Phát triển ngành cà phê Việt Nam bằng cách nào?

06/03/2017 14:48

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Vấn đề lớn trong xuất khẩu cà phê VN hiện nay là tính bền vững chưa cao. Những năm gần đây, tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá cả không ổn định nên kim ngạch xuất khẩu tăng chậm hoặc giảm sút.

(Vietnam Logistics Review)Vấn đề lớn trong xuất khẩu cà phê VN hiện nay là tính bền vững chưa cao. Những năm gần đây, tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá cả không ổn định nên kim ngạch xuất khẩu tăng chậm hoặc giảm sút.

Những lợi thế

Về điều kiện tự nhiên: VN nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, trải dài theo phương kinh tuyến từ 8030’ đến 23030’ vĩ độ Bắc. Điều kiện khí hậu, địa lý và đất đai thích hợp cho việc phát triển trồng cây cà phê, và cà phê VN có một hương vị rất riêng, độc đáo.

Về khí hậu: VN nằm trong vành đai nhiệt đới, hàng năm khí hậu nắng lắm mưa nhiều. Lượng mưa phân bố đều giữa các tháng trong năm nhất là những tháng cà phê sinh trưởng. Khí hậu VN chia thành hai miền rõ rệt. Miền khí hậu phía Nam thuộc khí hậu nhiệt đới nóng ẩm thích hợp với cà phê Robusta. Miền khí hậu phía Bắc có mùa đông lạnh và có mưa phùn thích hợp với cà phê Arabica.

Về nhân công: VN với dân số 80 triệu người trong đó 49% là trong độ tuổi lao động. Đây là đội ngũ lao động khá dồi dào, cung cấp cho mọi hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Sản xuất cà phê xuất khẩu là một quá trình bao gồm nhiều công đoạn, bắt đầu từ khâu nghiên cứu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến, bảo quản, bao gói, xuất khẩu. Quá trình này đòi hỏi một đội ngũ lao động khá lớn. Đặc biệt ở VN thì việc ứng dụng máy móc vào sản xuất, chế biến cà phê chưa nhiều vì thế lợi thế về nhân công có thể giúp nước ta giảm rất nhiều chi phí cho sản xuất cà phê xuất khẩu, từ đó có thể hạ giá thành giúp cho cà phê VN có thể cạnh tranh về giá so với các nước trên thế giới.

VN có đất đỏ bazan thích hợp với cây cà phê được phân bổ khắp lãnh thổ trong đó tập trung ở hai vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, với diện tích hàng triệu ha. Như vậy cây cà phê cần hai yếu tố cơ bản là nước và đất thì cả hai yếu tố này đều có ở VN. Điều này tạo cho chúng ta có lợi thế mà các nước khác không có được.

Người dân VN có đức tính chịu khó cần cù, có tinh thần học hỏi tiếp thu khoa học công nghệ để áp dụng vào trồng và chế biến cà phê xuất khẩu. Điều này cũng là lợi thế trong việc tạo ra một nguồn hàng cho cà phê xuất khẩu.

Những hạn chế

Vấn đề lớn trong xuất khẩu cà phê VN hiện nay là tính bền vững chưa cao. Những năm gần đây, tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá cả không ổn định nên kim ngạch xuất khẩu tăng chậm hoặc giảm sút.

Thiếu quy hoạch và kế hoạch: Tình trạng tự phát, manh mún không gắn với thị trường diễn ra phổ biến dẫn đến hậu quả cung vượt cầu, giá cả giảm làm thu nhập của người sản xuất giảm sút, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu cà phê.

Cơ cấu sản xuất chưa hợp lý: tập trung quá lớn vào cà phê Robusta trong khi đó lại chưa quan tâm đến mở rộng cà phê Arabica là loại cà phê đang được thị trường ưa chuộng và có giá cao.

Chất lượng cà phê còn thấp chưa tương xứng với lợi thế về đất đai, khí hậu VN, còn cách xa với yêu cầu của thị trường thế giới: Cà phê VN còn nhiều tạp chất, ít hạt chín, công nghệ phơi sấy và bảo quản lạc hậu dẫn đến nấm mốc làm giảm chất lượng cà phê. Đặc biệt các DN VN chưa khai thác được lợi thế cà phê của mình, chính là hương vị đặc trưng.

Tổ chức quản lý, thu mua cà phê còn nhiều bất cập: Hiệp hội cà phê chỉ quản lý được một phần các DN sản xuất cà phê, chủ yếu thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, còn đại bộ phận cà phê hộ gia đình do tư thương chi phối.

Do những nhược điểm nêu trên nên sức cạnh tranh của cà phê VN trên thị trường thế giới còn thấp về chất lượng, giá thành còn cao, chủng loại sản phẩm còn đơn điệu. Đây là những thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu cà phê VN trong giai đoạn hội nhập với thị trường thế giới.

Những giải pháp

Đối với Nhà nước:

Chúng ta nên giảm diện tích cà phê già đã hết tuổi kinh doanh, cà phê tái sinh cho năng suất và chất lượng thấp, cà phê tại những khu vực có điều kiện thời tiết không phù hợp.

Nhà nước quy định giá sàn và tăng cường hoạt động tạm trữ dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua tổng công ty hoặc công ty xuất nhập khẩu.

Ngân hàng hỗ trợ cho người trồng cà phê vay vốn dài hạn để hỗ trợ phát triển cây cà phê.

Cần xây dựng chính sách thu mua theo hướng kích thích người sản xuất tự nâng cao chất lượng.

Nhà nước cần có biện pháp cụ thể hỗ trợ mở rộng thị trường. Các cơ quan tham tán, đại diện thương mại của VN tại các nước có vai trò quan trọng trong xúc tiến xuất khẩu, cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ nghiên cứu thị trường quốc tế đối với cà phê xuất khẩu.

Chính phủ cần quan tâm hơn cho phát triển công nghiệp cà phê. Cần đầu tư sử dụng thêm nhiều cụm chế biến công nghiệp.

Đối với DN:

Giải bài toán phát triển cà phê vùng Tây Nguyên bền vững, các Bộ, ngành, địa phương, DN và người dân cần liên kết để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, ưu tiên thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển cà phê VN nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ cho việc nghiên cứu, chuyển giao giống, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến; hỗ trợ các hoạt động liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng cà phê. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hộ dân, giữa hộ dân với các DN, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu. Hỗ trợ hướng dẫn xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất kinh doanh cà phê. Hỗ trợ đầu tư, trao đổi hàng hóa nhằm giảm áp lực về nhu cầu tài chính cho người dân, đặc biệt là hướng dẫn các hộ dân liên kết, hợp tác với nhau, với DN trong khâu bảo vệ sản phẩm, thu hoạch, phơi sấy, sơ chế cà phê... trên tinh thần tự nguyện cùng có lợi. Liên kết mở rộng thị trường nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của cà phê VN trên thị trường quốc tế.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, hạn chế việc sử dụng phân bón khoáng, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tiết kiệm nước tưới và chỉ sử dụng khi cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo vườn cây phát triển bền vững.

Thay thế những cây cà phê năng suất thấp, quả bé, dễ nhiễm bệnh gỉ sắt bằng cách cưa bỏ để ghép với những tinh dòng có năng suất cao, cỡ hạt lớn và chống được sâu bệnh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành cà phê Việt Nam bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO