Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng FDI

Kinh tế đô thị|29/01/2019 15:36

(VLR) Ngày 29/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với Thành phố Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (FDI). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp đoàn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Mở đầu buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Mục tiêu của buổi làm việc là tìm hiểu thực trạng tình hình đầu tư nước ngoài, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị của địa phương, nhằm hoàn thiện Đề án của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Gợi mở một số vấn đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Sau 30 năm thu hút FDI, cả nước có 26.500 dự án đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn đầu tư FDI là khoảng 339 tỷ USD; đóng góp của khu vực kinh tế này đến năm 2017 khoảng 20% GDP toàn quốc; có mặt ở 19/21 ngành kinh tế, 62/63 tỉnh thành phố; đóng góp khoảng 14% thu ngân sách nhà nước; chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất khẩu khoảng 70%; 50% giá trị sản xuất công nghiệp; tạo ra 4 triệu lượt làm trực tiếp và 56 triệt lượt làm gián tiếp;…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong thu hút và sử dụng FDI, trong đó Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước.

Trên cơ sở đó, đoàn công tác muốn trao đổi về thành công nổi bật của Hà Nội trong việc thu hút và sử dụng FDI; tác động của thành phần FDI trong việc phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong 30 năm qua.

Bên cạnh đó, đoàn công tác muốn trao đổi sâu hơn với TP Hà Nội về mức độ sử dụng công nghệ trong FDI; tình hình liên kết đầu tư nước ngoài; cách thức ngăn chặn tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng ở tại các DN nhỏ; làm thế nào kiểm soát được tổng mức đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực và trình độ quản lý; công tác chăm lo bảo về quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động; các quy định và tư duy mới mang tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao; đánh giá và kiến nghị những bất cập trong hệ thống pháp luật và thể chế chính sách….

Lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản báo cáo thực trạng tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD.

Trong đó: Giai đoạn 1989-2005 thu hút 10,95 tỷ USD; Giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD; Giai đoạn 2015-2018 thu hút 15,11 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD - lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về hình thức đầu tư: dự án 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo lĩnh vực, vốn đầu tư thu hút lớn nhất là vào bất động sản (29,53%), tiếp đến là công nghiệp chế biến chế tạo (20,01%), thông tin truyền thông (11,48%). Theo quốc gia, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô vốn đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,48 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.

Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong giai đoạn đầu (1989-2005), khi nguồn vốn đầu tư trong nước hạn chế thì FDI là kênh thu hút vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, trung bình chiếm đến 25,3%; giai đoạn 2006-2015 là 12,3% và hiện nay khoảng 9,9%, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thành phố.

FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô theo hưóng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế: xây dựng, tài chính, thương mại, logistic, y tế, giáo dục... và lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất ứng dụng công nghệ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cẩu.

Bên cạnh đó, tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng khoảng 295.000 người; thu nhập bình quân khoảng 11,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn thu nhập trung bình của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp khác; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...

Theo Phó Chủ tịch, thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có.

Cụ thể, TP đã xây dựng và giới thiệu danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội tại các Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” thường niên từ năm 2016.

Thực hiện tốt công tác cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014: Trung bình một năm cơ quan đầu mối về đầu tư nước ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận khoảng 2.000 - 2.200 lượt hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại buổi làm việc

TP thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ từ 40-50 dự án có sử dụng đất/năm để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Từ năm 2015, thành phố Hà Nội đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, là cơ quan chuyên trách tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thành phố.

Dự kiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2019, Phó Chủ tịch cho biết, giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng.

Bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại: giao thông, khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoảt nước, môi trường; lĩnh vực sản xuất, gia công, trong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nồng, lâm, thủy hải sản và thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3-D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như: Dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, Thương mại, giáo dục đào tạo..

Thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành, chính, tập trung chi đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa; Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn la: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản – Hàn Quốc...

Xây dựng mô hình "thành phố công nghiệp"

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội 3 năm qua có nhiều khởi sắc. Đó là do thành phố đã xác định rõ các dự án còn vướng mắc để cùng nhà đầu tư tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án có thể mở rộng.

Về kêu gọi đầu tư vào các dự án mới, thành phố chủ động trao đổi sớm với các nhà đầu tư qua nhiều kênh khác nhau, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của đối tác; nắm bắt xu thế phát triển của các ngành nghề để định hướng thu hút; tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua mô hình "một cửa"... Hằng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại đây, thành phố thể hiện mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư như một đối tác tin cậy và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác bình đẳng, hiệu quả.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, công tác xúc tiến đầu tư cần được tiến hành theo nhiều hướng, tiếp cận các nhóm doanh nghiệp, từng nhà đầu tư. Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất xây dựng mô hình "thành phố công nghiệp" tích hợp các dịch vụ phụ trợ để phục vụ người lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Theo Chủ tịch UBND thành phố, việc thu hút đầu tư công nghệ cao phải đi đôi với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về giá, chính sách ưu đãi về hạ tầng đối với ngành, nghề sử dụng công nghệ cao...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, về lâu dài, cần quy hoạch vùng kinh tế để thu hút các nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác nhau. Các địa phương cũng cần chủ động hợp tác để tham gia vào các chuỗi hàng hóa toàn cầu; chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện hoạt động cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; có chiến lược xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ.

Chuyển từ giai đoạn thu hút FDI sang hợp tác đầu tư, phát triển

Phát biểu cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. Ngoài ra, tỷ trọng vốn FDI giảm trong tổng thể thu hút vốn chung cho thấy, việc thu hút nguồn lực trong nước cũng được đẩy mạnh, tránh lệ thuộc vào nước ngoài...

Qua thực tiễn tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong giai đoạn 10 năm tới, đến năm 2030, với bối cảnh, yêu cầu cũng như thách thức mới đặt ra đòi hỏi phải đổi mới tư duy trong thu hút và sử dụng FDI.

Riêng với Hà Nội Phó Thủ tướng đặt vấn đề: “Hà Nội có thể chuyển từ giai đoạn tăng cường thu hút, sử dụng FDI sang giai đoạn hợp tác toàn diện đầu tư, phát triển”.

Phó Thủ tướng lưu ý, hợp tác toàn diện thể hiện qua việc coi nhà đầu tư là đối tác, trong đó, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam, tạo môi trường đáng sống để các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam gắn bó với Việt Nam. Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt đặt yêu cầu cao hơn với tiêu chí khoa học công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ chiều rộng sang chiều sau, từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO