Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt của ngành logistics

Thụy Hậu|14/12/2021 19:23

(VLR) “Phát triển nhân lực logistics” được chọn làm chủ đề chính của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức. Chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics, góp phần thúc đẩy ngành logistics của Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021

Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) là sự kiện thường niên tổ chức hàng năm từ năm 2013 đến nay nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Sau khi diễn ra hai Phiên Hội thảo chuyên đề vào buổi sáng, chiều 14/12, Phiên Toàn toàn thể của Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 đã được diễn ra với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và cùng nhiều đại biểu khách mời. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) có ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA tham dự.

Phát biểu tại Phiên Toàn thể, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo nghiên cứu năm 2021 của Bộ Công Thương, Chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14% - 16% trong một năm.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn

“Tuy nhiên, dịch COVID-19 trong hai năm qua đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và vận chuyển ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí vận tải biển tăng cao, trực tiếp khiến logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trên thực tế, dịch COVID-19 cũng đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng, tạo ra những xu hướng, mô hình, phương thức mới trong sản xuất lưu thông và tiêu dùng hàng hóa trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, tạo ra động lực mới cũng như sức ép đòi hỏi các quốc gia cần đổi mới, thay đổi tư duy, cơ chế quẩn lý, công nghệ và nguồn nhân lực nếu không muốn tụt hậu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cũng như tái cơ cấu chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Những điểm yếu cố hữu của ngành logistics Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn như chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% tổng GDP quốc gia, cao hơn nhiều so với chi phí logistics trung bình trên thế giới đang dao động ở mức 11% - 12% GDP, ông Tuấn Anh nói.

Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics - doanh nghiệp sản xuất - doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu và chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam với quy mô lớn, có khả năng và năng lực dẫn dắt thị trường để thúc đẩy ngành phát triển.

Chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực của ngành còn yếu và thiếu, mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường và chưa theo kịp được sự phát triển của logistics trên thế giới. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận việc dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao.

Ông Tuấn Anh cho rằng, bối cảnh này đặt ra yêu cầu ngành logistics phải có giải pháp để duy trì sự chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong duy trì các chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, vừa phải có tư duy tầm nhìn và giải pháp đặc biệt, định hình hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo bước đột phát cho phục hồi kinh tế - xã hội trong những năm 2022 - 2023, cho cả giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, việc phát triển ngành logistics nói chung và nguồn nhân lực của ngành logistics nới riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành công thương, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam chia sẻ kiến nghị về phát triển nhân lực logistics

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam chia sẻ kiến nghị về phát triển nhân lực logistics

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam chia sẻ, nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định năng lực cạnh tranh, bứt phá của Việt Nam trong 10 năm tới.

Ông Chương cũng đã đề xuất kiến nghị cần có kế hoạch để rà soát, sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về lĩnh vực logistics làm sao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường nhân lực trong cả nước cũng như của từng vùng và từng địa phương.

Chính phủ có thể xem xét dành một khoản kinh phí cho giáo dục đào tạo đối với chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời xem xét đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nhân lực có trình độ cao, trọng điểm quốc gia ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam để hướng tới đào tạo chuyên sâu nhân sự các cấp độ vận hành và quản lý, góp phần nâng cao trình độ nhân lực logistics để có thể đáp ứng được sự phát triển ngày càng nhanh chóng của lĩnh vực này.

Chính phủ và bộ ban ngành hỗ trợ Hiệp hội làm đầu mới cho việc xin nguồn kinh phí từ các tổ chức tài chính quốc tế nhằm xây dựng các dự án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đặc biệt là năng lực về công nghệ thông tin…

Dù cuộc cách mạng khoa học công nghệ hay quá trình chuyển đổi số có diễn ra mạnh mẽ đến đâu thì nhân lực vẫn là một nguồn lực mềm vô cùng quý giá của mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia, đặc biệt là ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, Việt Nam có điểm mạnh là sở hữu dân số trẻ, sự chăm chỉ, thông minh cùng sự chung sức của toàn hệ thống, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Lễ công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2021

Lễ công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2021

Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020 - 2021

Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020 - 2021

Cũng tại Phiên Toàn thể cũng đã diễn ra Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2020 - 2021; Báo cáo Logistics Việt Nam 2021; Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch TT Hiệp hội VLA đã trao Giấy Chứng nhận Hội viên Hiệp hội VLA cho Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA)

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch TT Hiệp hội VLA đã trao Giấy Chứng nhận Hội viên Hiệp hội VLA cho Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA)

Cũng trong Diễn đàn, ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội VLA đã trao Giấy Chứng nhận Hội viên Hiệp hội VLA cho Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA). Theo Ông Đào Trọng Khoa, trong phương hướng phát triển Nhiệm kỳ VIII (2021 - 2021), VLA đã đề ra nhiệm vụ hỗ trợ việc thành lập các Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics địa phương nhằm thực hiện nhiệm vụ “Củng cố, nâng cao vai trò của các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics” trong Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 22/2/2021. Trên tinh thần đó, Hiệp hội VLA ủng hộ, hỗ trợ sự phát triển, cũng như sẵn sàng kết nối hỗ trợ các hiệp hội địa phương; hiệp hội VLA sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội Logistics địa phương và cùng nói lên tiếng nói chung, trao đổi, tạo ra cơ chế phù hợp, để hội viên của Hiệp hội Logistics địa phương cũng được hưởng những quyền lợi của hội viên VLA trong các tổ chức quốc tế như AFFA, FIATA mà VLA là đại diện quốc gia chính thức. Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics địa phương sẽ là “cầu nối” giữa doanh nghiệp trong ngành và các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Ngành dịch vụ logistics tham gia một cách thiết thực vào việc khôi phục sản xuất, chuỗi cung ứng, phát triển bền vững

Tháng 10/2021 kinh tế, xã hội bắt đầu khôi phục khi Việt Nam từng bước mở cửa nền kinh tế, chuỗi cung ứng được phục hồi, bảo đảm lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Việc tận dụng Hiệp định FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA và CPTPP, cùng với sự chống chịu và thích nghi tốt sau kinh nghiệm hoạt động năm 2020 nên ngành dịch vụ logistics nói chung nhất là vận tải biển nước ta đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng kim ngạch XNK vượt mốc 600 tỷ USD, và xuất siêu trong năm 2021.

Đổi mới, sáng tạo là điểm nổi bật của hoạt động logistics trong thời gian chống dịch COVID-10, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, ngành dịch vụ logistics nói chung, nhất là Hội viên của Hiệp hội VLA trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển trong tình hình mới đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng. Một số hãng bay như Vietnam Airlines (chuyển 19 máy bay), Vietjetair, Bamboo Airways đã chủ động chuyển máy bay chở khách sang chở hàng hóa nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới bằng cách cho các công ty logistics thuê nguyên chuyến hoặc thuê kết hợp. Tổng công ty Đường săt Việt Nam đã bắt đầu khai thác các tuyến tàu liên vận, vận chuyển hàng hóa container qua Trung Quốc để đi đến Nga và một số nước EU chạy bình quân 7 ngày/chuyến.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã tự nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị thông qua đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới. Đổi mới mô hình hoạt động thích hợp, nắm bắt thông tin thị trường để có giải pháp huy động nguồn lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh; Chủ động tìm kiếm, liên kết với các Doanh nghiệp XNK, doanh nghiệp quốc tế, nổi bật là tham gia Dự án Hộ chiếu Logistics Thế giới, thành lập các đại diện tại các thị trường nước ngoài; Thúc đẩy e-logistics…

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VLA


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực - yếu tố then chốt của ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO