quốc. Phân tích về kinh nghiệm canh tác các loại trái cây, nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng, Việt Nam tự hào có bề dày kinh nghiệm hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia ở châu Mỹ như Mexico. Về thổ nhưỡng và chất lượng nông sản, hàng hoá Việt Nam cũng nhận được những phản hồi tích cực. Tuy nhiên, điểm khó của hàng hoá Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường thế giới không những đến từ các hàng rào thuế quan, phi thuế quan ở nước nhập khẩu mà còn từ các thủ tục ở chính nước xuất khẩu.

courier-industry-term-customs-clearance-clearance-cargo-border-upon-delivery-including-taxes-compressed.jpeg

Ngoài việc tập trung vào chất lượng đồng nhất, mẫu mã sản
phẩm phù hợp thị hiếu người mua và thời điểm canh tác; người nông dân gần như không còn thời gian và nguồn lực để tìm hiểu các thủ tục liên quan đến xuất khẩu hàng hoá vì thế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các “thương lái” tại địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn liên quan đến quy định kiểm dịch hàng nông sản có đạt chất lượng xuất khẩu hoặc đại diện làm thủ tục hải quan xuất khẩu tại cửa khẩu xuất lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của người nông dân. Và cuối cùng, lợi nhuận còn lại của một thương vụ xuất khẩu hàng hoá lại nằm trong tay các thương lái hoặc thậm chí hàng hoá không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bị “trả hàng” thì người nông dân cũng không biết được nguyên nhân để cải thiện cho các mùa vụ sau.

Đại lý làm dịch vụ hải quan cần làm gì để nâng cao vị thế hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam?

Cục Hải quan TP. HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường kết nối trong hoạt động dịch vụ logistics, cụ thể là đối với các đại lý Hải quan. Hợp tác giữa ngành Hải quan và VLA tập trung vào một số mục tiêu cơ bản như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện đúng quy định về pháp luật hải quan.

Việc cộng điểm đối với các hành vi tuân thủ, trừ điểm đối với các hành vi vi phạm, nhắc cảnh báo nếu điểm trừ đạt đến một mức độ nhất định... giúp cơ quan Hải quan giám sát được hoạt động của các đại lý hải quan, đồng thời giúp các đại lý hải quan nhận thức đầy đủ về sự tuân thủ của họ và có ý thức cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động, tuân thủ pháp luật khi thực hiện dịch vụ đại lý hải quan.

foreman-staffs-checking-container-box-compressed.jpeg

Tuy nhiên một lô hàng xuất khẩu cần phải hoàn tất thủ tục cũng như đạt được đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng theo yêu cầu của cả quốc gia xuất khẩu lẫn nhập khẩu mới có thể thành công tiêu thụ tại thị trường nước ngoài. Do đó, việc các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics là đại lý hải quan hiện chỉ mới giải quyết được một phần trong quy trình xuất khẩu hàng hoá. Lấy trường hợp của trái thanh long, các bước còn lại trong quy trình xuất khẩu bao gồm kiểm dịch thực vật, chiếu xạ, hun trùng thì các đơn vị này lại phải thực hiện thủ tục dưới sự uỷ quyền của nhà xuất khẩu dẫn đến thiếu chủ động trong quá trình cung cấp dịch vụ logistics toàn diện.

Không dừng lại ở đó, việc xuất khẩu thông qua các thương nhân “gom hàng” cũng làm các đơn vị Đại lý hải quan khó khăn trong quá trình làm thủ tục nếu hàng hoá không đạt chất lượng theo yêu cầu. Trong một số trường hợp lô hàng lại bị “vướng” ở thủ tục thực hiện sau khi xuất khẩu chẳng hạn như hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế đại diện người xuất khẩu hiện tại chỉ được áp dụng khi làm thủ tục hải quan; chưa áp dụng với các thủ tục khác ví dụ như thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (Certificate of Origin – C/O), thủ tục kiểm dịch thực vật... dẫn đến việc các đơn vị dịch vụ logistics, đại lý hải quan hoàn toàn bị động khi nhận được các yêu cầu của các cơ quan chuyên ngành.

Theo khảo sát của Ban hải quan và Thuận lợi hoá Thương mại (VLA), hiện nay có đến gần 13 bộ ngành liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên phần lớn các cơ quan này hiện chưa có tổng đài hỗ trợ cũng như đầu mối tập trung, giải đáp thông tin, thắc mắc cho doanh nghiệp. Thiết nghĩ các bước thuộc thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu và cả nhập khẩu nên tập trung vào một đầu mối duy nhất là cơ quan hải quan nhằm nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát đồng bộ cũng như tránh phát sinh các thủ tục rườm rà do sự quản lý chồng chéo gây ra. 

Do đó,để vai trò của đại lý làm thủ tục hải quan được nâng cao, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông quan nhanh hàng hoá nhanh hơn, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan thì bản thân đơn vị đại lý hải quan cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hiểu biết sâu rộng hệ thống pháp luật, thành thạo quy trình công việc, sử dụng thiết bị hiện đại; song song đó là cơ chế hợp lý giúp họ có thể nhân danh nhà xuất để thực hiện toàn bộ các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hoá Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bài liên quan
  • Cấp bách tìm thị trường tiêu thụ cho thanh long
    (VLR) Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quý I/2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch, cần kết nối tiêu thụ. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu từ ngày 29/12/2021 đến 26/1/2022. Do đó, các vùng trồng trọng điểm đang chịu áp lực lớn về tiêu thụ thanh long từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đại lý hải quan nâng cao năng lực logistics cho xuất khẩu hàng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO