Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đặc biệt nhấn mạnh năm 2023 là một năm quan trọng đánh dấu bước ngoặt kỷ niệm 30 năm thành lập VLA từ ngày 18/11/1993 đến 18/11/2023. Trải qua 3 thập kỷ, VLA đã không ngừng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Tiềm năng lớn về hợp tác Logictics giữa Việt Nam và Úc
Ông Lê Duy Hiệp đánh giá cao vai trò tiên phong của Australia trong việc đầu tư vào Việt Nam từ những năm 80, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và tài trợ giáo dục nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực Việt Nam. Lĩnh vực Logistics đặc biệt được hưởng lợi từ mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia thông qua Chương trình Aus4Skills, một dự án được Chính phủ Australia tài trợ thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.
"Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, cá nhân, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp chia sẻ về nhu cầu về phát triển, nâng cao sự phát triển logistics xanh giữa các ngành lĩnh vực xuất khẩu quan trọng. Đồng thời cung cấp nền tảng trao đổi kiến thức và học tập kinh nghiệm từ những bài học thực tế, để thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo giữa Việt Nam và Úc" - Ông Lê Duy Hiệp phát biểu.
Phát biểu tại diễn đàn, Bà Cherie Anne Russell, Tham tán, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ: "Năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia (Úc) và Việt Nam. Giáo dục là nền tảng cho mối quan hệ song phương và sự hợp tác của Úc trong lĩnh vực giáo dục rất mạnh mẽ với hơn 80.000 cựu sinh viên Việt Nam theo học tại Australia kể từ năm 1974. Australia đã đóng góp tích cực vào nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hợp tác nghiên cứu, chương trình học bổng Australia Awards, và VET (Vocational Education and Training) – Giáo dục và đào tạo nghề ngắn hạn. Quan hệ đối tác giữa Australia và Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong việc củng cố hệ thống giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam".
Những năm qua, Úc đã thành công với dự án giáo dục và đào tạo nghề ngắn hạn (VET) trong lĩnh vực logistics, mở rộng quan hệ với doanh nghiệp logistics và các đối tác VET. Cả hai quốc gia đều hướng đến thúc đẩy thương mại và đầu tư, với thương mại hai chiều đạt mức tăng trưởng kỷ lục. Logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh. Đặc biệt, dược phẩm và nông sản là các mặt hàng có kim ngạch lớn trong xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Úc.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh tới yêu cầu về phát triển logistics xanh góp phần nâng cao hiệu quả logistics và tối ưu hoạt động xuất nhập khẩu giữa 2 nước, tăng cường mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo của 2 quốc gia. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các đại biểu tham gia chia sẻ giải pháp cho phát triển logistics xanh. Chia sẻ những kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực logistics trong xu hướng số hoá và logistics xanh.
Thực trạng và giải pháp phát triển logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI) đã chia sẻ một số thông tin quan trọng về thực trạng phát triển logistics tại Việt Nam, cụ thể chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam đứng ở vị trí 43 trên thế giới và là quốc gia thứ 5 trong nhóm ASEAN, tương đương với Philippines. Dịch vụ logistics đóng góp 5%-6% vào GDP, có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%-20%, và tỷ lệ thuê ngoài đạt 50%-60%. Chi phí logistics giảm khoảng 16%-20% so với GDP.
Bà Thu Hòa cũng cho biết thêm một số thông tin quan trọng về tình hình các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi Úc. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang Australia với mức tăng trưởng trung bình 11%/năm từ 2018-2022. Một số loại trái cây như xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang Úc. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của giá trị xuất khẩu đạt 6,8%.
Hiện chuỗi cung ứng logistics cho nông sản của Việt Nam hiện đã có sự thay đổi tích cực và tương đối hoàn thiện. Nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do VLI thực hiện gần đây cũng cho thấy, trong lĩnh vực logistics xanh cho nông sản, doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ và 44.23% đánh giá rất tốt, 25% đánh giá tốt. Doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh, tuy nhiên, đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Úc, như chi phí cao và chính sách nhận hàng.
Những khó khăn hiện tại đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xanh, về chi phí và rào cản thể chế quy định trong chính sách của chính phủ Úc, tiêu chuẩn kỹ thuật,… Để cải thiện, bà Hoà gợi ý các doanh nghiệp cần có sự kiểm soát mạnh mẽ hơn từ vùng trồng, theo đó xanh từ sản xuất, trồng trọt, bảo quản,… Bên cạnh đó doanh nghiệp đặc biệt cần quan tâm tới nhân lực cho logistics xanh.
Theo đó, VLI khuyến nghị trước hết, chú trọng hạ tầng logistics gồm kho lạnh, tối ưu hoá kho hàng, vận chuyển… Thứ hai, khuyến nghị liên quan tới bao bì xanh và kho hàng xanh. Thứ ba, cần sự hỗ trợ phối hợp của các bên liên quan với các mô hình thí điểm sau đó nhân rộng ra các ngành hàng khác.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm về logistics cho ngành dược phẩm Việt Nam và Úc, ông Craig Luxton, Giám đốc – Tư vấn chính – Công ty Luxton & Co cho biết: "Xuất khẩu dược phẩm từ Úc sang Việt Nam đạt 90,53 triệu USD vào năm 2022, đây là sự tăng đáng kể so với năm trước. Trong năm 2022 giá trị xuất khẩu dược phẩm từ Úc sang Việt Nam cho một số sản phẩm nổi bật như: Thuốc bán lẻ đạt 52,80 triệu đô, Máu và vaccine đạt 36,82 triệu đô, và dược phẩm đạt 342,25 nghìn đô. Sự gia tăng này được ghi nhận là do chi tiêu chăm sóc sức khỏe gia tăng đột ngột ở Việt Nam, được hỗ trợ bởi các sáng kiến như CPTPP...".
Ông Craig Luxton cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thiết kế và vận hành logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm Úc. Cụ thể:
+ Hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan bao gồm việc làm việc với nhà cung cấp để có nguồn nguyên liệu bền vững, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển với đối tác logistics, và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ y tế để hiểu rõ nhu cầu và giảm tồn kho thừa. Công nghệ và đổi mới bao gồm sử dụng phân tích dữ liệu để dự báo tốt hơn, đầu tư vào công nghệ chuỗi lạnh tiết kiệm năng lượng, và khám phá blockchain để theo dõi và tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
+ Bảo đảm tuân thủ các quy định quốc gia và quốc tế về dược phẩm và tiêu chuẩn môi trường đến việc tìm kiếm chứng nhận cho hoạt động chuỗi cung ứng xanh như ISO 14001. Đào tạo nhân viên về tầm quan trọng của bền vững trong chuỗi cung ứng và khuyến khích văn hóa liên tục cải tiến và thực hành bền vững là chìa khóa. Giám sát và báo cáo định kỳ về ảnh hưởng môi trường của hoạt động chuỗi cung ứng, cùng việc báo cáo các chỉ số bền vững cho các bên liên quan, đều là bước quan trọng để thúc đẩy cải tiến.
+ Đặt ra mục tiêu rõ ràng, bắt đầu với việc tối ưu hóa hiệu suất và sản xuất, xem xét các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, và xây dựng lộ trình cho một tương lai xanh hơn.
Ông Craig Luxton cũng chia sẻ, Việt Nam có thể áp dụng các thực hành tương tự, tuy nhiên nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện và pháp lý địa phương, cũng như gợi ý các lĩnh vực tiềm năng để hợp tác giữa Úc và Việt Nam nhằm thúc đẩy logistics xanh trong xuất khẩu dược phẩm.
Trong phần tổng kết phiên thảo luận, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đã chia sẻ những kết luận quan trọng và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển Logistics Xanh và chuỗi cung ứng bền vững.
Ở Úc, đã chứng kiến sự thành công của việc áp dụng nguyên tắc Logistics Xanh vào quản lý chuỗi cung ứng, từ việc giảm lượng chất thải đến việc tối ưu hóa các phương tiện vận chuyển với mục tiêu giảm khí nhà kính. Các sáng kiến như này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho cả xã hội.
Tại Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu nông sản, và đồng thời, nhu cầu về chuỗi cung ứng bền vững cũng ngày càng cao. Việc học hỏi và kết nối kinh nghiệm với Úc, một quốc gia có lĩnh vực logistics phát triển, là một bước quan trọng để chúng ta có thể xây dựng những chuỗi cung ứng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.