Phát triển hệ thống logistics xanh ở Việt Nam

An Thị Thanh Nhàn|19/03/2020 22:02

(VLR) Một hệ thống logistics xanh là sự tích hợp lớn các hệ thống con khác nhau với nhiều kết nối và ràng buộc tương hỗ. Tất cả các hệ thống con trong mô hình đều có các vị trí và vai trò khác nhau. Hệ thống logistics xanh cũng không biệt lập mà cần có sự tương tác về thông tin và năng lượng với môi trường bên ngoài.

Mô hình 1 dưới đây giới thiệu một khung sườn hữu ích cho quan điểm này. Nó cung cấp các hợp phần cơ bản của một hệ thống logistics xanh với sự tham dự của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xanh, hệ thống hạ tầng và những kết nối cần thiết trong các chương trình và dự án logistics xanh. Nó đòi hỏi sự có mặt của các cơ quan quản lý Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động logistics xanh trong toàn xã hội.

Hình 1. Mô hình hệ thống logistics xanh trong nền kinh tế (Tham khảo nguồn ZHANG Yingjing, LIU Juanjuan)

Hình 1. Mô hình hệ thống logistics xanh trong nền kinh tế (Tham khảo nguồn ZHANG Yingjing, LIU Juanjuan)

Các chuỗi cung ứng xanh

Đây là nền tảng cơ sở vật chất để thực hiện hệ thống logistics xanh. Chuỗi cung ứng xanh tạo môi trường xanh cho phát triển bền vững, mở đường, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics xanh. Các chuỗi cung ứng xanh hình thành các trung tâm thu gom chuyên biệt để xử lý các sản phẩm cần thu hồi từ mọi thành viên hạ nguồn như người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà phân phối để tái chế và phục hồi các giá trị cần thiết. Nhờ đó, tạo ra một hệ logistics tuần hoàn. Hệ thống logistics cho chuỗi cung ứng xanh phải có ba cấp độ: Thứ nhất, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với các biện pháp logistics đạt tiêu chuẩn xanh; Thứ hai, tạo một nền tảng xanh liên công ty và mạng lưới chuỗi cung ứng xanh; Thứ ba, kết nối chuỗi cung ứng tuần hoàn với các hoạt động logistics ngược và tăng cường cơ chế phản hồi (Hình 2).

Hình 2. Chuỗi cung ứng xanh và hệ logistics xanh

Hình 2. Chuỗi cung ứng xanh và hệ logistics xanh

Hệ thông tin logistics xanh

Hệ thông tin logistics xanh cung cấp thông tin cho các thành viên trong hệ thống logistics xanh theo thời gian thực. Giám sát và đánh giá chính xác về quá trình hoạt động logistics của các thành viên, giám sát bao bì sản phẩm, lưu trữ, vận chuyển, xử lý phân phối, giao nhận và xếp dỡ… để tuân thủ các yêu cầu về môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyết định logistics môi trường. Các vai trò chính bao gồm:

» Kiểm soát bao bì xanh: Thúc đẩy các bộ phận sản xuất sử dụng nguyên liệu bao bì đơn giản nhất và có thể phân hủy sinh học. Hợp lý hóa việc đóng gói và đánh giá các chỉ số xanh với quá trình sản xuất và sử dụng bao bì sản phẩm của doanh nghiệp.

» Kiểm soát giao thông xanh: đánh giá các hoạt động gây hư hại hàng hóa và tác động ô nhiễm tới môi trường trong quá trình vận chuyển...

» Kiểm soát kho xanh: giám sát mọi yếu tố không xanh trong nhà kho.

» Kiểm soát quy trình xanh: giám sát sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng theo các quy trình thực hiện đóng gói, phân khúc, đo lường, lắp ráp, dán nhãn giá, gắn nhãn hiệu, kiểm tra hàng hóa...

» Kiểm soát tải và dỡ tải xanh: Theo dõi các hoạt động diễn ra trong vận chuyển, lưu trữ, đóng gói hoặc di chuyển, giao nhận hàng hóa,…

» Đánh giá logistics xanh: Trên bốn khía cạnh là hiệu quả về môi trường, hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả kinh tế, hiệu suất kỹ thuật của hệ thống logistics xanh.

» Hỗ trợ quyết định quản lý logistics xanh: Nhằm thiết lập các mô hình logistics xanh đầy đủ để cung cấp cho các thành viên tham gia các quyết định và lựa chọn tối ưu hóa.

Hệ giao thông xanh hợp nhất

Hệ giao thông xanh hợp nhất nhằm giảm tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm, thúc đẩy sự hài hòa xã hội và tiết kiệm chi phí vận chuyển. Trong kinh tế thị trường, các phương thức vận tải thông qua cạnh tranh cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng cho nền kinh tế quốc gia và đời sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh quá mức giữa các phương thức vận tải sẽ gây lãng phí rất lớn như trùng lặp và lãng phí tài nguyên,… do đó, việc thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông xanh tích hợp là nền tảng cho toàn bộ hệ thống logistics xanh và cần tập trung vào ba khía cạnh.

» Xây dựng một trung tâm giao thông tích hợp là xương sống trong việc kết nối mạng lưới đường bộ và hành lang giao thông liên thành phố, tạo tác động trực tiếp đến hiệu quả chung của hệ thống giao thông.

» Tận dụng tối đa lợi thế của các phương tiện giao thông khác nhau: Khi phải đối mặt với việc lựa chọn các phương tiện giao thông khác nhau, nên tận dụng lợi thế so sánh của vận chuyển đường thủy như khối lượng hàng hóa vận chuyển lớn, tiêu thụ năng lượng thấp, ô nhiễm ít. Coi đây là một trong những hệ thống phân phối và vận chuyển chính tại cho các tuyến chủ đạo.

» Tăng cường phối hợp các phương tiện giao thông khác nhau và thiết lập mạng lưới giao thông tích hợp thân thiện với môi trường. Điều chỉnh cấu trúc mạng giao thông theo hướng tích hợp và nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường. Tuân thủ các điều kiện địa phương để tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên giao thông và phối hợp trơn tru, hiệu quả trong hệ giao thông tích hợp xanh.

Hệ điều hành và giám sát logistics xanh

Vai trò điều hành logistics xanh thuộc về Chính phủ, logistics xanh không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà phải được sự chỉ đạo từ Chính phủ. Chính phù có vai trò quản lý hệ thống và tạo ra một khuôn khổ pháp lý để xác định hướng đi và kiềm chế hành vi của các doanh nghiệp. Thông thường điều hành logistics xanh của Chính phủ tập trung vào các vấn đề sau:

» Quản lý các nguồn gây ô nhiễm theo luật định để điều chỉnh lượng khí thải và lượng phát thải NO2 từ xe cơ giới qua hạn chế các loại phương tiện trên đường. Khuyến khích sử dụng các phương tiện đủ điều kiện và kiểm soát giới hạn tiếng ồn.

» Hướng dẫn hợp lý hóa việc sử dụng các phương tiện vận tải khác nhau và khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức vận tải phù hợp.

» Áp các mức thuế và biện pháp hành chính để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp trong ngành logistics với vấn đề ô nhiễm.

» Thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp chuỗi cung ứng, hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics để giảm chi phí và ô nhiễm.

» Chịu trách nhiệm lập kế hoạch, xây dựng mạng lưới đường giao thông, hiện đại hóa hệ thống kiểm soát giao thông.

» Xây dựng quy tắc kiểm soát các hoạt động lưu thông, dừng đỗ xe trên đường, kiểm soát lưu lượng giao thông...

Hệ thống giám sát logistics xanh thuộc về vai trò của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có yêu cầu riêng cho sản phẩm và dịch vụ xanh. Yêu cầu xanh này xuất phát từ cơ chế sinh lý của con người đối với môi trường tự nhiên và sinh thái. Khi yêu cầu xanh của con người có khả năng thanh toán sẽ chuyển đổi thành nhu cầu xanh. Nhu cầu xanh của người tiêu dùng là động lực chính để các công ty thực hiện các biện pháp logistics xanh. Với sức mạnh thị trường, người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong quản lý logistics xanh. Hành vi tiêu dùng xanh của người tiêu dùng thúc đẩy công ty thực hiện quản lý logistics xanh, buộc doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ logistics xanh. Hành vi tiêu dùng xanh cũng gây áp lực lên Chính phủ để hình thành các quy tắc quản lý logistics xanh thông qua tiếng nói chung của nhu cầu tiêu dùng xanh.

Đã đến lúc chúng ta cần thực sự nhìn vào các biện pháp cụ thể để phát triển logistics xanh như một chiến lược tổng thể của nền kinh tế. Nếu không động viên được tổng lực của các bên có liên quan trong một hệ thống logistics tích hợp thì những sáng kiến logistics xanh chỉ như muối bỏ biển và luôn phải đối mặt với thách thức chi phí riêng lẻ trong đầu tư của từng doanh nghiệp. Khi phát triển cả hệ thống, hạ tầng logistics xanh sẽ được sử dụng chung cho các chuỗi cung ứng cũng như toàn ngành logistics. Điều này cho phép tạo ra tính hiệu quả trong đầu tư logistics xanh, mặt khác vai trò của Chính phủ trong quản lý, giám sát luật lệ quy định và phát triển hạ tầng logistics xanh cũng là nguồn động lực không thể thiếu để có được những giải pháp khả thi và toàn diện.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ thống logistics xanh ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO