(Vietnam Logistics Review) Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực các chương trình hợp tác ngày càng đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhân chuyến thăm kéo dài ba ngày đầy ấn tượng của ông Barack Obama, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ đến Việt Nam từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995, bài viết này điểm qua một số thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Vài cột mốc đáng quan tâm
Hợp tác kinh tế Việt - Mỹ khởi đầu từ tháng 02.1993, khi VN được nối lại các khoản vay quốc tế, kể cả vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vào cuối tháng 4.1993, Công ty Tư vấn Đầu tư và Thương mại Việt - Mỹ (VATICO) của doanh nhân James Rockwell (công ty Mỹ đầu tiên hiện diện tại VN từ sau năm 1975) khai trương văn phòng đại diện tại Hà Nội. Qua năm sau, Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với VN. Năm 1995, hai bên công bố bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Năm 1998, hai nước ký kết Hiệp định song phương OPIC. Mỹ chính thức mở đường cho hoạt động của nhiều công ty và tổ chức Mỹ tại VN. Năm 2001, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký kết. Năm 2002, Ủy ban Hỗn hợp VN - Hoa Kỳ về quan hệ thương mại được thành lập. Năm 2005, Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật, cũng như các thỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự giữa hai nước được ký kết.
Năm 2006, Mỹ thông qua quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN. Năm 2007, VN gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và hai nước ký kết Hiệp định Hàng hải song phương, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Năm 2008, Trung tâm Hoa Kỳ lần đầu tiên được thành lập tại Hà Nội.
Một điều đáng lưu ý là các chuyến thăm của ba vị Tổng thống Mỹ đến VN đều diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa hai nước có những chuyển biến đáng kể. Năm 2000, chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton diễn ra trước khi Hiệp định BTA được ký kết. Năm 2006, Tổng thống George W.Bush tới Hà Nội trước thời điểm VN gia nhập WTO. Còn năm nay, Tổng thống Obama đến VN ngay sau khi hai nước vừa ký hiệp định TPP.
Sự tăng trưởng đầy ấn tượng
Chỉ qua hai thập kỷ, quan hệ thương mại Việt - Mỹ đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Theo Tổng cục thống kê Mỹ, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế từ con số 451 triệu USD năm 1995, đã tăng lên khoảng 45,06 tỷ USD trong năm 2015, tức tăng khoảng 100 lần. So với mức 36,32 tỷ USD của năm 2014, thương mại hai chiều giữa VN và Mỹ tăng 24,07% trong năm 2015, trong đó XK từ Mỹ tăng 23,32%, NK từ VN tăng 24,21%, mức thâm hụt thương mại của Mỹ và VN là 30,92 tỷ USD. Theo số liệu năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này có 6.031 DN vừa và nhỏ XK hàng hóa sang VN và 5.895 DN NK hàng hóa từ VN. Đó là con số khá ấn tượng.
Năm 2015, VN đứng thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ, con số này trong năm 2014 là thứ 26. Cho đến nay, Mỹ là đối tác lớn thứ hai của VN trên toàn thế giới, chỉ sau Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của VN trong khu vực châu Mỹ. Phòng Thương mại Mỹ (Am Cham) ước tính kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nền kinh tế sẽ đạt khoảng 57 tỷ USD vào năm 2020.
Chỉ 4 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch XK sang Mỹ của VN đã đạt 11,45 tỷ USD, trong đó có 3,4 tỷ USD hàng dệt may; 1,33 tỷ USD giày dép các loại; 1,5 tỷ USD điện thoại các loại và linh kiện; 407,7 triệu USD hàng thủy sản; 225,2 triệu USD hạt điều; 143,3 triệu USD cà phê… Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VN chỉ nhập từ Mỹ 2,47tỷ USD, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải khác và phụ tùng… Như vậy, cán cân thương mại vẫn đang nghiêng về phía VN với mức thặng dư xấp xỉ 9 tỷ USD.
Điều đáng quan tâm, VN là quốc gia duy nhất Mỹ chịu thâm hụt thương mại ở cả giá trị tuyệt đối và tương đối. Trong 1,2 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2000, XK của VN chiếm đến 80%, XK của Mỹ chỉ chiếm 20%; con số tương ứng trong 9,7 tỷ USD của năm 2006 là 90% và 10%; trong 41,3 tỷ USD của năm 2015 là 81% và 19%. Nhiều mặt hàng tiêu dùng như da giày, may mặc, đồ gỗ hay thực phẩm... của VN đang ngày càng phổ biến tại thị trường Mỹ. Báo chí Mỹ gần đây trích dẫn số liệu cho thấy mỗi năm, có khoảng 10 triệu đôi giày "Made in Vietnam" được bán ở các cửa hiệu của Nike hay những hệ thống bán lẻ như Macys, Walmart hay Target, chiếm khoảng 13% thị phần giày NK của Mỹ. Một ví dụ khác, Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas), Mỹ hiện là thị trường NK điều nhân lớn nhất của VN, với thị phần trên 50%. Trong 4 tháng đầu năm 2016, thị trường Mỹ nhập 29.349 tấn hạt điều VN, bằng 1/3 tổng lượng điều VN XK ra toàn thế giới, với kim ngạch hơn 225,2 triệu USD, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng với thương mại, hoạt động đầu tư giữa hai nước cũng có những bước tiến đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 7 vào VN với hơn 806 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,7 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại VN. Các lĩnh vực đầu tư của Mỹ vào VN rất đa dạng, từ công nghệ cao với quy mô cả tỷ USD của Intel, đến các ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo... Ở chiều ngược lại, đến cuối năm 2015, trong 40 giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho các DN VN mà cơ quan quản lý đã cấp, thị trường Mỹ dẫn đầu với 9 dự án, song số vốn đăng ký còn rất khiêm tốn, chỉ trên 50 triệu USD.
Số lượng khách du lịch từ Mỹ đến VN cũng ngày càng tăng. Nếu như năm 2000 mới có 96.000 lượt khách thì năm 2015 đạt 491.200 lượt, xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Số lượng lượt khách du lịch VN sang Mỹ cũng ngày càng tăng. Đó là chưa kể lượng du học sinh đông đảo của VN đang du học ở Mỹ. Chỉ riêng năm nay, đã có thêm gần 19.000 sinh viên VN sang Hoa Kỳ học tập, con số lớn nhất từ trước tới nay, đưa VN vào Top 10 quốc gia có số du học sinh, sinh viên cao nhất ở Mỹ.
Kỳ vọng tương lai
Theo Cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc (UN Comtrade), trong năm 2015, kim ngạch NK từ VN của Mỹ mới chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch NK của nước này, trong khi kim ngạch xuất sang VN cũng mới vỏn vẹn 0,47% so với tổng kim ngạch XK. Điều đó cho thấy, còn rất nhiều tiềm năng mở rộng cơ hội giao thương giữa hai nước.
Chuyến công du vừa qua của Tổng thống Mỹ Obama đã “truyền thêm lửa” cho hợp tác thương mại và đầu tư Việt - Mỹ. Vietjet và tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã ký kết hợp đồng mua bán 100 máy bay B737 MAX 200, trị giá 11,3 tỷ USD. Vietjet còn ký hợp đồng cung cấp động cơ và các dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy bay với Công ty Pratt & Whitney (Tập đoàn United Technologies Corp, Mỹ), có tổng giá trị lên tới 3,04 tỷ USD. Những hợp đồng giá trị lớn, cùng các hợp đồng mua vũ khí có thể triển khai sau này, nhờ lệnh bãi bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn của Mỹ với VN, có thể làm cân bằng trở lại cán cân thương mại hiện nay.
Ngày 25.5, ngay tại thời điểm diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến VN, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc hủy bỏ Chương trình Giám sát Cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố từ cuối năm 2015, vốn bị nhiều chuyên gia cho là lãng phí và không cần thiết. Thời gian tới, nếu Hiệp định TPP với sự tham gia của cả Mỹ và VN có hiệu lực, tăng trưởng thương mại có thể càng tăng tốc hơn.
Lĩnh vực đầu tư cũng có những tín hiệu khả quan. Trong chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ, Tập đoàn General Electric (GE - Mỹ) và Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở VN. Một nhà đầu tư khác là Asian Coast Development Ltd. (ACDL), công ty quốc tế chuyên về phát triển, đầu tư và xây dựng các khu nghỉ dưỡng phức hợp đến từ Mỹ, chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip, cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Xây dựng Cotec (CoteCons) về việc mở rộng khu nghỉ dưỡng này trị giá 75 triệu USD. Đó là chưa kể các dự án của các nhà đầu tư Mỹ liên quan đến dịch vụ thương mại, nghiên cứu như xây viện nghiên cứu tầm cỡ quốc tế về khoa học sự sống, y học… mà Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) đang đàm phán, xúc tiến. Theo kế hoạch, cuối tháng 6.2016, dự án Khu Công viên Sài Gòn Silicon trong SHTP, với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy lên đến hơn 1 tỷ USD, do một nhóm doanh nhân Việt kiều từ Mỹ về đầu tư sẽ chính thức hoạt động.
Để đạt tới một tương lai hợp tác kinh tế tốt đẹp hơn, cả VN và Mỹ sẽ còn trải qua nhiều thách thức và còn nhiều việc phải làm. Tuy vậy, về tổng thể, có thể nhận ra mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã, đang và sẽ tiếp nhận thêm nhiều động lực và có nhiều triển vọng mới trong tương lai.