Khởi hành trong cái lạnh như cắt của mùa đông, đoàn xe gắn máy băng qua làn sương dày đặc theo Quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc, nơi đây bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng hoa xuân ven đường đong đưa rực rỡ. Dù chúng đã cố thu mình lại bởi cái lạnh như dao cứa vào da, nhưng vẻ đẹp như tranh đó vẫn không thể cất giấu. Trong ánh nắng yếu ớt, người nông dân đang “thu hoạch mùa Xuân” thật đẹp. Sau khi dừng chân chụp những tấm ảnh mà có lẽ bạn sẽ khó có dịp chụp lần nữa, đoàn xe lại tiếp tục tiến về Phú Thọ, chẳng có lý do gì lại không dừng chân ở Đền Hùng. Lịch sử như sống lại hào hùng giữa núi rừng Đông Bắc, cảnh vật tưởng chừng như chỉ có trong câu ca dao, và câu chuyện bà kể lúc bé, đồi cọ mùa xuân thay lá xanh mướt, lung lay trong gió như đưa lời chào... Ngôi đền cổ kính có lẽ là lời chứng duy nhất còn đứng vững trước thời gian, mùa đông nơi đây như dừng lại khi hòa cùng khói hương nghi ngút làm ấm lại lòng người trước công ơn dựng nước của các Vua Hùng. Ăn bữa cơm đạm bạc ven suối rồi tiếp tục lên đường. Rẽ Quốc lộ 70 đi Yên Bái, cặp theo con sông Hồng uốn lượn đoàn xe thẳng tiến đến Lào Cai. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là con sông chở đầy những huyền thoại, nhưng cũng thật hiền hòa trong câu hát... Suốt con đường đi mọi người tha hồ khám phá vẻ đẹp huyền bí của rừng núi phía Bắc, nét đẹp hoang sơ và không kém phần ngoạn mục bởi những khúc cua gắt hình chữ Z đầy thử thách.
Chinh phục khoảng 380km đường núi ngoằn ngoèo, Thị xã Lào Cai hiện ra thanh bình và quyến rũ. Mọi người đã thấm mệt nên dừng chân nghỉ ở Thị xã Lào Cai. Ban đêm ở đây khác với những nơi khác, phố núi vùng biên giới sôi động và nhộn nhịp hơn về đêm. Chỉ cách nhau con sông Hồng, cửa khẩu Hà Khẩu, cư dân Trung Quốc và VN trở nên thân thiết qua phong tục tập quán, phong cách ẩm thực, và cả nét văn hóa gần như giống nhau.
Khởi hành sớm là một quyết định sáng suốt và là điều quan trọng trong chuyến đi bụi, vì rất có khả năng sẽ bị lạc đường, cũng là để có nhiều thời gian dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Buổi sáng ở phố núi dầy sương, mọi người gần như lịm đi trong cái lạnh tê buốt, nhưng rồi Sapa cũng hiện ra mờ ảo. Thật không hổ danh “Thành phố trong mây”. Khắp nơi đều phủ một màu trắng xóa, ở đây mọi người được lựa chọn cho mình các hình thức nghỉ ngơi, ở khách sạn thì ổn rồi. Nhưng vấn đề của du lịch bụi là... “bụi”, vì thế chúng tôi tá túc ở nhà của đồng bào dân tộc H’mông. Cùng ăn, ngủ và sinh hoạt với nhau như người trong gia đình. Cái hay của du lịch bụi là được trải nghiệm cách sống khác, học cách chấp nhận những điều không như mình mong muốn, và được hòa mình với thiên nhiên. Người dân đón chúng tôi bằng chén rượu ngô, vài miếng thịt “lợn cắp nách” xông khói. Vị mặn của thịt làm cổ họng chát ngắt, nhưng khi hớp chén rượu ngô thì mọi thứ đều dung hòa vào nhau. Cảm xúc ấm nóng của tình người, câu chuyện càng thêm vui khi mọi người bắt đầu chia sẻ cùng nhau những điều mới lạ trong cuộc sống...
Sapa không có nhiều điểm tham quan như ở Đà Lạt, hay các điểm du lịch khác. Nhưng nó thật sự cuốn hút bởi nét hoang sơ và hùng vĩ. Ở đó, chúng ta có dịp tìm hiểu các phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số như H’mông, Dao, Tày... mỗi dân tộc là cả một khoảng trời mênh mông, chứa đựng những câu chuyện tình li kì và không kém phần lãng mạn, nghiệt ngã... từ đó đã ra đời một phiên chợ thật đặc sắc: “chợ tình Sapa”. Chợ tình ẩn chứa một nét đẹp đơn sơ, nét đẹp rất nhân văn và con người, những đôi trai gái tìm đến nhau trong phiên chợ mang theo cả một nghệ thuật múa xòe và múa khèn. Giai điệu thoạt nghe chẳng có gì hay, nhưng cái hay của nó ở chỗ tiếng vang vọng lại từ núi rừng... Âm thanh không thể trộn lẫn được với các loại nhạc cụ khác tạo nên một bản hòa tấu hoàn hảo mà chính những ngọn núi kia là nhạc trưởng. Thật khó mà tưởng tượng nổi nét đẹp nơi đây, đứng đâu bạn cũng thấy núi non trùng điệp, những thung lũng ruộng bậc thang xếp đều như tranh vẽ. Vài nét chấm phá của cây đào đang mùa ra hoa tạo nên những điểm nhấn độc đáo trong bức tranh của bạn.
Đỉnh núi Phansibang nổi tiếng sừng sững như một thách thức cho những ai có máu phiêu lưu. Để chinh phục ngọn núi đó, các bạn phải mất 3 ngày vừa leo núi vừa nghỉ, nhưng đa số không lên được tới đỉnh vì mệt, vì lạnh, vì sợ, và vì... không có quyết tâm, tuy nhiên không thể phủ nhận sức khỏe quyết định chủ yếu trong chuyến đi này.
Sapa về đêm lạnh ngắt, nhiệt độ xuống chỉ khoảng 5-6 độ. Đây cũng là thời điểm những đôi trai gái người bản địa tụ họp trong câu chuyện tình yêu, họ cười lúng liếng ném ánh nhìn lên trời mỗi khi bắt gặp đôi mắt người yêu, hoặc bẽn lẽn nhìn xuống đất như thể đâu đó có bóng hình của bạn tình. Chúng tôi lang thang đến phố Nhà thờ, cũng là phố ẩm thực về đêm... Ở đây, đặc biệt là những món nướng từ nguồn nguyên liệu của người dân tộc như gà bản, lợn cắp nách, cá suối nướng... và các loại rau trồng được ăn kèm... trong không khí lạnh chúng tôi thưởng thức món lẩu gà bản uống kèm với rượu Táo Mèo, một loại rượu đặc sản được ngâm từ quả táo của vùng đất này.
Nhiều lắm những điều bí ẩn trong con người cũng như vùng đất nơi đây, có người lý giải nó như thiên đường trong mây, bởi quanh năm nơi đây được bao phủ trong làn sương trắng, nó như tấm khăn choàng của nàng tiên nào đó bỏ quên... Một sự ưu ái cho cái khắc nghiệt của phố núi chính là sự bao bọc, bảo vệ của núi non, tạo thành một quang cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp. Mùa xuân nơi đây thật lạnh mà cũng thật đẹp, nét đẹp bí ẩn, mạnh mẽ, mà cũng thật dịu dàng, sâu lắng. Đong đưa trong tiếng khèn gọi tình mùa xuân, phố núi đang chìm trong câu chuyện tình yêu của thiên nhiên, đất nước và con người VN...