(Vietnam Logistics Review) Hạ tầng logistics ở nước ta còn nghèo nàn, bố trí còn chưa hợp lí. Điều này đã làm ngành công nghiệp logistics kém phát triển do chi phí GTVT cao và thiếu tính cạnh tranh.
HẠ TẦNG LOGISTICS CHƯA HỢP LÝ
Theo thống kê, số lượng cầu bến đáp ứng cho tàu trên 50 nghìn DWT làm hàng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Tuy đã được đầu tư trong một thời gian khá dài nhưng hiện nay, chỉ có một số ít cảng được trang bị một số phương tiện xếp dỡ khá hiện đại, còn lại các cảng biển khác của VN chủ yếu vẫn sử dụng các thiết bị chưa hiện đại. Theo các đánh giá, năng suất xếp dỡ của các cảng của nước ta còn khá thấp so với các cảng trong khu vực. Đường hàng không ở nhiều thời điểm còn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Hơn nữa, chất lượng đường bộ lại rất yếu kém và còn nhiều bất cập. Thiết kế đường gần như chưa tính đến việc vận chuyển bằng
container nên đã không phù hợp với yêu cầu của vận chuyển loại hình này. Điều này đã làm giảm năng lực vận tải đường bộ và làm tăng chi phí
logistics. Trong khi đó, tổng chiều dài đường sắt của nước ta cao hơn so với các nước khác trong khu vực nhưng chất lượng thì còn kém. Nhiều tuyến đường bộ ở cấp tỉnh và cấp huyện chưa được nâng cấp nên chất lượng trở nên kém.
Nhìn chung hạ tầng logistics ở nước ta còn nghèo nàn, bố trí chưa hợp lí và chất lượng kém. Điều này đã làm cho một nước kém phát triển như nước ta có ngành công nghiệp
logistics kém phát triển do chi phí GTVT cao và thiếu tính cạnh tranh. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng dịch vụ logistics tại VN chưa đạt được so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, cơ sở hạ tầng logistics của nước ta còn yếu kém, thiếu đồng bộ và khá lạc hậu. Trang thiết bị chưa hiện đại, hệ thống kho bãi có quy mô nhỏ và manh mún. Các hệ thống GTVT còn nhiều
bất cập.
Tình trạng này làm cho tốc độ lưu chuyển trong logistics chậm với mức chi phí khá cao và do đó làm cho khả năng cạnh tranh thấp. Nhiều loại cước phí còn cao làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của dịch vụ logistics như cước phí sân bay, cước phí vận chuyển đường bộ, chi phí dịch vụ kho bãi, phí cảng biển... Hơn nữa, năng lực vận tải của các DN kinh doanh của VN còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của lĩnh vực
dịch vụ logistics.
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG CNTT LOGISTICS
Hạ tầng CNTT là một trong những yếu tố kĩ thuật có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự phát triển của bất kì lĩnh vực nào. Điều này càng đúng đối với lĩnh vực
logistics. Theo các chuyên gia thì cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ cho phát triển logistics bao gồm rất nhiều yếu tố như mạng lưới thông tin phục vụ sản xuất, trao đổi dữ liệu điện tử... Để phát triển hệ thống CNTT phục vụ logistics, nhà nước cần đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống thông tin giữa các bên liên quan trong quá trình kinh doanh để có thể cập nhật một cách nhanh chóng những thông tin về phương tiện vận chuyển cũng như các hàng hóa được vận chuyển, triển khai kịp thời các dịch vụ về hải quan, tổ chức xếp dỡ và giao hàng, giảm được thời gian vận chuyển và giải phóng nhanh chóng phương tiện vận chuyển, hạn chế các chi phí phát sinh trong quá trình logistics. Ngoài ra, nhà nước cần có kế hoạch hiện đại hóa hệ thống truyền thông, phát triển internet để đảm bảo thông tin được truyền đi nhanh chóng và an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả các dịch vụ cung cấp cho các DN
logistics cũng như các DN khác. Đảm bảo được hạ tầng viễn thông internet thì sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của lĩnh vực logistics VN cũng như của các DN logistics.
HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỒNG BỘ VÀ TIÊN TIẾN
Đối với lĩnh vực logistics, không có cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại thì khó có thể mang lại hiệu quả cao. Kết cấu hạ tầng và các phương tiện vật chất kĩ thuật của GTVT có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển các dịch vụ logistics. Phát triển và hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật của GTVT là công việc hết sức cần thiết để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như định hướng của Đại hội Đảng lần thứ XI là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông. Việc này cũng sẽ có những tác động hết sức to lớn đến sự phát triển dịch vụ logistics trong giai đoạn tới. Đối với vận tải biển, trong giai đoạn tới, cần tập trung xây dựng và phát triển các cảng và nâng cấp đội tàu. Đây là công việc rất quan trọng bởi 90% hàng hóa XNK của nước ta là vận chuyển bằng đường biển. Mặt khác hiện nay, hệ thống cảng biển của nước ta còn rất nhiều bất cập.
Vì thế, cần phải tập trung xây dựng và phát triển cảng biển cho hợp lí, đồng thời cần có tầm nhìn phát triển cần thiết cho tương lai. Phát triển logistics luôn gắn với quá trình phát triển hàng hải và sự phát triển của phương thức vận chuyển bằng container để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Vì vậy, cần tập trung xây dựng cảng
container và các cảng trung chuyển để phục vụ cho nhu cầu vận chuyển container trong nước và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng cho DN sản xuất, kinh
doanh, và từ đó nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics.
Về vốn đầu tư, cần đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện việc xây dựng hệ thống các cơ sở hạ tầng logistics bao gồm vốn ngân sách, vốn ODA, vốn vay nước ngoài. Các nguồn vốn này cần được sử dụng để xây mới, cải tạo và nâng cấp các cảng biển lớn, nạo vét luồng lạch, trang bị các thiết bị, cải tạo và xây mới hệ thống kho cảng để đủ sức tiếp nhận các tàu container lớn phù hợp với xu hướng phát triển hàng hải của thế giới. Tại các địa phương, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cảng cũng phải được sử dụng có hiệu quả và thiết thực theo quy hoạch phát triển.
PHÁT TRIỂN CÁC TUYẾN VẬN TẢI MỚI VÀ ĐỘI TÀU
Có thể nói, ở nước ta, hệ thống vận tải có rất nhiều loại hình với nhiều tuyến đường khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và thực hiện việc mở mới các tuyến vận tải để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về lưu thông hàng hóa ở trong nước và quốc tế. Trong thời gian vừa qua, nhà nước chủ yếu tập trung vào đầu tư phát triển các cảng biển còn việc xây dựng và phát triển các đội tàu là do các ngành và DN tự bỏ vốn.
Trong thực tiễn, việc đầu tư để phát triển đội tàu là một việc cần vốn đầu tư rất lớn nên việc này không thể để các ngành và DN tự làm mà cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong thời gian tới, các đội tàu ở nước ta cần phải được đầu tư theo hướng hiện đại hóa và chuyên dụng hóa. Để làm được điều này, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư để các công ty vận tải biển có thể thuê, mua hay vay mua tàu biển mới. Nhà nước cần có các chính sách thuế phù hợp để tạo điều kiện phát triển đội tàu theo yêu cầu của sự phát triển. Mặt khác, nhà nước cũng cần có các chính sách phát triển đội tàu bằng cách đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, khuyến khích đóng các loại tàu biển có trọng tải lớn và các tàu container.
ĐẦU TƯ CÓ HIỆU QUẢ
Việc đầu tư một cách hiệu quả vào hạ tầng cơ sở logistics sẽ làm gia tăng hiệu suất của nền kinh tế VN, giúp cho hàng hóa và dịch vụ của VN giảm được các chi phí logistics, vốn là một trong những loại chi phí chiếm tỉ trọng cao để từ đó giúp cho hàng hóa và dịch vụ của VN gia tăng được sức cạnh tranh. Hàng loạt giải pháp cần được thực hiện, mà quan trọng nhất là công tác đầu tư này cần tạo ra một hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật hoàn chỉnh với tầm nhìn xa để việc lưu thông hàng hóa trong nội địa VN cũng như với khu vực và thế giới là an toàn và hiệu quả. Một loạt các cơ sở vật chất cần phải được đầu tư một cách có hiệu quả để góp phần thực hiện một trong những mũi đột phá chiến lược để không chỉ đem lại lợi ích cho lĩnh vực logistics mà còn đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế, giúp cho kinh tế nước ta có những tiền đề tạo nên tính khả thi cho sự thành công của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đến năm 2020.