Phòng vệ thương mại: Chủ động trước “bão” lớn

Công Thương|04/01/2020 09:37

(VLR) Các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) được xem như những cơn “bão” đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Trong năm 2019, trung bình 1 vụ/1 tháng - đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất từ trước tới nay mà Việt Nam phải đối mặt. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đã nỗ lực cùng các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) ứng phó tốt nhất, bảo vệ quyền lợi của các ngành sản xuất trong nước mà vẫn tuân thủ cam kết hội nhập.

Doanh nghiệp ngành thép cần chủ động về nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng

Doanh nghiệp ngành thép cần chủ động về nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng

Các vụ việc ngày càng gia tăng

Theo thống kê của Cục PVTM, Bộ Công Thương, năm 2019 có 154 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, chiếm số lượng nhiều nhất là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm 56%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (33 vụ, chiếm 21%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (15 vụ việc, chiếm 10%).

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nếu như trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mới bị kiện thì hiện nay ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Có thể nói, bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng PVTM.

Thống kê của Cục PVTM cũng cho thấy, trong số các quốc gia “thường xuyên” áp dụng các biện pháp PVTM với Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất, chiếm tới 19% (30 vụ) tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và EU (14 vụ, chiếm 9%)…

Điển hình một số vụ việc có tác động tiêu cực đến sản xuất của DN trong nước như Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng mặt trời... Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam…

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội của Việt Nam

Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội của Việt Nam

Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện PVTM đối với Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần nhìn nhận các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để hạn chế các tác động tiêu cực đối với DN Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ DN thông qua nhiều hoạt động như: Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM. Từ đó, kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Bộ đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của mình. Đồng thời, đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn DN cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng; giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng…

Nhờ đó, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp, kết thúc điều tra) đối với 57/137 vụ việc, chiếm tỷ lệ khoảng 42%.

Đảm bảo công bằng cho ngành sản xuất trong nước

Song song với việc ứng phó PVTM, với một hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn thiện, Bộ Công Thương cũng đang tích cực áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ nền sản xuất, việc làm trong nước; đồng thời, giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Đến hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ áp dụng được 2 biện pháp PVTM đối với mặt hàng dầu ăn và thép inox. Nhưng chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã áp dụng 6 biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu.

Theo tính toán, những ngành sản xuất này đang đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Như, mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, một số DN đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường năng lực về PVTM, bảo vệ quyền lợi của các ngành sản xuất trong nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phòng vệ thương mại: Chủ động trước “bão” lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO