Tính đến thời đểm hiện tại, chúng ta đã đi qua hơn một nửa chặng đường của năm 2023. Một chặng đường có nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức bởi tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp và xuất hiện những bất lợi. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta tiếp tục ghi nhận với những điểm sáng tích cực. Theo đánh giá của Chính phủ, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý II nhìn chung tốt hơn quý I, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại, tính chung 6 tháng xuất siêu 12,25 tỷ USD. Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,6 lần (từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 730,21 tỷ USD tỷ USD năm 2022), đây chính là những dấu chỉ và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Với những thành công trên, ngành dịch vụ logistics Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Bên cạnh công tác hoàn thiện quy định pháp luật trong thời gian qua đã được Chính phủ quan tâm, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã được cải thiện đáng kể.
Theo bảng xếp hạng Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam nhìn trong tổng thể vẫn còn một số hạn chế như chưa khai thác hết lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của từng địa phương, quốc gia; cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics chưa kết nối tốt giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin... ở cấp độ quốc gia và quốc tế nên hiệu quả chưa cao, dẫn đến hoạt động logistics còn nhiều bất cập.
Để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cả về nhận thức, tư duy và hành động. Từ thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, nhất là việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đòi hỏi phải có những quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho ngành dịch vụ logistics phát triển, đẩy mạnh đầu tư trong nước và hợp tác quốc tế.